Hành vi đi giày trong lớp mẫu giáo của vị quan chức giáo dục dễ tạo nên trong tâm trí trẻ một thông điệp sai lầm: Quy định, kỷ luật chỉ dành cho trẻ em và cấp dưới.
Không khó hiểu khi mấy tấm ảnh một quan chức ngành Giáo dục ở Hà Nội và các cán bộ đi cùng mang giày vào lớp mẫu giáo được lau sạch bóng, nơi giáo viên và trẻ mầm non đều chân trần được lan truyền và gây bất bình trên mạng xã hội vài ngày gần đây.
Đương nhiên, hành động này chỉ là vô tình, như lời giải thích của cô hiệu trưởng. Nhưng đây là sự vô tình không được phép có đối người làm lãnh đạo giáo dục, nhất là ở môi trường giáo dục mầm non, nơi những “cây non nhân cách” đang ở trong giai đoạn đầu tiên của quá trình vun trồng, nuôi dưỡng.
Rất khó thuyết phục dư luận bằng cách lý giải của cô hiệu trưởng, rằng vị lãnh đạo này và một số thành viên trong đoàn có chuyên môn khác, không hiểu biết sâu về trường mầm non - có đặc thù bỏ giày dép bên ngoài lớp - trong khi việc đi giày vào lớp ở tiểu học hay các cấp học khác là rất bình thường.
Quan sát xung quanh để hành xử phù hợp với môi trường là năng lực, thậm chí là phản xạ bản năng của mỗi con người, kể cả trẻ nhỏ. Cháu tôi chẳng hạn, khi bước vào một căn phòng lau sạch bóng và ai nấy đều đi chân đất, cháu đều có phản xạ bỏ giày dép dù không có biển “để dép bên ngoài” hay lời nhắc nhở nào.
Trong trường hợp vị quan chức trên, chẳng lẽ ông và các cán bộ đi cùng không nhìn thấy các cháu nhỏ đi chân trần trong lớp học sạch bong như vậy?
Đối với trẻ mẫu giáo, một trong những bài học đầu tiên được dạy là giữ vệ sinh cả ở nhà và nơi công cộng. Vì thế, nhiều thế hệ học trò từ người mái đầu bạc trắng đến các cháu vẫn nhớ như in lời dạy của Bác Hồ: “Giữ gìn vệ sinh thật tốt'.
Với người lớn và đặc biệt là cán bộ ngành Giáo dục ở cơ sở giáo dục, đây không chỉ là vấn đề vệ sinh, mà còn là chuyện “trồng người”. Hành vi sai sẽ biến thành tấm gương xấu trước đôi mắt trong trẻo của trẻ thơ.
Các giáo viên mầm non đã tốn biết bao công sức để rèn cho trẻ nề nếp ăn ở sạch sẽ và ý thức tuân thủ quy định chung, chỉ một hành động trên cũng đủ xóa đi tất cả.
Ở lớp mầm non, cách xuất hiện của các cán bộ quản lý giáo dục cũng như cách họ được tiếp đón đã định vị họ là người lãnh đạo, người dẫn dắt trong mắt con trẻ. Việc họ đi giày, trong khi lớp có quy định bỏ giày, giống như một thông điệp ngầm in vào tâm trí những em bé non nớt một cách vô thức: Người lớn, cấp trên có quyền làm sai, quy định và kỷ luật chỉ dành cho trẻ em hay cấp dưới.
Tôi tin chắc rằng hành vi đi giày vào lớp của vị lãnh đạo trên chỉ là vô tình, nhưng chính sự vô tình thể hiện rõ nhất văn hóa “làm quan” của ông ở địa bàn, cơ sở thuộc quyền quản lý của mình. Tôi cũng sẵn sàng tin rằng ông yêu trẻ con, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, nhưng hành vi vô tình đó cũng làm hỏng phần nào thành tựu trồng người mà ông nhọc công bồi đắp.
Câu chuyện trên cũng là một bài học cho tất cả chúng ta: Đứng trước trẻ nhỏ, mọi điều chúng ta làm, dù cố ý hay không, cũng đều có ý nghĩa “hướng đạo”. Khi dạy dỗ trẻ cũng là dịp chúng ta tự kiểm soát, kiểm điểm bản thân xem đã sống đúng như những gì mình nói hay chưa, vì trong mắt trẻ, hành động thực tế của người lớn là bài học dễ khắc sâu hơn nhiều so với lời thuyết giảng.
Ngày đăng: 16:34 | 15/04/2022
/