Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung và Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán BOS Nguyễn Quỳnh Anh cùng bị cáo buộc vai trò đồng phạm với Trịnh Văn Quyết.
Hiểu biết về chứng khoán vẫn thực hiện trái pháp luật
Trong 50 bị can mà Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đề nghị truy tố liên quan nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, các bị can Hương Trần Kiều Dung và Nguyễn Quỳnh Anh bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức cho ông Quyết.
Bà Dung (SN 1978) là Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS, còn Nguyễn Quỳnh Anh (SN 1980) là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS.
Các bị can Hương Trần Kiều Dung (trái) và Nguyễn Quỳnh Anh.
Kết luận điều tra nêu rõ, bị can Hương Trần Kiều Dung là người có trình độ hiểu biết về chứng khoán. Từ tháng 1/2018 - 4/2022, khi giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty BOS, bà Dung biết công ty có hai lần bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính.
Bị can cũng biết việc cấp hạn mức khống cho nhóm tài khoản VIP của Trịnh Văn Quyết mở tại Công ty BOS là trái quy định, song theo chỉ đạo của ông Quyết, Dung vẫn ký hợp thức biên bản họp HĐQT và ký ban hành nghị quyết ủy quyền cho Trịnh Thị Thúy Nga (em gái Quyết) thao túng các mã cổ phiếu nhóm FLC.
Tài liệu điều tra còn xác định, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, các cổ đông chỉ góp hơn 1.197 tỷ đồng vốn điều lệ vào Công ty Faros, nhưng với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Hương Trần Kiều Dung và nhiều lãnh đạo FLC, nhân viên Công ty Faros và người khác lập, ký khống hồ sơ góp vốn.
Qua đó, các bị can nâng khống hơn 3.102 tỷ đồng làm tăng vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ lên tận 4.300 tỷ đồng.
C01 cáo buộc bà Hương Trần Kiều Dung biết hành vi nâng khống vốn này là trái pháp luật, song thực hiện chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết, Dung vẫn đứng tên cá nhân và đứng tên đại diện ba công ty ký 6 hợp đồng nhận chuyển nhượng khống trên 53 triệu cổ phần.
Khi đã trở thành cổ đông của Công ty Faros, bà Hương tiếp tục làm theo chỉ đạo của ông Quyết, thực hiện nhiều hành vi chuyển nhượng, góp vốn lòng vòng làm tăng vốn khống điều lệ của công ty này. Cuối cùng, hàng chục triệu cổ phần của Hương tại Công ty Faros (do chuyển nhượng khống mà có, không phát sinh thanh toán tiền) về tay ông Quyết.
Với những hành vi trên, C01 xác định Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn FLC giữ vai trò đồng phạm giúp sức cho Trịnh Văn Quyết thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán.
Thao túng chứng khoán, đút túi 723 tỷ đồng
Đối với Nguyễn Quỳnh Anh, kết luận điều tra nêu nữ bị can cũng từng có hai lần bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính; biết bị can Trịnh Thị Thúy Nga hàng ngày cấp hạn mức khống cho nhóm tài khoản VIP của Trịnh Văn Quyết mở tại Công ty CP Chứng khoán BOS là trái quy định.
Tuy nhiên, Quỳnh Anh đã che giấu vi phạm, cùng đồng phạm ký 300 ủy nhiệm chi chuyển tiền từ các tài khoản khác của Công ty Chứng khoán BOS đến tài khoản ngân hàng. Qua đó thanh toán hơn 9.900 tỷ đồng cho các lần khớp lệnh liên quan nhóm tài khoản VIP (không có tài sản đảm bảo) của ông Quyết để thao túng thị trường chứng khoán.
Cũng giống như Hương Trần Kiều Dung, Nguyễn Quỳnh Anh bị cơ quan điều tra cáo buộc là đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán. Hiện nữ bị can này đang được tại ngoại, cấm rời nơi cư trú.
Bộ Công an xác định ông Quyết và đồng phạm thu lợi bất chính 723 tỷ đồng.
Tại họp báo Chính phủ chiều 2/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, cơ quan điều tra phát hiện việc thao túng thị trường chứng khoán của FLC thể hiện qua hai hành vi.
Thứ nhất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi bị can Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lập, ký khống hồ sơ góp vốn tại Công ty Cổ phần Xây dựng FLC FAROS nâng khống 3.102 tỷ đồng, tăng vốn từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng. Sau đó, hợp thức hóa hồ sơ để cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán chấp nhận đăng ký. Từ đó, thực hiện các hành vi lừa đảo và chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng.
Thứ hai là hành vi thao túng thị trường chứng khoán, Quyết chỉ đạo mượn giấy tờ cá nhân của 400 người thân trong gia đình, lập khống 20 công ty nhưng không hoạt động kinh doanh, sử dụng danh nghĩa pháp nhân để mở ra 500 tài khoản chứng khoán, tiến hành các hành vi thao túng chứng khoán.
Từ ngày 26/5/2017-10/1/2022, nhóm này đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện hành vi thao túng, thu lợi bất chính 723 tỷ đồng.
Ngày đăng: 10:41 | 03/03/2024
Hoàng Lam / Giao thông