Nhiều câu hỏi được đặt ra như Hà Giang có phải là cá biệt, có hay không sai phạm liên quan tới hơn một người? Và cũng có đề xuất khác...
Không oan
Theo thông tin tại buổi họp báo công bố những sai phạm trong quá trình chấm thi tại tỉnh Hà Giang, 114 thí sinh với 330 bài thi có tổng điểm chênh lệch so với ban đầu. Như vậy, sẽ có những xáo trộn trong những tính toán cho tương lai của các thí sinh này.
Về sự việc trên, trao đổi với báo Đất Việt, ông Đào Tuấn Đạt - Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh cho biết: "Về mặt quyền lợi của thí sinh các em không hề bị ảnh hưởng hay chịu sự tác động nào. Bởi năng lực thực sự của các em làm được đến đâu thì phải hưởng kết quả như vậy.
Ở đây rõ ràng là tiêu cực, chứ không phải chấm oan từ thấp lên cao, từ cao xuống thấp. Việc phúc khảo chỉ trả điểm bài thi về đúng chất lượng.
Về phía thí sinh có 2 tình huống, một là, tỏ ra cực kỳ sung sướng khi bố mẹ đạo diễn cho mình được điểm thi đẹp như tranh vẽ; hai là, có những em không biết gì về chuyện này, bị động nhận điểm tốt, không đồng tình việc làm trên.
Có 114 thí sinh ở Hà Giang được nâng điểm bài thi trắc nghiệm. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, cả 2 trường hợp đó vấn đề chỉ liên quan đến cảm xúc, chứ không ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh. Vì thế, sau sự việc trên, không nên nêu tên thí sinh trong bất cứ trường hợp nào.
Bởi vì, các em không cố ý làm việc này, nếu đưa tên sẽ ảnh hưởng đến đời sống, cả cuộc đời sau này của các em, đều chưa 18 tuổi, không nên bị tác động, ảnh hưởng quá về tâm lý.
Tôi được nghe, hầu như các trường hợp đều là con cán bộ cấp tỉnh, huyện".
Bên cạnh đó, theo ông Đạt, người đáng bị xem xét kỷ luật đó là người sửa đổi các bài thi, vì trong quy chế đã nêu rõ nếu sai phạm sẽ xử lý theo quy chế hoặc xử lý hình sự.
Tuy nhiên, chắc chắn không thể chỉ có một cán bộ, nên việc điều tra tiếp theo là của cơ quan công an.
Điều ông Đạt quan tâm hơn là phản ứng của Bộ GD-ĐT. Vị chuyên gia thẳng thắn, nếu chỉ nhận định trường hợp Hà Giang chỉ là cá biệt, còn các địa phương khác vẫn tốt thì hơi chủ quan.
"Sự việc lần này thực tế đã chỉ rõ việc tổ chức thi 2 trong 1, ghép “cơ học” hai kỳ thi làm một, tổ chức 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả này vừa đề xét tốt nghiệp THPT vừa để tuyển sinh đại học là không hiệu quả.
Đầu tiên là đề thi. Đề thi 2017 quá dễ, dẫn đến độ phân loại thấp, học sinh trung bình cũng đạt điểm cao, tuyển sinh Đại học không chọn được người xứng đáng. Đề thi 2018 lại quá khó, gây bất lợi cho nhóm học sinh yếu, những học sinh vùng nông thôn miền núi.
Do vậy nếu dùng điểm thi THPT để xét tuyển vào Đại học như mấy năm vừa qua là khập khiễng, là nguồn gốc của sự tiêu cực mà sự kiện Hà Giang là ví dụ điển hình. Sự kiện điểm thi cao bất thường ở Hà Giang chỉ là “giọt nước làm tràn ly”.
Thêm nữa, tất cả các kỳ thi đưa về địa phương rất dễ xảy ra tiêu cực, dù giám sát đến mức nào. Ai dám chắc các địa phương khác không có hiện tượng như Hà Giang?" - ông Đạt phân tích.
Từ đó, vị chuyên gia mạnh dạn đề xuất, nên xóa bỏ việc tổ chức 2 trong 1, quay trở về tổ chức thi tốt nghiệp THPT giao cho địa phương tổ chức thi như kỳ kiểm tra cuối năm nhẹ nhàng.
Thêm nữa, nên xóa bỏ việc thi trắc nghiệm hoàn toàn tất cả các môn học, vì đề thi trắc nghiệm có thể đánh giá phạm vi kiến thức rộng, nhưng học sinh có thể sử dụng mẹo để làm bài mà không nhất thiết phải nắm vững kiến thức.
Về việc thi tuyển Đại học, giao cho các trường tự chủ. Mỗi trường Đại học sẽ có cách tuyển sinh riêng. Từng trường sẽ có đề thi với độ khó, độ phân loại, và chất lượng đề thi tuyển sinh…sao cho phù hợp nhu cầu đặc thù chuyên ngành của trường.
Đối với các trường Đại học, Cao đẳng, họ sẽ lấy kết quả từ các trường Đại học lớn, trường nào tổ chức uy tín thì kết quả được nhiều nơi sử dụng.
"Chúng ta nên đi làm theo hướng trên, chỉ như vậy mới tốt cho các thế hệ thí sinh tiếp theo" - ông Đạt kết luận.
Phải xử lý thật nghiêm
Đưa ra quan điểm về vấn đề trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc Hà Giang có điểm thi THPT quốc gia cao bất thường nên thanh tra vào cuộc, phát hiện hơn 300 bài thi được nâng điểm, bản chất không ảnh hưởng quyền lợi của thí sinh.
Các em được nâng điểm đều không bị nêu tên để tránh làm tổn thương tâm lý. Cốt yếu nhất là đưa điểm về đúng như năng lực của các em.
Thế nhưng, theo vị chuyên gia, khó có thể tin sự việc hơn 300 bài thi thay đổi điểm chỉ liên quan tới một cá nhân . Vì vậy, rất cần cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, xem dư luận về đường dây thay đổi điểm thi có đúng hay không, nếu đúng cần xử lý ngay.
"Tôi e ngại, có phải chỉ riêng Hà Giang xảy ra tình trạng trên, hay đây chỉ là không may mà bị phát hiện" - vị chuyên gia thẳng thắn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lưu ý thêm, cần phải xử lý nghiêm để răn đe cho kỳ thi năm sau, chứ không để tái diễn thực trạng đáng buồn này.
Châu An
Gian lận thi cử ở Hà Giang: Sau phanh phui quyết liệt là gì?
Muốn giáo dục đi đúng hướng thì phải triệt tiêu những nhu cầu xã hội giả tạo và hình thức. |
Người nhờ nâng điểm cho thí sinh ở Hà Giang có bị xử lý?
Theo luật sư, người thân thí sinh nhờ cán bộ Sở GD&ĐT Hà Giang nâng điểm thi THPT Quốc gia có thể bị phạt tù ... |
‘Không lãnh đạo Hà Giang nào nói phải đưa con tôi vào đại học’
Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, thông tin nếu có "chạy" điểm, tỉnh Hà Giang sẽ đưa ra kết luận ... |
Ngày đăng: 14:00 | 18/07/2018
/ http://baodatviet.vn