Đã không còn “những vùng cấm”, nhưng sự thật “nóng trên lạnh dưới” thì vẫn tồn tại. Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo “không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục”, thì hơn hai năm trước đó, Bộ Nội vụ từng khẳng định việc bổ nhiệm vị Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư trẻ nhất cả nước, chưa có tiền lệ ở độ tuổi 30 tuổi là đúng quy trình. Dư luận có quyền cho rằng những kết luận “đúng quy trình” như một bình phong hậu thuẫn và không thể chấp nhận
Ông Lê Phước Hoài Bảo. Nguồn: Giadinh.net.
Trong kết luận ngày 16/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra những sai phạm đối với ông Lê Phước Hoài Bảo (SN 1985), Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam là con trai của ông Lê Phước Thanh- Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Lê Phước Hoài Bảo đã không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; Ý thức tổ chức kỷ luật kém; Vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt Đảng theo quy định trong thời gian đi học tại nước ngoài.
Với những sai phạm này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo.
Con đường “quan lộ” của con trai nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cũng được xem là thăng tiến một cách “thần tốc”, tương tự trường hợp một nữ trưởng phòng ở Thanh Hóa. Những quyết định bổ nhiệm được ban hành một cách “chóng mặt” tại thời điểm ông Lê Phước Thanh đang là Bí thư Tỉnh ủy.
Ngày 26/2/2014, đang là trưởng phòng xúc tiến đầu tư thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, ông Lê Phước Hoài Bảo được UBND tỉnh Quảng Nam điều động đến nhận công tác tại UBND huyện Thăng Bình. Chỉ chưa tròn 30 ngày (ngày 14/3/2014), tại kỳ họp bất thường của HĐND huyện Thăng Bình khóa X, ông này được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nhiệm kỳ 2011-2016. Và sau đó 1 năm (ngày 2/4/2015), UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định điều động ông Lê Phước Hoài Bảo đến nhận công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc kể từ ngày 9/4/2015. Chưa “ấm chỗ”, đến tháng 9/2015, UBND tỉnh này lại tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo giữ chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam.
Một quy trình bổ nhiệm giám đốc sở ở độ tuổi 30 hết sức thần tốc khiến cho dư luận và nhân dân trong tỉnh đặt ra nhiều câu hỏi về quy trình bổ nhiệm. Đó là trong công tác cán bộ có sự cả nể đối với nhiều trường hợp “con ông cháu cha, tạo đà thăng tiến quá dễ dàng với sự hậu thuẫn của người cha đang là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, một số cán bộ nguyên lãnh đạo, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là cá nhân ông Lê Phước Hoài Bảo có những sai phạm xảy ra từ nhiều năm. Việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Lê Phước Hoài Bảo chưa bảo đảm quy trình. Thế nhưng trong vòng 2 năm qua, “tấm bình phong” che chắn cho ông Lê Phước Hoài Bảo đã được cả nơi khác hậu thuẫn.
Còn nhớ vào đầu tháng 10/2015, khi vụ việc đang nóng bỏng được dư luận quan tâm, Đoàn công tác Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND và đại diện các cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Nam về vấn đề cải cách hành chính và công tác cán bộ. Tại đó, ông Trần Anh Tuấn nêu quan điểm ủng hộ chủ trương thu hút nhân tài và đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Nam thời gian qua. Đoàn công tác nhận thấy “tỉnh Quảng Nam đã làm đúng quy trình bổ nhiệm nhân sự, ông Hoài Bảo đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm giám đốc sở”.
Một sự “đúng quy trình” như vậy nhưng thực tế lại là trái quy trình theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đáng tiếc là không chỉ có vụ việc này mà những sự “đúng quy trình” nhưng sai phạm được chỉ ra trong thời gian qua cho thấy thực tế buồn trong công tác bổ nhiệm cán bộ thời gian qua. Đằng sau đó là sự nể nang hay là lợi ích nhóm và còn gì nữa?
Điều đáng nói, không chỉ đối với những người đã về hưu, Trung ương đã có những biện pháp quyết liệt đối với những người đương chức. Ngày 17/12, ông Ngô Văn Tuấn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã bị Ban Bí thư đề nghị thi hành kỷ luật mức nghiêm khắc, vì đã nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Theo đó, từ tháng 10/2010 đến 11/2015, với cương vị bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng, ông Ngô Văn Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ, làm trái quy định của Hội đồng thi tuyển công chức tỉnh Thanh Hóa năm 2011; ban hành quyết định không đúng thẩm quyền về thành lập hội đồng tuyển chọn cán bộ, công chức của Sở Xây dựng. Từ một nhân viên hợp đồng ở đơn vị sự nghiệp, bà Trần Vũ Quỳnh Anh được tiếp nhận, điều động về làm công chức chuyên môn. Trong một thời gian rất ngắn đã được bổ nhiệm làm phó trưởng phòng, trưởng phòng, đề nghị quy hoạch chức danh phó giám đốc sở; được kết nạp Đảng, và tham gia Đảng ủy Sở Xây dựng.
Trường hợp ông Lê Phước Hoài Bảo được “lộ sáng” chỉ cách mấy tháng sau ông Nguyễn Xuân Anh (nguyên Bí thư Đà Nẵng) bị kỷ luật. Những “ông vua con” bị phát hiện sai phạm đã lộ ra việc để đạt được mục đích, những người cha đã vun vén cho con theo ý muốn của mình. Một cách bổ nhiệm theo lối “thân hữu”, hay “quan hệ”, “con vua rồi lại làm vua” dần khiến mất đi niềm tin của nhân dân vào đội ngũ những người lãnh đạo, đặc biệt là thế hệ lãnh đạo trẻ tuổi, một sự “chín non” kiểu “mì ăn liền”.
Con đường quan lộ được hậu thuẫn bởi những trả lời “đúng quy trình” của cơ quan quản lý cán bộ. Và sự việc chỉ dừng đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, trắng - đen mới được phân định. Nếu rà soát một cách nghiêm túc, không phải chỉ có một Nguyễn Xuân Anh, một Lê Phước Hoài Bảo hay một “hotgirl xứ Thanh”, có thể còn nhiều hơn nữa. Có điều, muốn chữa được bệnh phải bắt đúng bệnh. Điều cần thiết lúc này là tiếp tục đưa những người có động cơ không trong sáng núp dưới những kết luận “đúng quy trình” ra khỏi bộ máy. Thanh lọc từ “đầu nguồn” mới có được “dòng nước trong”.
Làm rõ trách nhiệm phát ngôn \'đúng quy trình\' vụ bổ nhiệm ông Hoài Bảo
Sau khi báo chí và dư luận phản ánh, ngày 19.12, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành đã thông ... |
“Nâng đỡ không trong sáng” phải được đưa ra ánh sáng
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư về một loạt cán bộ sai phạm được công bố ngày 16.12 thêm một lần nữa cho ... |
Ngày đăng: 22:00 | 21/12/2017
/ Hoài Vũ/Đại Đoàn Kết