Sau giai đoạn dài loay hoay với tình trạng bội chi Quỹ Khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế (KCB BHYT), nay BHXH tỉnh Bình Định áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để từng bước chặn đứng đà tăng phi mã này.

Hỗ trợ điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Bình Định. Ảnh: X.N

9 tháng, kết dư hơn 210 tỉ đồng

Tại Hội nghị đánh giá công tác KCB BHYT 9 tháng đầu năm do Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức mới đây, câu chuyện mất cân đối thu - chi tiếp tục được mổ xẻ. Theo báo cáo chính thức, sau 9 tháng, toàn tỉnh có 1.208.324 thẻ BHYT, tăng 49.477 thẻ so với năm 2016. Số lượt KCB của người được cấp thẻ là 1.946.799 lượt, tăng 66.332 lượt so với cùng kỳ 2016; tần suất KCB BHYT là 1,61%, tăng 0,11%. Với áp lực như vậy, chi phí KCB BHYT đã phình ra tới 874,75 tỉ đồng trong khi Quỹ KCB BHYT chỉ có 664,64 tỉ. Vượt ngưỡng 210 tỉ đồng, bội chi lan rộng trên địa bàn. Những cơ sở có mức chi KCB BHYT cao là Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền, Phòng khám Đa khoa tư nhân Diêu Trì, Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Y tế An Nhơn, Trung tâm Y tế Hoài Ân, Trung tâm Y tế Vân Canh...

Ông Hà Thúc Chí - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định - lý giải, có lý do từ cơ chế nhưng cũng có bất cập, khiếm khuyết trong quá trình triển khai thực hiện. Một số cơ sở KCB có hiện tượng cán bộ y tế khám, điều trị không đúng chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề hay quy định của Bộ Y tế; chỉ định sử dụng thuốc tân dược trái Thông tư số 40 ngày 17.11.2014 của Bộ Y tế; chỉ định sử dụng chế phẩm y học cổ truyền, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền không theo hướng dẫn tại Thông tư số 05 ngày 17.3.2015 của Bộ Y tế; áp giá thanh toán dịch vụ kỹ thuật ngoài phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT; thanh toán giường bệnh điều trị nội trú vượt quá số giường thực kê... Ông Chí cũng thừa nhận cơ quan quản lý chưa kiểm soát tốt chi phí KCB; còn có tình trạng lạm dụng quỹ BHYT.

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 24.10, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định Phạm Mai cho rằng, đã có tâm lý nôn nóng khi hoạch định lộ trình BHYT toàn dân. “Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ 2015, đến 2016, chúng ta đã mở cửa cho thông tuyến cấp huyện, khi điều kiện đi kèm chưa thực sự sẵn sàng. Thêm nữa là sức ép tính đúng, tính đủ giá thành dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch số 37 năm 2015 của Bộ Tài chính - Y tế. Bội chi Quỹ BHYT không phải câu chuyện cá biệt, chỉ riêng Bình Định đối mặt. Nó là vấn đề của cả nước”.

Giảm 12 tỉ đồng trong tháng 9

Cho rằng bội chi là một thực tế không thể né tránh trong bối cảnh hiện nay, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định Phạm Mai thông báo, đã có dấu hiệu tích cực nhờ nỗ lực kiểm soát chi tiêu Quỹ KCB BHYT. Như Lao Động đã phản ánh, cuối 2016, đầu năm 2017, nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của Sở Y tế Bình Định, của BHXH Việt Nam đã thanh kiểm tra hàng chục cơ sở KCB cả công lập, lẫn tư nhân. Có phòng khám bị xử phạt hàng trăm triệu đồng, bị đề nghị truy thu tiền tỉ, bị đóng cửa ròng rã 2 tháng. Có cơ sở KCB đầu ngành không được chấp nhận thanh toán gần 9 tỉ đồng; bị buộc chứng minh, giải trình gói chi phí kỹ thuật hơn 30 tỉ đồng khác. “Ngay những cá nhân lợi dụng kẽ hở quản lý, quanh năm suốt tháng thập thò tới lui phòng khám, lấy thuốc đem bán thủ lợi, chúng tôi cũng xử lý mạnh tay, mời cả công an vào cuộc. Nhóm này, năm 2016 có 143 trường hợp bị phát hiện, đến tháng 7.2017 chỉ còn 15 người” - ông Mai dẫn chứng.

Tháng 8.2017, UBND tỉnh Bình Định tổ chức liên tiếp hai cuộc họp, chỉ đạo siết chặt quản lý công tác đấu thầu thuốc, KCB BHYT. Ngày 26.9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 27-CT/TU về việc “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KCB BHYT”, yêu cầu “đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý, cơ sở KCB trong việc thực hiện KCB BHYT, đảm bảo “đúng người, đúng bệnh, đúng thuốc”, thực hiện công bằng trong hưởng thụ chính sách BHYT, phòng chống các hiện tượng lãng phí, lạm dụng Quỹ BHYT, ảnh hưởng đến mục tiêu an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước”.

Tinh thần chỉ đạo trên được Sở Y tế cụ thể hóa thành văn bản gửi các đơn vị trực thuộc. Đó là tập hợp những giải pháp, ràng buộc ngặt nghèo, khả dĩ khắc chế sự tùy tiện, buông thả ở các cơ sở KCB. Có thể dẫn ra nhiều ví dụ, chẳng hạn giải pháp kiểm soát chặt việc chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng hay giải pháp kiểm soát việc chỉ định thuốc, nghiêm cấm in đơn thuốc ngoại trú tại các nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện. “Chúng tôi hài lòng về sự phối hợp này. Tất nhiên, còn phải huy động nhiều giải pháp hỗ trợ. Chỉ đạo, điều hành cũng phải điều chỉnh để theo kịp tình hình. Trên thực tế, đà bội chi được kìm hãm ngay từ tháng 9, khi số lượt người KCB giảm từ 252.200 xuống còn 220.206 lượt, chi KCB giảm từ 114,01 tỉ đồng xuống còn 101,76 tỉ, tương đương 12,24 tỉ đồng” - ông Mai cho biết.

Không được để người bệnh gặp khó

Khi nói đến “giữa” người ta thường sẽ liên tưởng tới một vị trí an toàn, được bao bọc, chở che. Nhưng điều này lại ...

Cơ quan bảo hiểm, y tế, người dân - bao giờ đồng thuận?

Ngày 19.10, Bộ Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị giải quyết vướng mắc trong khám-chữa bệnh bảo ...

http://laodong.vn/cong-doan/chan-da-boi-chi-quy-bao-hiem-y-te-572204.ldo

Ngày đăng: 14:12 | 26/10/2017

/ Xuân Nhàn/Báo Lao động