Suốt hai tháng kiên trì kể chuyện cho con, ông bố kỹ sư gốc Trung Quốc mãn nguyện khi con anh được mời làm dịch giả lúc 10 tuổi. 

Bài viết là quan điểm của Zhao Yuxiang, sinh năm 1980, đang là kỹ sư phát triển phần mềm tại Thung lũng Silicon (Mỹ) đồng thời sáng lập một công ty phát triển bàn chải đánh răng cho trẻ em. Zhao Yuxiang thường cùng các con chơi lập trình, robot, cắm trại... Ngoài ra Zhao điều hành một trang web chia sẻ sự khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tuần trước khi đưa con tham gia hoạt động, tình cờ tôi gặp một người bạn cũ rất lâu rồi chưa gặp. Con trai của bạn và Han Han nhà tôi bằng tuổi nhau. Lúc 5 tuổi, tôi đưa Han Han đăng ký vào đội bóng đá, hai đứa đã thuộc về một đội, tình bạn rất tốt.

5 năm sau, khi gặp lại người bạn, tôi phát hiện con trai anh ấy đã được chọn vào câu lạc bộ khu vực. Trong đội, chỉ duy nhất cậu ấy là người Trung Quốc. Ngày xưa còn có Han Han nhà tôi, nhưng nó đã sớm rút lui khỏi đội từ 5 năm trước.

Khi nghe thành tích của con trai người bạn, tôi vừa có chút ngưỡng mộ, vừa có chút xúc động. Trên đường về nhà, tôi nói với vợ: "Em nhìn xem, làm việc gì cũng phải kiên trì. Năm đó con trai và cậu bé kia đều cùng một vạch xuất phát mà giờ con nhà người ta đã được vào câu lạc bộ rồi".

Tôi nghĩ rằng nếu Han Han vẫn kiên trì, liệu nó có đạt được những thành tựu như những đứa trẻ khác không? Tôi cũng không biết, nhưng bây giờ tôi ngày càng sáng tỏ một điều: "Trẻ em cần kiên trì".

cha me luoi kho co con thanh tai
Cuốn sách mà cậu bé Han Han được mời dịch sang tiếng Trung Quốc khi 10 tuổi. Ảnh: Aboluowang.

Bạn tôi nói rằng, vì môn bóng đá của con trai, anh ấy đã dừng hầu hết các lớp học yêu thích khác của cậu bé, bao gồm piano, bơi lội và vẽ tranh. Cường độ tập luyện môn bóng đá rất lớn, tuần 3 lần anh cùng con đến câu lạc bộ. Bên cạnh đó, anh ấy còn mời thầy giáo chuyên môn mỗi tuần/buổi. Ngoài ra, anh ấy phải lái xe hơn 50 km đưa con ra ngoại thành tham gia trận đấu câu lạc bộ vào cuối tuần.

"Không có cách nào cả ngoài kiên trì. Nếu bạn muốn theo đuổi, bạn phải tập trung! Đứa trẻ không có quá nhiều thời gian. Chỉ cần chọn một, sau đó bạn phải cắt bỏ tất cả các sở thích khác", bạn tôi nói.

Tôi phát hiện rằng, tất cả những đứa trẻ cùng tuổi con trai mình đều có một thành tích tốt, nên trong lòng cũng rất lo lắng. Tôi cùng vợ đã có một suy nghĩ là cắt bỏ bớt những sở thích của con trai. Tuy nhiên, khi cắt các lớp năng khiếu, vợ tôi lại không nỡ: "Cái này con trai mình rất có tài năng, đừng bỏ nhé. Cái kia con trai rất có hứng thú, mình giữ lại nhé".

Tôi đã dành rất nhiều nỗ lực để thuyết phục vợ "dứt khoát xuống tay". Cuối cùng chúng tôi giữ lại duy nhất môn bơi. Mỗi ngày Han Han đi tập bơi một lần, mỗi lần bơi một tiếng. Kết quả, sau 3 tháng, con trai tôi được chọn vào đội bơi. Sự kiên trì của ba tháng này tốt hơn nhiều so với ba năm học trước đó của con.

Do đó, tôi thực sự hiểu: "Ngay bây giờ, tôi phải tập trung sự kiên trì cho con tôi. Nếu tôi không chọn cách theo đuổi, năng lượng của con sẽ bị phân tán và kết quả chẳng có gì".

Người lớn càng phải kiên trì

Trên thực tế, làm thế nào để nuôi dạy con, đó là chuyện riêng của mỗi người, thắng thua nằm ở sự kiên trì. Như bạn tôi đã kiên trì lái xe cả đi về hơn 100 km để đưa con trai đến trận đấu vào mỗi cuối tuần. Anh ấy chưa bao giờ gián đoạn trong suốt 5 năm. Sự kiên trì này không phải cha mẹ nào cũng có thể làm được.

Hai tháng trước, tôi cũng quyết định lái xe đưa con trai đến trường mỗi ngày. Lợi dụng quãng thời gian đó, tôi kể cho con trai về văn hóa truyền thống quê nhà. Bộ tiểu thuyết đầu tiên tôi lựa chọn đó chính là "Tam quốc diễn nghĩa". Bởi vì tôi muốn con sau này cho dù trưởng thành ở Mỹ vẫn không quên văn hóa Trung Quốc.

Tôi cũng từng thử cho Han Han nghe một số chương trình qua đài lúc trên xe, chẳng hạn "Kai Shu đọc Tam Quốc" (Kai Shu là phát thanh viên, chuyên kể những câu chuyện cổ, ông được gọi là \'vua kể chuyện\'). Nhưng sau khi nghe một vài lần, con trai tôi không mấy hứng thú. Tuy nhiên, khi tôi kể chuyện, nó lại rất thích nghe. Bởi vì tôi biết sở thích của con trai và tôi sẽ tương tác với nó, để con không chỉ lắng nghe mà còn suy nghĩ nhiều hơn.

Ví dụ hôm qua câu chuyện bắt Tào Tháo ở hẻm Hoa Dung, tôi đã hỏi con trai rằng: "Tại sao Gia Cát Lượng lại chỉ cho Quan Vũ phục binh ở hẻm Hoa Dung?", "Có phải Gia Cát Lượng đoán rằng Quan Vũ sẽ tha cho Tào Tháo?", "Nếu con là Quan Vũ, con có để cho Tào Tháo đi không?"...

Loạt câu hỏi này sẽ giúp con trai hiểu sâu hơn về tính cách và suy nghĩ của nhân vật, đồng thời có nhiều hiểu biết hơn về môi trường lịch sử lúc đó. Điều này sẽ giúp cải thiện khả năng đọc hiểu của trẻ.

Những câu chuyện này rất hay, con trai học hỏi được rất nhiều. Nhưng để kể cho con, trước khi đi ngủ mỗi tối tôi phải chuẩn bị nội dung sẽ được kể vào ngày hôm sau. Tôi sẽ nói gì vào buổi sáng? Những câu tôi cần hỏi con trai là gì? Chỗ nào có thể khiến con trai chú ý nhất?...

Thật dễ dàng để kể một câu chuyện, nhưng rất khó để chuẩn bị câu chuyện mỗi ngày trong 2 tháng liên tiếp. Đôi khi công việc quá mệt mỏi, bận rộn cả ngày, nhưng trước khi đi ngủ, tôi vẫn phải nghĩ câu chuyện của ngày hôm sau. Thậm chí ngay cả khi đi vệ sinh, tôi vẫn ngồi trong đó chuẩn bị bài.

cha me luoi kho co con thanh tai
Cậu bé Han Han đang bắt tay vào dịch sách. Ảnh: Aboluowang.

Sự kiên trì của tôi cuối cùng cũng có kết quả. Mặc dù con trai tôi lớn lên ở Mỹ nhưng bé có sự đam mê văn hóa Trung Quốc. Mới đây một nhà xuất bản đã mời con làm dịch giả tiếng Trung của cuốn sách mới DK Chess.

Tôi rất hài lòng khi thấy con trai 10 tuổi bắt đầu làm việc và làm một điều có ý nghĩa như vậy. Sự kiên trì trước đây của tôi đối với con trai tôi là xứng đáng.

Trên thực tế, cho dù bạn làm việc gì, có thể tỷ lệ thành công rất nhỏ, nhưng chỉ cần bạn kiên trì, đó cũng xem là một loại thành công. Đối với các trường đại học Mỹ, khi tuyển sinh, họ rất chú ý đến sơ yếu lý lịch của đứa trẻ. Họ muốn biết đứa trẻ đã thực hiện những dự án nào và duy trì được bao lâu. Bởi vì họ sẽ cảm thấy rằng khi một đứa trẻ làm điều gì đó một cách nhất quán, điều đó có nghĩa đứa trẻ rất quyết tâm và kiên trì. Vì vậy, trong tương lai nó có thể làm một công việc tuyệt vời, bất kể là làm gì. Đây là điểm mà các trường nổi tiếng đặc biệt chú ý.

Cuối cùng tôi chỉ muốn nói thêm một câu: "Thực tế, giấc mơ kiên trì không hề dễ. Trên con đường kiên trì, sẽ có những lời đồn nhảm khó tránh, thiện ý cũng tốt, ác ý cũng nhiều. Hãy nhớ \'có lỗi thì phải sửa, không có lỗi cũng cần cố gắng thêm\'.

TheoAboluowang

cha me luoi kho co con thanh tai Những điều bố mẹ nên dạy trẻ ở từng giai đoạn

Trẻ dưới 5 tuổi nên được khuyến khích đặt câu hỏi nếu thắc mắc, trẻ 6-8 tuổi phải biết cách qua đường và tuân thủ ...

cha me luoi kho co con thanh tai Vua chúa Việt xưa dạy con thành tài như thế nào?

Để dạy dỗ con cái thành người hiền tài, các bậc quân vương dùng những phương pháp khác nhau, có vị tinh tế khuyên bảo, ...

Ngày đăng: 09:00 | 26/03/2019

/ VnExpress