Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đang cấp cứu tích cực một ca ngạt thở do thắt dây nịt vào cổ. Vụ tai nạn này do nghịch dại ở trẻ nhỏ nhưng cái chính vẫn là từ sự lơ là của người lớn.
 

Mấy ngày trước, cháu H.T.N.H (6 tuổi, ngụ tại đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng trong tình trạng suy hô hấp, ngưng tim, ngưng thở.

Mẹ cháu bé, chị N.L.T.T (37 tuổi), cho biết trong khi chị cắt tóc cho khách ở cửa tiệm trước nhà thì để hai chị em cháu H. và em nhỏ (4 tuổi) chơi với nhau trong nhà. Chị T. không hề biết các cháu lấy dây nịt (dây thắt lưng) chơi và quàng vào cổ. Cháu H. bị kim của dây nịt lọt vào lỗ và thít lại dẫn đến ngạt thở, tím tái. “Nghe cháu nhỏ khóc nhưng chỉ nghĩ hai chị em giành đồ chơi với nhau. Chừng vài phút sau chồng tôi về phát hiện cháu bị thít dây nịt vào cổ, tím tái nên đưa vào bệnh viện cấp cứu”, chị T. vừa khóc vừa cho biết.

Cháu H.T.N.H đang được điều trị tại Bệnh viện

Th.S - bác sĩ Trần Long Quân (Khoa Hồi sức Nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) cho biết khi cháu H. được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã ngưng tim, ngưng thở, được đặt nội khí quản và chuyển sang Bệnh viện Phụ sản - Nhi.

Tại đây, mặc dù cháu bé được các bác sĩ cấp cứu tích cực, đặt nội khí quản, điều trị chống phù não, nhưng do thời gian phát hiện và đưa đi cấp cứu muộn nên đã biến chứng hôn mê độ 3, suy hô hấp độ 2, nhiễm trùng huyết tiêu điểm phổi.

“Hiện tại, cháu đang trong tình trạng hôn mê sâu, giãn đồng tử, đang được thở máy. Tiên lượng nặng và khó qua khỏi do mất đáp ứng não, chết não. Đây là trường hợp tai nạn vô cùng đáng tiếc trong số các tai nạn ở trẻ nhỏ dẫn đến ngưng tim, ngưng hô hấp”, bác sĩ Quân xót xa cho biết.

Các y bác sĩ Khoa Hồi sức Nhi cũng đưa ra những cảnh báo tai nạn từ sự lơ là, chủ quan của người lớn và những trò nghịch dại tương tự ở trẻ nhỏ tại gia đình, hoặc ở các lớp mầm non, đó là hóc dị vật đường thở, ngạt nước trên cạn và dưới nước, sặc sữa, sặc thức ăn mà không được xử lý đúng cách.

Cháu H.T.N.H được tiên lượng khó có thể qua khỏi

Theo bác sĩ Quân, cách đây vài ngày, bệnh viện có tiếp nhận một ca ngạt nước từ Duy Xuyên, Quảng Nam đưa ra cấp cứu. Nạn nhân là cháu bé mới 16 tháng tuổi. Cháu đùa nghịch và chúi đầu vào xô nước. Rất may ca này được hồi sức tích cực và cứu kịp.

Nhưng một ca khác cũng được cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, cũng do nghịch dại lại không được may mắn như vậy. Đó là cháu bé ở Đà Nẵng, chơi đu dây và bị quấn vào cổ thắt lại. Nhưng gia đình phát hiện trễ vài phút sau đó, nên dù được cứu sống, thì cháu vẫn bị tổn thương não và biến chứng, do thiếu máu lên não.

Ngoài ra còn có tình trạng sặc sữa ở trẻ em trên dưới 1 tuổi. Các kíp trực ở Khoa Hồi sức Nhi thực sự ám ảnh với tai nạn này, khi trong 2 tuần qua đã có đến 3 cháu bé tử vong do sặc sữa, và đều nằm ở các nhóm giữ trẻ tư nhân. Nguyên nhân do các bảo mẫu không được trang bị kỹ năng cấp cứu đúng cách, xử lý chậm tình trạng sặc sữa dẫn đến tổn thương não và các cháu đã không qua khỏi.

Cần đặc biệt lưu ý khi các cháu bị sặc sữa, sặc thức ăn là tuyệt đối không được cho tay vào móc trong miệng, phản xạ co thắt lại của cổ họng sẽ khiến tổn thương đường thở. Những trường hợp này phải bồng sấp và vỗ mạnh vào lưng cháu để thức ăn bị hóc theo đường miệng ra ngoài.

“Một dạng gây ngạt khác cũng nguy hiểm không kém đối với trẻ nhỏ đó là trò chơi trùm bao ni lông, trùm chăn mền lên dầu, úp gối lên mặt gây ngạt thở. Chúng tôi khuyên phụ huynh nên chủ động, trang bị kỹ năng cho các cháu theo từng độ tuổi, nhận thức. Đặc biệt nên có cảnh báo đến các cháu không chơi, thậm chí tránh xa những sợi dây, chùm dây, những vật nhỏ, ở những vị trí gần cổ, mũi, miệng...”, bác sĩ Quân cảnh báo.

Ngày đăng: 11:35 | 18/08/2017

/ Theo An Dy/Báo Thanh niên