Mark Zuckerberg lo ngại rằng đến một ngày nào đó, mô hình dịch vụ bị kiểm duyệt Internet tại Trung Quốc có thể trở thành chuẩn mực trên toàn cầu.
"Trung Quốc ngày càng có sức ảnh hưởng, trở thành 'ông lớn' trên thị trường trực tuyến. Hiện 6 trong số 10 nền tảng Internet lớn nhất hiện nay là của Trung Quốc. Những dịch vụ này được cung cấp dưới dạng bị kiểm duyệt và chúng không phù hợp với môi trường Internet tự do mà chúng ta đang biết", Zuckerberg phát biểu tại Đại học Georgetown, bang Washington DC (Mỹ).
CEO Facebook Mark Zuckerberg. Ảnh: AFP. |
Theo người đứng đầu Facebook, các nền tảng trực tuyến nằm ngoài biên giới Trung Quốc chủ yếu đến từ Mỹ và chúng ưu tiên quyền tự do của người dùng. Tuy nhiên, ông lo ngại "không có gì đảm bảo những giá trị này sẽ chiến thắng" bởi sự đang lên của các nền tảng "bị kiểm duyệt" từ quốc gia đông dân nhất thế giới.
Zuckerberg lấy ví dụ TikTok, ứng dụng video ngắn thuộc sở hữu của gã khổng lồ Internet Trung Quốc Bytedance. "TikTok đã không cung cấp quyền riêng tư và tự do cho những người biểu tình hoặc các nhà hoạt động chính trị giống như những mạng xã hội mà Facebook cung cấp. Chẳng hạn, vấn đề liên quan đến biểu tình Hong Kong đã bị kiểm duyệt, ngay cả ở Mỹ", Zuckerberg nói. Trước đó, TikTok bị nghi ngờ kiểm duyệt nội dung các thảo luận về biểu tình ở Hong Kong.
Zuckerberg từ lâu luôn muốn đưa mạng xã hội của mình vào Trung Quốc - quốc gia có hơn 1,3 tỷ dân - bằng nhiều cách khác nhau. Ông cũng tìm cách lấy lòng quốc gia này bằng việc chúc mừng năm mới Tết cổ truyền Trung Quốc, chạy bộ tại quảng trường Thiên An Môn hay gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều quan chức cấp cao... Tuy nhiên, nỗ lực của người đứng đầu Facebook không thành công và loạt mạng xã hội của ông vẫn bị "Vạn Lý Trường Thành trên mạng" (Great Firewall) chặn lại.
"Tôi muốn các dịch vụ của Facebook hiện diện ở Trung Quốc vì tin vào việc kết nối toàn thế giới. Tôi nghĩ, chúng tôi có thể giúp nước này tạo ra một xã hội cởi mở hơn", Zuckerberg nói. "Tôi đã làm việc chăm chỉ để hiện thực hóa điều đó, nhưng chưa thể có một thỏa thuận nào cho phép chúng tôi hoạt động ở Trung Quốc. Họ không bao giờ cho chúng tôi vào".
Zuckerberg cũng thừa nhận nếu tham gia thị trường Trung Quốc, các cuộc trò chuyện trên dịch vụ của Facebook sẽ bị chuyển sang chế độ kiểm duyệt. Đồng thời, máy chủ của hãng cũng buộc phải đặt tại quốc gia này.
"Không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia khác cũng có xu hướng kiểm duyệt dịch vụ trực tuyến. Nó khiến tôi khá buồn phiền", Zuckerberg chia sẻ. "Thực tế là, không như ở Mỹ, không ít quốc gia trên thế giới thiếu sự tôn trọng đối với quyền con người và pháp quyền. Với tư cách là CEO Facebook, tôi cho rằng khi lưu trữ dữ liệu ở một quốc gia không có luật pháp tốt, chắc chắn chúng tôi phải đối mặt với những người từ chính phủ luôn xuất hiện tại trung tâm dữ liệu yêu cầu quyền truy cập dữ liệu".
Những năm gần đây, không ít lần Zuckerberg cũng như các lãnh đạo cấp cao Facebook thường xuyên ám chỉ Trung Quốc là mối đe dọa đối với mạng xã hội và doanh nghiệp Mỹ khác. Năm ngoái, Zuckerberg từng lên tiếng cho rằng Facebook không nên bị quản lý quá chặt vì điều này sẽ mở đường cho các công ty Trung Quốc thống trị. David Marcus, giám đốc mảng tiền ảo và blockchain của Facebook nói rằng nếu đồng tiền Libra của hãng bị ngăn chặn, Trung Quốc sẽ tận dụng điều này để vượt lên.
Zuckerberg kết thúc bài nói chuyện của mình bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng của Facebook trong việc bảo vệ các giá trị tự do ngôn luận của Mỹ ở nước ngoài. "Cho đến khi vận hành dịch vụ của mình khắp thế giới, tôi mới nhận ra nguyên tắc về tự do ngôn luận đặc biệt, độc đáo và quan trọng như thế nào. Những giá trị này không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới và tôi tự hào khi làm điều đó", CEO Facebook nói thêm.
Bảo Lâm (theo Star)
Ngày đăng: 15:08 | 21/10/2019
/ vnexpress.net