Hàng trăm năm nay, thông Sitka vẫn lớn lên trong âm thầm và cô độc ở vùng đất hẻo lánh nhất thế giới. 

Nằm trên Campbell, một hòn đảo có vị trí xa xôi, hẻo lánh, cách phía nam New Zealand 600 km là cây thông Sitka. Nó được biết đến là cây cô đơn nhất thế giới, khi "láng giềng" gần nhất cũng mọc cách đó 220 km, thuộc quần đảo Auckland. Còn nếu xét về "huyết thống", cây thông mọc gần nó nhất nằm ở một bán cầu khác, bên kia Thái Bình Dương. Điều mà nhiều du khách thường đặt ra khi tới đây thăm cây cô đơn nhất thế giới là: làm thế nào mà cây thông này lại mọc được ở đây? Nó từ đâu đến?

cay thong co don nhat the gioi
Thông Sitka mọc trơ trọi trên đảo Campell. Ảnh: Amusing.

Campell là một trong những hòn đảo nằm xa nhất về phía nam của New Zealand, thuộc khu vực bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những cơn gió tây khốc liệt mang tên Furious Fifties. Đây chính là nguồn cơn khiến cây cối ở đây không thể mọc cao quá một mét.

Thời tiết trên đảo tuy không quá băng giá, nhưng cũng không phải dễ chịu. Hiếm khi nào nhiệt độ cao hơn 10 độ C, trời lúc nào cũng nhiều mây và mưa gần như quanh năm. Theo AmusingPlanet, chỉ có khoảng 40 ngày nắng trong năm, và số giờ có nắng chỉ khoảng 600 giờ. Nếu tính trung bình, mỗi ngày trên đảo chỉ có 2 tiếng là có nắng.

cay thong co don nhat the gioi
Du khách chỉ có thể tiếp cận đảo bằng thuyền. Ảnh: Oceanwide-expeditions.

Với điều kiện thời tiết như thế, loài cây duy nhất có thể sống tốt ở đây là megaherb - một loại cây dại có hoa, lá to.

Cây thông Sitka mọc trên đảo Campbell là cây thông duy nhất quanh khu vực này. Trên thực tế, tại Nam bán cầu, thông Sitka cũng không hề xuất hiện. Nơi duy nhất loài cây này mọc tự nhiên là trên một vành đai hẹp ở bờ biển phía tây Bắc Mỹ, trải dài từ nam Alaska và British Columbia đến miền bắc California.

Người trồng cây thông này là Lord Ranfurly, thống đốc New Zealand từ năm 1897 đến 1904. Ông trồng nó để kỷ niệm trong một chuyến thám hiểm đến đảo, nhằm thu thập các mẫu vật về loài chim cho Bảo tàng Anh. Dù cây đã sống sót như một kỳ tích ở vùng đất này, nó vẫn không thể phát triển mạnh mẽ như ở khu vực khác. Sau hơn 100 năm, cây thông chỉ cao 10 m. Nếu như trồng ở đúng nơi, nó tối thiểu cao đến 60 m.

Một lý do nữa để cây thông cô đơn nhất thế giới này không thể cao là nó thường bị các nhân viên trong trạm khí tượng tỉa cành, cắt ngọn để làm cây thông Noel.

cay thong co don nhat the gioi
Đến đảo, du khách có thể bắt gặp rất nhiều chim cánh cụt. Ảnh: Oceanwide-expeditions.

Ngoài ra, đảo còn thu hút du khách bởi một truyền thuyết mang tên Nàng công chúa của nước Pháp. Truyền thuyết này kể về một nàng công chúa lưu vong, bị đày tới đây vì âm mưu lật đổ chế độ quân chủ của nước Pháp. Một nguồn tin khác thì cho rằng, nàng công chúa lưu vong được hứa gả cho một nhà quý tộc Scotland, người có khả năng kế thừa ngai vàng Anh, Scotland và Pháp. Nhưng vì một số lý do, người yêu của nàng đã đưa cô đến một nơi hẻo lánh, ít người biết để tránh khỏi tương lai nguy hiểm. Cô được đưa đến đây và ở trong một túp lều nhỏ.

Ngày nay, du khách tới đảo sẽ phải di chuyển bằng du thuyền. Nhiều hãng du lịch cũng đưa ra các mức giá khác nhau cho hải trình khám phá này. Với hơn 12.000 USD, bạn sẽ được tham gia vào một tour đi thăm các đảo ở nam bán cầu, trong đó có đảo Campell.

cay thong co don nhat the gioi Cây \'cô đơn\' nhất thế giới hé lộ mốc bắt đầu thế địa chất

Bằng chứng thế địa chất mới nhất của Trái Đất bắt đầu năm 1965 được tìm thấy trên cây vân sam duy nhất ở một ...

Ngày đăng: 16:33 | 15/03/2018

/ VnExpress