Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi vì sao chỉ một sự cố nhỏ mà đến hơn 1 năm Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân cụ thể.
Câu hỏi về chất lượng thiết bị?
Ngày 4/6, trao đổi với báo chí, đại diện Bộ GTVT cho biết: Vết nứt dầm ngang trên đỉnh trụ P29 của cầu Vàm Cống (Đồng Tháp) đã được tư vấn độc lập kiểm định để có phương án khắc phục nhằm hoàn thành công tác xây dựng, đưa cầu Vàm Cống vào khai thác trong năm 2018.
Với vết nứt trên, theo đánh giá ban đầu cho thấy có hiện tượng ứng suất dư và chất lượng mối hàn chưa đảm bảo.
Cũng theo vị đại diện này, ngoài vết nứt P29, không còn vết nứt nào khác. Kết quả quan trắc từ khi xảy ra sự cố (tháng 11/2017) đến nay cho thấy các kết cấu dầm, trụ tháp và ứng suất dây văng vẫn ổn định, không xuất hiện biến dạng bất thường.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 5/6, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng Bộ môn công nghệ quản lý và xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: "Hiện tượng ứng suất dư là thiết bị chịu lực bị quá tải nên dẫn đến bị nứt hỏng, việc này là đúng.
Còn chất lượng mối hàn nếu không đảm bảo thì chỉ nứt tại điểm mối hàn đó chứ không lan ra điểm khác, nhưng ở đây là nứt dọc trụ cầu vết dài, nên khó có thể là do mối hàn.
Các vết nứt chân dầm cầu Vàm Cống
Ở đây cũng có thể do nhiều nguyên nhân như thiết kế, thi công, vật liệu, biến động địa chất... Nhưng tôi thiên về chất lượng vật liệu, thiết bị nhiều hơn. Có thể vật liệu thép để làm dầm không đảm bảo, vì ngoài vết nứt tại trụ cầu đó thì không còn biểu hiện nào khác.
Đánh giá ban đầu về nguyên nhân mới chỉ phân tích như vậy là vẫn còn chung chung chưa đi vào bản chất vấn đề, vì với sự cố nào thì cũng có thể đưa ra nguyên nhân như vậy. Sự cố trên đúng là hy hữu vì ngoài vết nứt không còn biểu hiện gì khác, từ trước đến nay nứt trụ cầu cũng hiếm.
Điều đáng nói sau hơn 1 năm mà chỉ đưa ra được nội dung đánh giá như vậy là quá chậm, khó có thể chấp nhận, báo cáo cho có, không cần thời gian, chuyên môn cũng có thể đưa ra".
Trong khi đó, ở đây chỉ cần đánh giá, khảo sát lại, nhất khu vực trụ cầu từ biến dạng móng, trụ cột, thì hoàn toàn có thể nắm bắt được nguyên nhân.
Về lâu dài vẫn cần theo dõi vì các công trình lớn biến cố rất chậm, cần thời gian theo dõi, đánh giá, quan trắc, nhưng đó là độ bền của công trình, thậm chí kiểm tra lại. Nhưng chỉ với sự cố nứt dầm thép trụ cầu để đưa ra nguyên nhân chính thức không cần đến hơn 1 năm.
"Về trách nhiệm thì chủ đầu tư là người nhạc trưởng chịu trách nhiệm chính, khi có nguyên nhân chính thì sẽ biết được lỗi thuộc khâu nào nhiều thì mới xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể cũng như đưa ra phương án xử lý, khắc phục", ông Thám nhận định.
Vì sao 1 năm chưa công bố nguyên nhân?
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên, chuyên gia giao thông TS Phạm Sanh cho rằng, sự cố nứt cầu Vàm Cống không có gì to tát mà phải kéo dài thời gian công bố nguyên nhân đến tận hơn 1 năm nay.
"Tôi vẫn thắc mắc vì sao đến thời điểm này Bộ GTVT vẫn chưa có câu trả lời chính thức trong khi đây là sự cố mức độ quốc gia có cả một Hội đồng chuyên môn đánh giá, chứ không như các công trình khác.
Hơn 1 năm vẫn chưa có câu trả lời về nguyên nhân sự cố
Không nên đưa ra các câu kết luận đánh giá chung chung như hiệu tượng ứng suất dư, chất lượng mối hàn. Một cây cầu lớn, hàn tại xưởng làm sao mà sai được.
Theo tôi, phải quay lại xem xét nhà thầu phụ gia công thép tại Sài Gòn, xem họ làm chất lượng ra sao", ông Sanh khẳng định.
Cũng theo ông Sanh, ở đây là chưa tìm ra nguyên nhân chính, hay là chưa muốn công bố nguyên nhân chính và nhà thầu phụ gia công thép ở Sài Gòn có liên quan gì hay không?.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Quang Toản - Nguyên chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, Đại học GTVT Hà Nội cũng cho rằng, nguyên nhân họ đưa ra rất dễ được đồng tình vì công trình nào cũng có thể do nguyên nhân này.
Các nguyên nhân này là nằm ở khâu chất lượng thi công, trách nhiệm cũng thuộc bên thi công. Hiện tượng ứng suất dư là phát sinh trong quá trình thi công, việc này phải tuân thủ công nghệ chặt chẽ để không phát sinh hiện tượng trên.
Xử lý sự cố trên không khó vì chỉ cần hàn lại, vì bản thép rất dày, hàn lại phải có công nghệ giải pháp tốt. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công, bên giám sát thi công đều có trách nhiệm, nhưng nhà thầu thi công chịu trách nhiệm chính, kể cả tiến độ lẫn chất lượng.
Sự cố nứt dầm cầu Vàm Cống là hy hữu trên thế giới
Bộ GTVT cho biết sự cố nứt cầu Vàm Cống chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Bộ sẽ công bố nguyên ... |
Chưa tìm ra nguyên nhân nứt dầm ở cầu Vàm Cống
Bộ GTVT đã mời các chuyên gia trong và ngoài nước tìm nguyên nhân sự cố nứt dầm ngang trên đỉnh trụ P29 cầu Vàm ... |
Bộ Giao thông Vận tải: Nứt cầu Vàm Cống “là sự cố hy hữu”
Đại diện Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, cho tới nay chưa xác định được thời gian thông cầu Vàm Cống bắc qua ... |
Ngày đăng: 19:00 | 06/06/2018
/ Đất Việt