Phần lớn chúng ta đều cầu nguyện. Dù tin vào hiệu lực của cầu nguyện hay không, khi đối mặt với những tình huống khó khăn vượt ngoài khả năng của mình, chúng ta cứ lâm râm cầu nguyện.
Đối với người học Phật, cầu nguyện dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Người Phật tử nào cũng biết cầu nguyện cho mình, cầu nguyện cho người thân và cầu nguyện cho cả bá tánh chúng sanh. Vậy cầu nguyện trong đạo Phật có ý nghĩa thế nào, cần được hiểu ra sao và cách thực hành cầu nguyện đúng pháp là gì… là một số vấn đề căn bản được bàn đến trong bài viết này.
Chư Tăng trang nghiêm trong nghi thức cầu nguyện tại lễ hoa đăng |
Cầu nguyện cho ai?
Với tâm lý thường tình, hầu hết chúng ta đều mong những điều tốt lành đến với những người thân yêu và bản thân mình, cầu nguyện cho người quá cố lẫn người hiện tại. Đối với người quá cố, có ba lý do chính khiến người ta cầu nguyện.
Một là nhu cầu tâm lý gắn bó giữa kẻ ở và người đi và ta muốn che chở, giúp đỡ cho họ. Khi còn sống bên nhau, ta có thể làm nhiều thứ cho người thân yêu của mình. Một khi người thân mất đi, ta bất lực. Do đó, nhiều người tin rằng, nhờ cầu nguyện, chúng ta “gởi gắm” người thân của mình để nhờ một đấng thiêng liêng nào đó giúp đỡ! Với cách này, người cầu nguyện cảm thấy tâm lý nhẹ nhàng hơn, yên tâm hơn khi có cảm giác có thể tiếp tục ở bên cạnh và hỗ trợ cho người thân đã mất.
Hai là tâm lý muốn được che chở bởi người quá cố. Chính vì không hiểu được những gì đang xảy ra với người thân đã mất, chúng ta thường tưởng tượng rằng họ có một năng lực đặc biệt hơn người còn sống, nên chúng ta cầu nguyện họ che chở, phù hộ cho mình được mạnh khỏe, thành công và bình an trong cuộc sống. Lúc này, người thân đã mất trở thành đối tượng để ta cầu xin. Ba là, thoạt nghe rất nghịch lý, đó là cầu nguyện vì sợ người thân quá cố trở về quấy nhiễu làm xáo trộn cuộc sống của mình mà nhờ thế lực siêu nhiên can thiệp để vô hiệu hóa điều này nhằm giữ cho cuộc sống chúng ta được bình yên.
Đối với bản thân mình và người thân còn sống, chúng ta có thể kể đến hai lý do khiến người ta cầu nguyện. Một là mong ước có cuộc sống hạnh phúc và hai là sợ hãi và tránh né khổ đau. Thực ra hai lý do này chỉ là hai mặt của một vấn đề. Mong có được điều này, hạnh phúc chẳng hạn, cũng hàm nghĩa là chúng ta sợ phải đối mặt với một thực tế ngược lại với điều chúng ta mong đợi là khổ đau. Sợ và muốn tránh né khổ đau cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang mong một điều ngược lại là hạnh phúc. Nằm sâu trong tiềm thức, khi cầu nguyện là lúc ta thể hiện tâm lý bất lực, không tự chủ và bất an khi cả điều chúng ta mong đợi và sợ hãi đều nằm ngoài tầm tay của mình.
Sao lại cầu nguyện?
Cuộc sống vô thường này là bất toàn và vạn vật luôn thay đổi không lường được ở mọi phương diện, mọi mức độ đã tạo nên nỗi bất an, lo âu và căng thẳng thường trực đối với mỗi người chúng ta. Những gì đếnưe với bản thân mình và người thân yêu ngoài tầm kiểm soát và can thiệp của bản thân, nên chúng ta bất lực trong đau khổ với những đổi thay không theo ý muốn của mình. Để tự trấn an và mong ước những gì tốt đẹp nhất, con người nghĩ đến sự có mặt thật sự của thế giới vô hình và chúng ta hướng về để cầu xin được che chở, được bảo an. Trong thế giới đó, chúng ta tin là có một hay nhiều đấng linh thiêng, có thể là Đức Phật, là Chúa, là Thượng đế, là thánh Allah. Những đấng thần linh này luôn sẵn sàng che chở, đem điềm lành tới hay ít ra là gia hộ cho chúng ta thành tựu sở nguyện khi chúng ta thành tâm hướng về chư vị mà cầu. Chúng ta tin là các vị sẽ ra tay can thiệp khi chúng ta cần và lên tiếng, miễn là chúng ta có niềm tin sâu sắc nơi quý Ngài. Trong giới Phật tử Việt Nam, cầu nguyện sự gia hộ của Bồ-tát Quán Thế Âm là một trường hợp rất phổ biến, đến mức rất nhiều Phật tử thờ Bồ-tát Quán Âm và gọi là Phật mà không hề thờ tôn tượng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một Đức Phật lịch sử mà họ tự nhận làm “Thầy” và xem mình là “đệ tử”!
Vấn đề tiếp theo là tại sao khi bất an, người ta lại hướng đến một thế lực bên ngoài để cầu nguyện? Người ta thường mong ngóng, tìm cầu sự đoạn tận khổ đau từ bên ngoài vì hầu hết chúng ta nhầm tưởng các yếu tố đem lại khổ đau cho mình nằm ở bên ngoài. Do đó, mọi rắc rối, phiền muộn và khổ đau đều được giải quyết nhờ sự can thiệp của các đấng linh thiêng mà họ tôn sùng, quy ngưỡng. Thậm chí, nhiều người “khoán trắng” vận mạng của mình cho các đấng thần linh. Với suy nghĩ hạnh phúc và khổ đau do người khác đem lại, khi một việc gì đó xảy ra, ta thường quy trách nhiệm tại người này, do kẻ kia, bị hoàn cảnh nọ… mà không hề nhận thấy trách nhiệm cá nhân của mình. Trong khi đó, nhiều lần Đức Phật đã nhắc nhở “Tự mình làm điều ác/ Tự mình làm nhiễm ô/ Tự mình không làm ác/ Tự mình làm thanh tịnh/ Tịnh không tịnh tự mình/ Không ai thanh tịnh ai” (Pháp cú, 165).
Cầu được ước thấy?
Chúng ta thấy rằng khuynh hướng chủ đạo có tính bản năng của con người là cầu nguyện mỗi khi mình cần điều gì đó trong cuộc sống hay khi mình lâm vào tình cảnh khó giải quyết. Thực tế, hầu hết những người cầu nguyện không tự hỏi mình có nên hay không nên làm việc này, họ cứ làm mà không hề thắc mắc. Việc này chúng ta có thể thấy rất rõ nét nhất vào những ngày đầu năm mới trong dịp Tết cổ truyền ở Việt Nam.
Có một xu hướng có thể dễ dàng nhận ra là chúng ta ít khi làm những điều được học và thường làm những điều mà chúng ta không hề được học! Thông qua sự ảnh hưởng mang tính xã hội, do “vô thức đám đông” mà con người có tâm lý hùa theo một cách mù quáng không cần suy xét; cầu nguyện là một ví dụ. Thật là một nghịch lý khi từ bé, không ai dạy chúng ta cầu mong thế lực vô hình nào đó giải quyết vấn đề rắc rối cho mình cả. Ấy thế mà khi lớn lên, nhiều người trong chúng ta thường xuyên cầu nguyện! Con người ta chỉ cầu nguyện và nghĩ đến việc cầu nguyện khi bản thân mình bất lực không thể tự xoay xở để giải quyết được những vấn đề khó khăn trong cuộc sống mà mình vấp phải. Khi những va đập bắt đầu có vẻ quá sức chịu đựng và những nguy cơ, rủi ro cứ rập rình nằm ngoài khả năng giải quyết của con người, người ta mới thấy cần sự giúp đỡ từ bên ngoài. Cầu nguyện là khẩn khoản cầu xin những đấng có năng lực hơn để vị ấy can thiệp vào trong những rắc rối mình đang gặp phải, hoặc ít ra cũng hướng dẫn cho mình cách giải quyết vấn đề sáng suốt nhằm giúp mình vượt qua dễ dàng hơn. Khi vật chất, tri thức và trải nghiệm mà chúng ta ra công tích góp không thể giúp để vượt qua những thử thách của cuộc đời, chúng ta mới nghĩ đến một nguồn lực mới trong cuộc sống. Lúc này, cầu nguyện thường xuất hiện như là một trong các nguồn lực đó. Thế là chúng ta bắt đầu cầu nguyện.
Câu hỏi tiếp theo là liệu cầu nguyện, dù được thực hiện với sự thành tâm đến từng tế bào, từng mạch máu, thì hiệu lực có cao không? Thực tế là những sự kiện, biến cố trong cuộc sống của mỗi người cứ dập dìu dắt nhau theo hình “sin” như trêu ngươi, như an ủi, như “thả thính” những tia sáng hy vọng cuối đường hầm với những vui buồn lẫn lộn, hạnh phúc và khổ đau đan xen hoặc tiếp nối nhau không theo một quy luật nào cả. Vậy thì, phải chăng những gì đến với mình là kết quả của sự cầu nguyện và các đấng có năng lực hơn người đó đã đáp ứng lời cầu nguyện của mình? Thế thì những điều không như ý xảy ra với chúng ta là do các đấng thần linh “bỏ sót” phận việc đáp ứng mong cầu của mình hay sao? Nếu dùng lý trí để suy xét, ta thấy vô lý và thiếu cơ sở khi tin rằng, mọi điều tốt đẹp đều do cầu nguyện mà thành. Thế thì những lần khác cầu không toại nguyện thì sao?
Nếu “cầu được ước thấy” thì ai muốn được hạnh phúc, đơn giản chỉ cần cầu nguyện các thế lực bên ngoài, cứ “khoán trắng” cho các đấng thần linh cao cả, việc gì phải khổ nhọc học tập và nỗ lực làm việc để đạt được điều mình muốn? Ngược lại, nếu cầu chẳng được, ước chẳng thấy, thì hà cớ gì phải cầu nguyện cho mệt tâm nhọc tâm mà không có kết quả?
Băn khoăn, thắc mắc và nghi ngờ về hiệu lực của cầu nguyện một hoặc nhiều đấng linh thiêng nào đó đủ bao dung và kiên nhẫn theo suốt từng bước chân chúng ta để cứu giúp là điều cần thiết của một người học Phật đúng nghĩa!
(Còn tiếp)
Lạy Phật cách nào đúng?
Lạy Phật theo cách “ngũ thể đầu địa” là thể hiện lòng tôn kính nhất. |
Ngày nào cũng thắp hương cúng Phật hay chỉ ngày rằm?
Người Phật tử có nên ngày nào cũng thắp hương cúng Phật hay chỉ thắp vào ngày rằm, mùng một mà thôi? |
http://giacngo.vn/nguyetsan/phathocungdung/2017/06/28/5FD68B/
Ngày đăng: 06:00 | 09/11/2017
/ Giác Ngộ Online