Thực trạng một số doanh nghiệp kinh doanh khí gas chiếm giữ vỏ bình của các doanh nghiệp khác để thực hiện các hoạt động vi phạm quy định của pháp luật trong kinh doanh đã đến mức báo động. Nghiêm trọng hơn, các doanh nghiệp này còn thực hiện việc “cắt tai, mài bình” để đánh lừa người tiêu dùng, qua mắt các cơ quan chức năng, gây nguy hiểm cho tính mạng người sử dụng. Thế nhưng, các cơ quan quản lý vẫn đang bất lực trước vấn nạn này.
Cắt tai mài vỏ bình gas - vấn nạn đang bị buông lỏng. Ảnh: P.V |
Tại cuộc họp của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì với các đơn vị trực thuộc sáng 18.1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã gay gắt cho rằng, các đơn vị chức năng đã buông lỏng, đùn đẩy và chưa hoàn thành nhiệm vụ trong công tác quản lý thị trường (QLTT) gas. Ông Trịnh Văn Ngọc (Cục Quản lý thị trường) báo cáo hàng loạt các vụ vi phạm trong thời gian qua, đặc biệt là vụ việc đối với Cty TNHH Khí dầu mỏ hóa lỏng Phúc Khang (trụ sở tại TP.Hòa Bình).
Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm như có các hành vi vi phạm về sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; làm thay đổi hình dạng, kết cấu của chai LPG; nạp gas vào chai không thuộc sở hữu của chính thương nhân chủ sở hữu; sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Tổng số tiền phạt là 190 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG 2 tháng vì các hành vi vi phạm. Vụ việc được cơ quan công an đánh giá chưa đến mức độ xử lý hình sự nên chỉ có thể xử lý hành chính” - ông Ngọc trình bày.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - thì “Trong thời gian tước giấy phép, vì chúng ta không theo sát vấn đề tới tận cùng, doanh nghiệp bị phạt vẫn kinh doanh bình thường nên mới gây bức xúc dư luận”.
Sau khi chất vấn lãnh đạo Cục QLTT nhiều vấn đề mà vị này không thể làm rõ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã rất bức xúc và khẳng định: “Đây là hiện tượng đã tương đối nghiêm trọng rồi. Thế nhưng lực lượng QLTT có bao giờ làm việc với truyền thông về các vấn đề cụ thể này không? Trách nhiệm của các đồng chí ở đâu khi không chủ động liên lạc để làm rõ vấn đề?
Các đồng chí chưa trả lời được vai trò của QLTT, công tác đôn đốc kiểm tra giám sát lực lượng QLTT ở địa phương ra sao… cả bộ máy QLTT bất lực trước sự vi phạm pháp luật như vậy, có chấp nhận được không? Buông lỏng thế này để diễn biến đến bao giờ? Giao trách nhiệm sang địa phương không có nghĩa đẩy trách nhiệm cho QLTT địa phương” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng không đồng tình với cách xử lý vấn đề khi lãnh đạo Cục QLTT cho rằng đã làm hết chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Bộ trưởng nói: “Phải xem xét hành vi chiếm dụng vỏ bình gas, sang chiết gas là vi phạm pháp luật nào? Vận dụng văn bản pháp lý nào để xử lý, giải quyết triệt để ngăn chặn hành vi này? Phải biết liên hệ vận dụng với các quy định khác của pháp luật, kể cả Luật Bảo vệ người tiêu dùng…”.
“Hàng giả mà không hề có hướng xử lý”
Sau khi yêu cầu các đơn vị khác cho ý kiến, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh càng thêm bức xúc khi các đơn vị đều khẳng định đã làm hết quyền hạn của mình, Bộ trưởng cho rằng: “Chỉ cần với các phản ánh của các doanh nghiệp, ý kiến của Hiệp hội Gas, phản ánh của các cơ quan báo chí truyền thông về dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc “cắt tai, mài vỏ”, sang chiết gas trái phép đã hàm chứa tất cả các dấu hiệu của việc làm giả sản phẩm.
Nghĩa là có câu chuyện vi phạm về chỉ dẫn, làm giả, tức là xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng sao lại nói chưa đủ cơ sở khiếu kiện để xử lý? Cơ quan quản lý nhà nước không thể nại vào câu chuyện chưa đủ điều kiện khiếu kiện để nói rằng chưa đủ điều kiện xem xét xử lý, trong khi bằng chứng cụ thể đã có rồi. Các đơn vị phải chủ động vào cuộc chứ”.
Trong khi các đơn vị còn đang chĩa trách nhiệm sang nhau trong công tác quản lý chất lượng vỏ chai LPG, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kết luận: “Thời gian sự việc kéo dài, giờ Vụ Khoa học công nghệ nói đó là trách nhiệm của QLTT, QLTT nói trách nhiệm của Chi cục QLTT địa phương, Chi cục địa phương thì không xử lý vì không có hướng dẫn từ Vụ Khoa học công nghệ.
Đang tồn tại một sự thiếu phối hợp giữa các đơn vị trong bộ. Tôi rất buồn với ý thức trách nhiệm của chúng ta. Trong khi đó đã quá rõ hành vi chiếm dụng tài sản trái phép, “cưa tai mài vỏ” là vi phạm rất nghiêm trọng về chất lượng sản phẩm, thậm chí là hàng giả mà không hề có hướng xử lý, xem xét trách nhiệm” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: “Đây là vấn đề nghiêm trọng, vi phạm pháp luật trong hàng loạt các khía cạnh. Cục QLTT chưa làm tròn trách nhiệm của mình trong theo dõi diễn biến thị trường. Các đơn vị trong bộ như Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Vụ KHCN, Vụ Thị trường trong nước chưa chủ động làm tròn trách nhiệm của mình; chưa tổ chức tốt công tác tiếp nhận thông tin phản ánh của dư luận xã hội… dẫn tới việc thực thi trách nhiệm còn buông lỏng, đặc biệt là kinh doanh khí. Tôi phê bình nghiêm khắc Cục QLTT và cá nhân Cục trưởng, yêu cầu nghiêm túc chấn chỉnh rút kinh nghiệm”.
Từ đó Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo các đơn vị cần: “Khẩn trương làm rõ 4 nội dung: Hiện tượng cắt tai mài bình, chiếm dụng vỏ chai và đóng dấu của mình, hoạt động sang chiết gas trái phép, vận chuyển lưu thông phân phối kinh doanh trên những vỏ bình sang chiết trái phép này để căn cứ pháp luật rõ tính chất, mức độ nghiêm trọng và chế tài. Kiên quyết có biện pháp đấu tranh có hiệu quả.
Từ đó, tổ chức làm việc với Hiệp hội Gas, các cơ quan truyền thông… để làm rõ mức độ vi phạm của các tổ chức vi phạm trên, kiến nghị biện pháp xử lý dứt điểm… Yêu cầu các đơn vị triển khai ngay, trong vòng 1 tuần phải có báo cáo sơ bộ” - Bộ trưởng kiên quyết.
Tiếp nhận đơn trình báo của nhiều DN phản ánh về tình trạng bị các đối thủ thu gom, chiếm dụng vỏ bình LPG trái phép, lực lượng QLTT đã phối hợp làm rõ nhiều đơn vị vi phạm. Điển hình như: Ngày 26.9.2017, Lực lượng Cảnh sát hình sự huyện Mỹ Hào và QLTT Hưng Yên phát hiện 25.538 vỏ chai LPG các loại thuộc nhiều thương hiệu khác nhau tại kho của Cty TNHH Trần Hồng Quân (trụ sở tại Mỹ Hào, Hưng Yên). Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.
Ngày 21.9.2017, QLTT tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện 24.518 vỏ chai LPG các loại tại Ban Quản lý Cụm công nghiệp Đông Thọ, Yên Phong (Cty CP đầu tư địa ốc Sông Hồng Land, trụ sở tại Bắc Ninh) do ông Đặng Minh Thắng, chức vụ giám đốc ban quản lý. Vụ việc đang được Chi cục QLTT Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh.
Ngày 11.9.2017, Đội QLTT số 17 (thuộc Chi cục QLTT Hà Nội) phát hiện các xe ôtô 89C-122.19 vận chuyển 639 vỏ chai LPG Hồng Hà không có hóa đơn chứng từ hợp pháp; ngày 14.9.2017, Đội QLTT số 17 tiến hành kiểm tra Cty TNHH sản xuất và cung ứng vật tư Hà Nội (trụ sở Đông Anh, Hà Nội), phát hiện trong khuôn viên của DN đang lưu giữ tổng số 15.000 vỏ chai LPG các loại của các doanh nghiệp khác; ngày 22.9.2017, Đội QLTT số 17 lại phát hiện tại sân bãi Cty TNHH khí đốt Thăng Long đang lưu giữ 60 vỏ chai LPG nhãn hiệu Vạn Lộc. Toàn bộ số chai trên đều không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Cả 3 vụ việc trên đã được chuyển giao cho cơ quan công an, đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý cuối cùng.
Bộ trưởng Công Thương phê bình lãnh đạo quản lý thị trường
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phê bình nghiêm khắc cá nhân Cục trưởng Cục Quản lý thị trường khi để tình trạng sang chiết gas, ... |
Hàng chục người tháo chạy khi bình gas nhà hàng phát nổ
Sau hàng loạt tiếng nổ, lửa bùng lên dữ dội trong tiệm ăn ở Nha Trang khiến hàng chục thực khách tháo chạy. |
Đột kích tụ điểm sang chiết gas lậu gắn mác thương hiệu nổi tiếng
Lực lượng chức năng đã bất ngờ ập vào một bãi đậu xe và phát hiện nhiều đối tượng đang sang chiết gas từ xe ... |
Đ.T
Ngày đăng: 11:10 | 19/01/2018
/ https://laodong.vn