Đến nay, sau ba thập niên Lưu Quang Vũ đã vĩnh biệt chúng ta,và ngay cả lúc này, khi sân khấu đang ít nhiều có dấu hiệu thoái trào bởi sự thưa vắng, quay lưng của khán giả, tình yêu kịch, sự hấp dẫn bởi kịch Lưu Quang Vũ ở những người làm kịch và xem kịch vẫn gần như nguyên vẹn.
Lưu Quang Vũ viết kịch trong thời gian gần một thập niên, từ năm 1978 với kịch bản”sống mãi tuổi 17” ( theo một số tài liệu cho biết thì kịch bản này Vũ viết lại từ kịch bản của Vũ Duy Kỳ với nguyên mẫu là người anh hùng Lý Tự Trọng) và kịch bản sau cùng là “Linh hồn của đá”. Trong gần chục năm đó, nhà viết kịch tài năng khi qua đời ở tuổi 40 đã cho ra trên dưới 50 kịch bản, gần hết được các đoàn kịch trong cả nước dàn dựng.
Thủa sinh thời, kịch bản của Vũ đều được các đoàn kịch, nhà hát và khán giả toàn quốc ưa thích. Đến nay, sau ba thập niên Lưu Quang Vũ đã vĩnh biệt chúng ta,và ngay cả lúc này, khi sân khấu đang ít nhiều có dấu hiệu thoái trào bởi sự thưa vắng, quay lưng của khán giả, tình yêu kịch, sự hấp dẫn bởi kịch Lưu Quang Vũ ở những người làm kịch và xem kịch vẫn gần như nguyên vẹn.
Vì sao lại có hiện tượng này?
Để cắt nghĩa một cách khách quan và thấu đáo chúng ta hãy trở về thời gian, hoàn cảnh xã hội khi Lưu Quang Vũ viết kịch.
Lực đẩy của thời kỳ đổi mới
10 năm, từ 1978 - 1988 là thời gian Lưu Quang Vũ thăng hoa khi liên tục cho ra đời những kịch bản làm lay động lòng người, nuôi sống hàng trăm đoàn kich, nhà hát trong cả nước, chính là giai đoạn xã hội Việt Nam ta mặc dù vừa thoải khỏi chế độ bao cấp nghiệt ngã, thống nhất đất nước- non sông quy về một mối. Song sự thiệt hại về người và của do cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam cùng những di sót của thể chế bao cấp và những sai lầm của chính sách giá lương tiền càng khiến đời sống cán bộ, nhân dân gần như chạm đáy về những khó khăn vật chất cũng như tinh thần.
Nhưng mặt khác, vào những năm đó trong tư tưởng, văn hóa, xã hội đã có những bước đổi mới đáng mừng. Dấu hiệu của sự đổi mới này là sự thông thoáng trong quản lý xã hội với việc cho phép kinh doanh các nhà hàng ăn uống, karaoke, các tụ điểm vui chơi giải trí…Trên báo chí đã xuất hiện những tác phẩm dám nhìn thẳng vào sự thật, phản ánh hiện thực khách quan thay vì sự tô hồng, ca ngợi một chiều trước đây. Những “Cái đêm hôm ấy đêm gì”,” Linh nghiệm”, bài thơ “Nhân dân”, các truyện ngắn “Chuyện quan trọng của bà Cả Đào”…ra đời và cuốn hút được người đọc.
Trong lĩnh vực thưởng thức nghệ thuật, bên cạnh sự còn hạn hẹp của các phương tiện, loại hình giải trí thì cùng với vô tuyến truyền hình từng bước phát triển thì sân khấu – một loại hình được nhân dân ưa thích cũng bắt đầu được cởi trói khi chấp nhận những vở diễn đổi mới về đề tài. Đây cũng là giai đoạn chức năng “thánh đường” cuả nghệ thuật sân khấu nước ta bước đầu được khẳng định.
Không ít vở diễn thu hút được đông đảo người xem, vì phản ảnh được mâu thuẫn trung tâm của xã hội, nỗi bức xúc của dư luận, nói được ít nhiều tiếng nói của nhân dân, dự báo, đưa ra những thông điệp mà người dân đang khao khát được nghe, được thấy. Những vở diễn có thể nói mở đầu cho thời kì hoàng kim của sân khấu như ”Nhân danh công lý”, “Đêm trắng”,“Hà Mi của tôi”,”Bắn chết con vịt trời”…đã được người xem đón nhận nồng nhiệt.
Đây chính là môi trường, hoàn cảnh mầu mỡ, thuận lợi cùng với tài năng vượt trội của Lưu Quang Vũ đã tạo nên sự đâm hoa kết trái xum xuê cho dòng kịch của Vũ chiếm lĩnh sân khấu, thu hút người xem. Với những kịch bản mang yếu tố chính luận như “Tôi và chúng ta”,”Khoảnh khắc và vô tận”…đã phản ánh một cách trung thực một xã hội duy ý chí, bóp nghẹt quyền sống, quyền làm người, nói hộ người xem những khát vọng về một cuộc sống bình đẳng, quyền sống con người được tôn trọng.
Với những kịch bản mang yếu tố hài, hay gỉa cổ, cổ tích như ”Bệnh sĩ”, “Ông không phải là bố tôi”,”Hồn Trương Ba da hàng thịt”…đã phê phán sự cổ hủ, sĩ diện hão, ưa thành tích, vô trách nhiệm với số phận con người của một thời bao cấp, mang lại tiếng cười sảng khoái sau những tháng năm ngột ngạt của nền quản lý hà khắc, lấy lý trí chủ quan thay cho sự chấp nhận quy luật khách quan.
Bản lĩnh vượt lên rào cản
Cũng cần phải nói, giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới vào những năm cuối thập niên 80 đó, sự quản lý sân khấu, cũng như sự kiểm duyệt kịch bản thực sự phù hợp và có bản lĩnh nên mới chấp nhận cho ra đời cả một chuỗi những kịch bản đa phần đều động chạm đến những vấn đề mà hôm nay gọi là “nhậy cảm”. Lãnh đạo các đơn vị kịch hồi đó chưa bị mặc cảm bởi một sự sợ vô hình nào đấy khi chọn kịch bản dàn dựng. Nhân chuyện nói về kịch của Vũ, tôi nhấn mạnh điều này để thêm một lần phản đối quan điểm cho rằng “giai đoạn hiện nay thiếu vắng các kịch bản hay”. Có may mắn được dự nhiều trại sáng tác, tôi được biết trong các trại sáng tác có không ít các kịch bản hay, hấp dẫn đủ sức kéo khán giả đến rạp, nhưng vì nhiều lý do, trong đó có lý do vì sự “sợ bóng sợ gió” nên không ít đơn vị sân khấu đã gạt bỏ những kich bản hay để dựng những kịch bản yếu về chất lượng nhưng an toàn.
Trở lại kịch của Lưu Quang Vũ. Có thể nói gần 50 kịch bản của ông có tỉ lệ lớn các kịch bản hay, hấp dẫn.
Vậy, tiêu chí của kịch bản hay là gì?
Cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác tiêu chí để khẳng định một kịch bản hay, có giá trị đều có sự thống nhất cao. Đó là sự hòa quện chặt chẽ giữa chủ đề tư tưởng, nội dung phản ảnh gắn liền với một hình thức nghệ thuật xuất sắc cách tân phù hợp với nội dung. Trong phạm trù của một kịch bản sân khấu chất lượng về mặt nội dung là bộc lộ được tiêu chuẩn của yếu tố thánh đường- Phản ảnh được mâu thuẫn trung tâm của xã hội, thời đại, thỏa mãn được những gì mà đông đảo khán giả đang muốn phản ảnh, phơi bày,quan tâm, đưa ra được những thông điệp, dự báo. Từ tiêu chí về tác phẩm hay như vậy tôi có thể khẳng định. Về mặt nội dung tư tưởng, mặt bằng của thực tế cuộc sống được phản ảnh trong kịch Lưu Quang Vũ đều khiến tác phẩm của ông đạt được yêu cầu của những kịch bản xuất sắc, chất lượng cao.
Cảnh trong vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"
Sức sáng tạo vô biên của khối óc tài hoa
Còn về mặt nghệ thuật. Được kế thừa tố chất từ người cha từng là một tác giả lành nghề trong sân khấu, lại có thời gian từng trải, lăn lộn trong môi trường sân khấu ( Vũ từng là phóng viên của tạp chí Sân khấu) với một vốn sống phong phú khi thủa thiếu thời ông trải qua nhiều nghề nghiệp để kiếm sống đã mang lại, tích tụ cho ông thực tế sống ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Và cao hơn cả với phản xạ nhanh nhậy của một nhà thơ, năng khiếu sân khấu bẩm sinh đã tạo nên một kịch tác gia Lưu Quang Vũ đón bắt được nhiều âm hưởng cuộc sống kể cả những tia sáng còn mong manh của sự ra đời một hiện tượng xã hội. Vì vậy, nếu đọc lại kết hợp với việc xem lại các kịch bản của Lưu Quang Vũ, bản thân tôi có thể khẳng định- Về mặt hình thức viết kịch,cho đến nay làng sân khấu Việt Nam chưa ai đạt được tay nghề cao như ông.
Với tư cách là tác giả sân khấu, tôi cho rằng điểm mạnh nhất của kịch tác giả Lưu Quang Vũ ngoài sự nhanh nhậy trong cách chọn đề tài, nắm bắt được sự biến động của mâu thuẫn cuộc sống ngay từ khi nó manh nha (điều này gọi theo giọng báo chí là tính thời sự) thì Vũ cực kì có năng khiếu trong việc tìm ra và phát triển mâu thuẫn kịch theo phương pháp kết cấu kịch cổ điển- Phương pháp của trường phái Xtanilaspxki- (chỉ ra mâu thuẫn, phát triển và kết thúc).
Cảnh trong vở "Hoa cúc xanh trên đầm lầy"
Viết kịch theo trường phái này hiện này theo tôi có nhà văn Xuân Đức với tư cách là nhà viết kịch là nổi trội hơn cả. Chính lối thể hiện, triển khai này giúp đạo diễn và diễn viên dễ dàng thể hiện được ý tưởng của tác giả cũng như nội dung, diễn biến của kịch bản Lưu Quang Vũ. Tôi từng chứng kiến không ít vở diễn dựng theo kịch bản của Lưu Quang Vũ, dấu ấn của các đạo diễn rất ít. Ở những vở diễn này chúng tôi thường nói đùa “Vũ tài dựng và triển khai mâu thuẫn và chuyện kịch hấp dẫn đến độ chỉ cần đọc kịch bản của Vũ đã thành một vở diễn”.
Bên cạnh những kịch bản có kết cấu kinh điển theo trường phái Xtanilapxki thì tài năng của Lưu Quang Vũ còn phát sáng, bộc lộ ở một số kịch bản được viết theo phương pháp hoàn toàn khác. Và theo tôi đây chính là những kiệt tác để đời trong gia tài kịch bản của Vũ. Đó là “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” một vở kịch giả tưởng duy nhất của Vũ (cho đến nay kịch bản viết theo hình thức giả tưởng được dựng ở nước ta ngoài ‘Hoa cúc xanh trên đàm lầy”, chỉ còn “Linh hồn đông lạnh” hài kịch “Con người là thế nào”.
Cảnh trong vở "Ai là thủ phạm"
Dòng kịch lạ và xứng đáng cho tài năng sáng tạo nữa của Vũ là khi ông khai thác văn học dân gian và kế thừa tinh hoa của sân khấu cha ông đó là kịch bản ”Lời nói dối cuối cùng “và nhất là”Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Sự lung linh, sinh động kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực và hư, giữa xưa và nay thêm một lần khẳng định tài năng đa dạng của Vũ trong lĩnh vực sân khấu và cũng thêm một lần cắt nghĩa vì sao kịch Vũ có sức hấp dẫn lâu dài với người xem.
NS Nguyễn Cường: Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đã sống bên nhau trọn đời
Trước khi trở thành kịch tác gia nổi tiếng, Lưu Quang Vũ đã là một nhà thơ. Ông được xem là một trong những hiện ... |
Con trai Lưu Quang Vũ: \'Tôi chưa vượt qua nỗi đau mất bố và má\'
Lưu Minh Vũ chia sẻ sau 30 năm, anh vẫn nhớ như in hồi ức hạnh phúc khi sống bên Lưu Quang Vũ và Xuân ... |
Ngày đăng: 17:07 | 16/08/2018
/ http://danviet.vn