215 loại thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, chi phí lớn, hiệu quả không rõ ràng... bị đề xuất cắt giảm khỏi phạm vi thanh toán của quỹ BHYT
Chi tiêu cho thuốc chữa bệnh vốn chiếm tỉ lệ lớn trong tổng chi Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT). Điều này không chỉ ảnh hưởng tới cân đối chi của quỹ mà còn cả phần tự trả của người bệnh. Vì thế, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang rà soát, cắt giảm nhiều loại thuốc trong danh mục do bảo hiểm thanh toán.
"Sàng lọc", bỏ nhiều thuốc bổ trợ
Mới đây, tại buổi lấy ý kiến các bệnh viện về dự thảo danh mục thuốc được BHYT chi trả, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết tỉ trọng thuốc trên tổng chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT có xu hướng giảm, từ 60% (giai đoạn 2009-2013) còn 48% (năm 2015) và 41% (năm 2016). Song, tổng chi phí thuốc BHYT vẫn tăng dần, từ 9.370 tỉ đồng năm 2009 lên 25.000 tỉ đồng năm 2015 và 31.000 tỉ đồng năm 2016. Theo ông Tuấn, việc kê đơn lựa chọn thuốc đáp ứng yêu cầu điều trị và có giá phù hợp khả năng chi trả sẽ giúp kiểm soát chi tiền thuốc chữa bệnh của quỹ BHYT.
Trước đó, kết quả nghiên cứu của BHXH Việt Nam cũng ghi nhận chi tiêu thuốc chiếm tỉ lệ lớn trong tổng chi cho y tế. Trong đó, tỉ lệ chi thuốc trên tổng chi KCB và KCB BHYT đều cao hơn so với các quốc gia tương đồng về kinh tế - xã hội. So với nhiều nước trong khu vực và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), danh mục tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT tại Việt Nam khá rộng.
Tổng số thuốc theo danh mục quy định tại Thông tư 40/2014 của Bộ Y tế là 1.064 loại, trong khi tại Thái Lan là 765, Philippines là 186, còn theo danh mục thuốc thiết yếu của WHO là 454. Chi phí thuốc BHYT phần lớn tập trung vào 20 nhóm chính, chiếm 86% tổng chi phí thuốc BHYT chi trả năm 2016. Trong đó, các nhóm thuốc kháng sinh, ung thư, điều trị tăng huyết áp, vitamin và khoáng chất… chiếm chi phí cao nhất.
Bộ Y tế đang sửa đổi danh mục thuốc BHYT, sẽ cắt giảm nhiều loại thuốc chỉ hỗ trợ điều trị nhưng chi phí lớn (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Dẫn chứng về chi phí cho nhóm vitamin và khoáng chất, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế - BHXH Việt Nam, cho biết nhóm thuốc này đứng thứ 13 trong danh sách mặt hàng chi trả nhiều nhất năm 2016 với hơn 615 tỉ đồng - cao hơn chi phí cho máu và các chế phẩm máu cũng như nhóm thuốc kháng viêm, hạ sốt. Trong đó, quỹ đã chi gần 140 tỉ đồng cho vitamin B1, B6, B12; gần 40 tỉ đồng cho vitamin C, gần 45 tỉ đồng dạng phối hợp vitamin B6 và magnesi, gần 20 tỉ đồng dạng phối hợp vitamin A và D…
Ngoài ra, với các thuốc hỗ trợ điều trị, năm 2016 là gần 440 tỉ đồng, trong đó quỹ đã chi trên 53 tỉ đồng cho thuốc glucosamin (hỗ trợ điều trị xương khớp), gần 25 tỉ đồng cho glutathion (tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa), trên 37 tỉ cho ginkgo biloba (tăng cường chức năng não), gần 90 tỉ đồng cho thuốc tuần hoàn não, bổ thần kinh Peptid (Cerebrolysin concentrate).
Ông Nguyễn Tá Tỉnh cho rằng quy định về việc sử dụng và thanh toán chi phí thuốc BHYT thời gian qua đã bộc lộ nhiều vướng mắc, cần phải sửa đổi.
Chi trả gần 1.200 loại thuốc
Trước thực trạng này, đầu năm 2017, Bộ Y tế đã xây dựng thông tư ban hành kèm Danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán đối với tân dược thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT - thay cho Thông tư 40 ban hành năm 2014.
Ông Phạm Lê Tuấn cho biết việc xây dựng và ban hành tiêu chí loại bỏ, bổ sung, sửa đổi thuốc trong danh mục lần này được thực hiện khoa học, chặt chẽ, dựa trên các khuyến cáo của WHO, các hiệp hội y khoa, dược khoa, cơ quan quản lý dược của nhiều nước trên thế giới về hiệu quả điều trị, độ an toàn của thuốc; đánh giá chi phí - hiệu quả kinh tế dược và tác động ngân sách lên quỹ BHYT... Dự kiến, thông tư này sẽ được ban hành trong quý I/2018.
Theo đại diện Vụ BHYT - Bộ Y tế, dự kiến danh mục thuốc sửa đổi lần này sẽ gồm 1.184 loại, trong đó có 1.045 loại thuộc danh mục hiện hành. Danh mục mới cũng đề xuất bổ sung 66 thuốc mới và loại bỏ 215 loại thuốc khỏi phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Trong số thuốc bị đề nghị cắt giảm, nhiều loại chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, chi phí lớn, hiệu quả không rõ ràng; thuốc có dạng bào chế, hàm lượng không phổ biến...
Dự thảo cũng đề xuất thu hẹp hạng bệnh viện được sử dụng đối với 12 loại thuốc, mở rộng hạng bệnh viện được sử dụng với 34 loại, bổ sung dạng dùng với 7 loại, đề xuất mở rộng điều kiện thanh toán với 11 loại. Tại dự thảo này, các thuốc trị ung thư như thuốc phóng xạ, đồng vị phóng xạ và hợp chất đánh dấu sẽ bổ sung 2 loại. Các thuốc này không phải sử dụng theo hạng bệnh viện như hiện hành mà được chỉ định tại tất cả bệnh viện chuyên khoa, trung tâm ung bướu, các đơn vị điều trị ung bướu của bệnh viện đa khoa.
Kháng sinh, thuốc trị ung thư "ngốn" nhiều tiền Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2016, thuốc kháng sinh và chữa trị ung thư "ngốn" tới gần 30% tổng chi cho thuốc điều trị được quỹ BHYT chi trả. Trong đó, kháng sinh chiếm 19% với gần 5.777 tỉ đồng, còn nhóm thuốc điều trị ung thư được bác sĩ kê đơn cũng "tiêu" gần 2.700 tỉ đồng cho khám chữa bệnh BHYT. Tại TP HCM, chi phí dùng vitamin, khoáng chất năm 2016 tăng gần 200% so với năm 2015, Đồng Nai tăng 50%, Quảng Nam tăng 36%... |
Từ 1.1.2018, sẽ xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội như thế nào?
Ngày 1.1.2018, nhiều điều khoản quan trọng trong Luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chính thức có hiệu lực, một trong số đó ... |
TP HCM muốn bảo hiểm y tế chi trả cho cai nghiện
Người nghiện ma túy được xem là bệnh mãn tính nên TP HCM đề xuất chi phí điều trị nghiện cần đưa vào gói dịch ... |
Ngày đăng: 13:40 | 25/12/2017
/ Ngọc Dung/nld.com.vn