Tại buổi làm việc với 14 bộ, cơ quan mới đây về tình hình cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng - cho rằng: Cần xem xét hết sức thực chất về hiệu quả cắt giảm, tránh tình trạng gộp văn bản để né tránh, văn bản ít đi nhưng thủ tục vẫn giữ nguyên... 

Nhìn về con số, đã có trên 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính được cắt giảm. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng “dồn nhiều văn bản vào một”, nhưng thủ tục thì không thay đổi. 

Vẫn còn “ma trận” 355 văn bản kiểm tra chuyên ngành

Mới đây, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thẳng thắn nêu ví dụ về những “quy định chung chung” của Bộ Công Thương - đơn vị được coi là dẫn đầu trong giai đoạn khởi xướng cắt giảm ĐKKD, đơn giản TTHC - gây nhiều bất cập. Ví như, chỉ riêng việc kiểm tra vi phạm về formanldehyte trong ngành dệt may, tỉ lệ vi phạm về kiểm tra formaldehyte rất nhỏ, nhưng kiểm tra 100% các DN xuất nhập khẩu mặt hàng này là hợp lý không?

Tại văn bản báo cáo Thủ tướng chính phủ đánh giá thay đổi của những cải cách về bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về ĐKKD và tác động thực chất đối với DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) nêu thực trạng: Có những bộ chỉ đạt 10 - 20%, thậm chí có 2 bộ kết quả dưới 10% gồm Bộ Tư pháp (6%), Bộ Quốc phòng (4%). Về “ma trận” văn bản, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, hiện còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tới 355 văn bản, rất khó cho DN thực hiện tra cứu, cập nhật. Không ít trường hợp kiểm tra chồng chéo, một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của nhiều bộ, chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị trong cùng một bộ... Tình trạng chồng chéo đã gây cản trở đến hoạt động của DN, khiến nhiều chủ DN chung ý kiến bức xúc: Từ đầu năm đến nay, công tác kiểm tra chuyên ngành chủ yếu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trước khi thông quan chứ không phải là xóa bỏ việc kiểm tra như chỉ đạo của Thủ tướng. Một mặt hàng, sản phẩm vẫn phải chịu sự kiểm tra của nhiều đầu mối trong một bộ hoặc nhiều bộ. Trong nhiều lĩnh vực, dù số lượng thủ tục giảm so với trước nhưng thời gian xử lý công việc lại không giảm. Một vấn đề DN xin ý kiến vẫn phải chờ vài ba bộ trả lời nên chỉ cần một bộ kéo dài thời gian trả lời là các khâu khác cũng phải chậm lại do phải... chờ.

Cần xác lập quy chuẩn, chặn “tham nhũng vặt”

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI: “Chất lượng chưa đảm bảo của quy định pháp luật tạo điều kiện cho nạn nhũng nhiễu. Khi nào còn có sự chồng chéo của đạo luật này so với đạo luật khác, khi nào câu chữ trong các văn bản pháp luật còn mơ hồ, đặt ra yêu cầu xin - cho nhưng không hề đi kèm với quy trình thủ tục thì ở đó còn có không gian cho sự nhũng nhiễu. Chúng tôi đề nghị thời gian tới cần có chương trình tổng rà soát các quy định pháp luật đặc biệt là đạo luật, quy định liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh như đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… Chính phủ cần đặt hàng cho các tổ chức độc lập bên ngoài, các hiệp hội, các chuyên gia chủ trì quá trình rà soát chứ không phải là chính bản thân các cơ quan nhà nước như thời gian vừa qua”.

Chính phủ yêu cầu từ nay đến cuối năm cần tiếp tục cắt giảm ĐKKD, đơn giản hóa TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân (ảnh minh hoạ). Ảnh: PV

Qua thực tiễn hoạt động, VCCI nhận thấy, tình trạng mỗi TTHC được ban hành ở các văn bản quản lý chuyên ngành khác nhau do các cơ quan khác nhau soạn nên không thống nhất và đồng bộ. Ví dụ, có một vài thủ tục thì không quy định thời gian thực hiện, một vài thủ tục khác lại có những quy định rất tiến bộ như cán bộ chỉ được hướng dẫn hồ sơ 1 lần bằng văn bản, không được yêu cầu thêm các hồ sơ khác hay nếu cơ quan có thẩm quyền chậm trả lời thì coi như đồng ý với đơn của người dân và DN... Do đó, Chính phủ cần rà soát các TTHC hiện có và xây dựng văn bản pháp luật để xác lập quy chuẩn cho các TTHC. Có thể cân nhắc sử dụng một số quy định như: Cấm việc các cơ quan hành chính yêu cầu thêm các thành phần hồ sơ, nội dung kiểm tra thực tế vượt quá yêu cầu của văn bản pháp luật quy định về TTHC đó; Khi ban hành các TTHC phải quy định rõ về thời gian thực hiện, trả lời. Nếu quá thời gian đó mà cơ quan hành chính chưa trả lời thì coi như đồng ý với đơn đề nghị của đương sự. Cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về việc chậm trả lời đương sự; Khi xem xét hồ sơ, kiểm tra thẩm định thực tế khi làm thủ tục hành chính cần áp dụng các nguyên tắc công khai, tiền lệ, đồng bộ.

 

* Theo thống kê, tỉ lệ hàng hóa phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành khi thông quan chiếm từ 30 - 35%, với những thủ tục rườm rà, chồng chéo. Điều đó vừa gây mất thời gian, công sức, tài chính của DN trong khi thực hiện thông quan hàng hóa, vừa làm mất cơ hội kinh doanh của DN, giảm cạnh tranh của DN.

(Bà Nguyễn Minh Thảo - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)

* Theo Quyết định 2314/QĐ-BCĐ có hiệu lực từ ngày 31.7.2019, Bộ Công Thương ban hành phương án cắt giảm thủ tục, danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ giai đoạn 2019 và định hướng đến năm 2021, gồm: Hàng hóa là nguyên liệu đầu vào hoặc sản phẩm trung gian, bán thành phẩm nhập khẩu cho các cơ sở sản xuất thực phẩm căn cứ trên việc đánh giá, phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; Hàng hóa là sản phẩm, thiết bị, máy móc mà có biện pháp quản lý khác đảm bảo mục đích quản lý nhà nước và có thể thay thế việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành trong thủ tục thông quan; Hàng hoá là sản phẩm, thiết bị, máy móc mà không có tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khi thực hiện kiểm tra chuyên ngành trong thủ tục thông quan.

* Bộ Y tế đã ban hành quyết định cắt giảm 1.376 điều kiện đầu tư, kinh doanh, hàng hoá kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực y tế. Đối với thực phẩm, phương án cắt giảm căn cứ theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, khoảng 98% các lô hàng thực phẩm nhập khẩu của Bộ Y tế sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, 100% các mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học nhập khẩu đã đăng ký bản công bố sản phẩm được miễn kiểm tra nhà nước...

* Bộ Tài chính đã ban hành 17 Thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí do các bộ, ngành, trong đó, dự kiến bỏ quy định thu 6 khoản phí và 4 khoản lệ phí (được chi tiết thành 17 dòng phí, lệ phí); điều chỉnh giảm mức phí đối với 21 khoản phí và 2 khoản lệ phí (được chi tiết thành 47 dòng phí, lệ phí) với mức giảm khoảng từ 5% - 25% so với mức hiện hành; cá biệt có một số khoản phí điều chỉnh mức giảm lớn hơn…

Phải bịt sớm những lỗ hổng, xử lý nghiêm hành vi kinh doanh "bóng cười"
Mỹ bị cáo buộc phá hoại hoạt động kinh doanh của Huawei
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Khó quản thì cấm?

Ngày đăng: 10:10 | 13/09/2019

/ laodong.vn