Việc nới rộng sở hữu nhà của người nước ngoài là đúng, nhưng phải có lộ trình và cùng với đó phải xây dựng thuế bất động sản hợp lý .
Cần có lộ trình
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị lên một số cơ quan TƯ sửa đổi một số điều liên quan đến Luật Đất đai 2013. Trong đó, Hiệp hội kiến nghị bổ sung chủ thể cá nhân người nước ngoài là người sử dụng đất (có thời hạn tối đa không quá 50 năm) sau khi đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Đồng thời, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 105 Luật Đất đai đối tượng "cá nhân nước ngoài" thuộc diện UBND cấp tỉnh cấp sổ đỏ.
Tán thành với đề xuất này, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, xét về phương diện Nhà nước, kinh tế thị trường hiện đã toàn cầu hóa, người Việt Nam sang các nước mua bất động sản, đặc biệt bỏ tới 3 tỷ USD để mua nhà ở Mỹ. Chính vì thế, người nước ngoài đến mua bất động sản ở Việt Nam cũng là chuyện bình thường.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị cấp sổ đỏ cho cá nhân nước ngoài. Ảnh minh họa |
"Nếu có xảy ra chuyện gì họ cũng không thể xách về nước. Đất của Việt Nam thì vẫn ở Việt Nam, còn tiền, tài sản nay của người này mai chuyển người khác cũng là bình thường. Bớt ngăn sông cấm chợ đi thì thị trường càng phát triển", TS Phạm Sỹ Liêm bày tỏ.
Dù vậy, ông lưu ý, cũng như đối với trong nước, phải luôn đề phòng đầu cơ. Người nước ngoài mạnh tài chính hơn, có thể mua bất động sản găm lại cho giá lên cao, tạo ra tình trạng khan hiếm giả tạo để đầu cơ, nâng giá, do đó ban đầu, pháp luật Việt Nam cần đặt ra giới hạn để chống lại sự đầu cơ.
Trong khi đó, thể hiện một quan điểm khác, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, cho rằng, khi quan sát trên thế giới thì thấy nước Mỹ cho người dân khắp nơi trên thế giới mua nhà. Từ đây, có thể nhiều người nghĩ rằng Việt Nam cũng nên làm điều tương tự, tuy nhiên bản chất hai vấn đề lại khác nhau.
Ông phân tích: "Hiện nay, thuế bất động sản của Việt Nam rất thấp khiến người sở hữu nhà được lợi rất nhiều, ngân sách quốc gia và địa phương không có nguồn thu.
Trong khi đó, Mỹ lại rất muốn người nước ngoài mua nhà. Những năm khủng hoảng tài chính 2008-2009 chính giới nhà giàu của Trung Quốc và Nga đã cứu Mỹ bằng cách mua nhà. Đối với Mỹ, khi người dân trên thế giới mua nhà trên đất nước họ, không những tiền được đưa vào mà ngân sách địa phương hàng năm cũng có nguồn thu.
Thuế nhà tăng theo giá trị sử dụng của bất động sản đó, vì thế, chính quyền địa phương và quốc gia chỉ cần làm tốt vấn đề kinh tế làm cho bất động sản tăng thì hàng năm ngân sách địa phương và trung ương có nguồn thu đều đặn.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa làm được chuyện đó, mà lại bắt chước Mỹ cho người nước ngoài mua nhà, cuối cùng là lợi bất cập hại, giúp tăng giá trị bất động sản nhưng lại không giúp cho ngân sách trung ương và địa phương có thêm tiền thuế hàng năm. Ngược lại, nó làm cho những người dân thu nhập thấp ở địa phương càng xa vời với việc cạnh tranh mua nhà với người nước ngoài".
Cũng theo vị chuyên gia, những người đề xuất việc cấp sổ đỏ cho người nước ngoài chưa nhìn vấn đề tổng thể để giải quyết. Ông bày tỏ, việc nới rộng sở hữu nhà của người nước ngoài là đúng, theo thông lệ quốc tế nhưng phải có lộ trình và song song với đó phải xây dựng thuế bất động sản hợp lý như các nước phát triển, chẳng hạn như Mỹ.
"Tại sao Mỹ trải thảm cho người nước ngoài mua nhà, mua đất của họ mà Việt Nam phải lo? Do chia theo từng quyền lợi mà thu thuế, mà quyền lợi quốc gia chính là quyền thu thuế.
Ở nước ngoài có thể thấy doanh nghiệp này, diễn viên nọ mua cả một hòn đảo và khi kinh tế tăng lên thì Nhà nước cũng tăng thuế lên. Cuối cùng, Nhà nước không làm chủ nhưng vẫn thu thuế hàng năm, nói cách khác đó là chủ quyền thu thuế. Đây là n guồn thu đều đặn hàng năm của địa phương và trung ương.
Còn như TP.HCM hiện nay, việc xây dựng hạ tầng rất tốn ngân sách nhưng đối với bất động sản, Nhà nước không thu được hàng năm mà chỉ thu một cục, sau đó rơi vào tay chủ bất động sản", TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Luật phải rõ ràng
Trước ý kiến lo ngại về việc cấp sổ đỏ cho người nước ngoài khi thời gian qua, tại một số địa phương xảy ra tình trạng người nước ngoài mua đất ở những khu vực nhạy cảm, hai vị chuyên gia trấn an rằng việc này có thể kiểm soát được bằng các quy định rõ ràng của pháp luật.
TS Đinh Thế Hiển chỉ rõ, chỉ cần trong quy hoạch của Nhà nước quy định rõ khu vực nào không được bán, còn đất cả dân ai sở hữu cũng được, miễn là Nhà nước thu thuế.
"Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay người ta mua đất để đó, Nhà nước chẳng được lợi gì, cuối cùng mới khác biệt với nước ngoài", ông trăn trở.
Ngay cả việc lo ngại rằng nếu người nước ngoài được cấp sổ đỏ thì đây có thể là kẽ hở cho các đối tượng buôn bán bất động sản nước ngoài rửa tiền, trốn thuế, vị chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh, nếu người nước ngoài chuyển tiền bằng nguồn tiền rõ ràng thì không vấn đề gì, quan trọng quy định số tiền mua nhà như thế nào và Ngân hàng Nhà nước phải lo chuyện này.
TS Phạm Sỹ Liêm cũng bày tỏ trước lo ngại đối với các khu vực nhạy cảm: " Ở những khu vực quan trọng, nhạy cảm thì cần có chu vi bảo hộ, trong phạm vi ấy không người nước ngoài nào được mua bất động sản, mua đất. Cứ quy định rõ như thế thì mọi chuyện sẽ rõ ràng, rành mạch".
Ngày đăng: 16:19 | 07/08/2017
/ Thành Luân/baodatviet.vn