Trong thùng xe tải, cháu bé chấn thương sọ não thoi thóp trong tay điều dưỡng. Phía ngoài, bác sĩ đập tay vào ngực áo blouse trắng, van xin mọi người cho xe đi qua.

Trưa ngày 20/10, một bé trai 10 tuổi ở huyện Cẩm Xuyên, trong lúc chạy nước ngập bị ngã từ tầng hai xuống đất, tri giác hầu như không còn.

Người nhà bế bé trai đã ngất lịm chạy vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên cầu cứu. Lúc ấy Cẩm Xuyên là một trong những vùng rốn lũ ở Hà Tĩnh.

Bác sĩ Hồ Giang Nam, 44 tuổi, Trưởng Khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên, nói không thể quên ca cấp cứu trưa hôm ấy. "Trời mưa xối xả. Người cháu ướt đẫm nước mưa, máu rỉ ra từ đầu, hơi thở yếu, phản xạ tri giác gần như không còn".

Bác sĩ Nam cho hay, xác định tình trạng của bé rất nặng, bệnh viện huyện không đủ khả năng điều trị, kíp trực nhanh chóng đặt nội khí quản cho bé, bóp bóng hỗ trợ hô hấp và chuyển gấp đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Thế nhưng, đường đến bệnh viện tỉnh nhiều đoạn bị ngập sâu, xe cứu thương đã bị ngâm nước hơn hai ngày, chết máy. Các thuyền, ca nô cứu hộ lớn chưa thể đến ngay, thuyền nhỏ thì không đảm bảo di chuyển an toàn vì nước lũ chảy xiết.

"Không biết làm thế nào, chúng tôi đăng thông tin lên mạng xã hội, gọi điện khắp nơi cầu cứu, tìm bất kỳ phương tiện nào có thể đưa cháu đi viện tỉnh an toàn", bác sĩ Nam kể.

1901 11
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên đặt nội khí quản cho bệnh nhi trưa 20/10. Ảnh: Hoàng Thúy Anh.

Cuối cùng, các bác sĩ tìm được một chiếc xe tải ben gầm cao chuyên chở vật liệu xây dựng, có thể lội nước để thay xe cứu thương. Khi xe đến cổng bệnh viện huyện đón bệnh nhi, bác sĩ Nam cùng bốn điều dưỡng đưa bé lên cáng y tế, chuẩn bị khiêng ra xe. Một điều dưỡng chịu trách nhiệm bóp bóng thở liên tục, duy trì sự sống cho cháu bé, một người dùng ô che mưa. Cùng với người nhà, họ xếp hàng đôi, khiêng cáng lên vai, có lúc nâng cáng cao quá đầu để vượt qua mực nước lũ 1,5 m chảy xiết như sông ngay trước cửa bệnh viện.

Leo lên đến thùng xe, mặc kệ quần áo đã ướt sũng, hôi mùi nước thải và cơn mưa vẫn sầm sập, ê kíp tiếp tục hồi sinh, giữ huyết áp và mạch bệnh nhân ở mức tốt nhất có thể. Xe lăn bánh rất chậm.

Quãng đường giữa bệnh viện huyện đến bệnh viện tỉnh khoảng 15 km, xe chạy hơn một tiếng đồng hồ vẫn chưa đến nơi. Khi đến nội thành TP Hà Tĩnh, đường ngập nhẹ hơn, chiếc xe tăng tốc song bị nhiều người dân hai bên đường vây chặn, không cho đi. Họ sợ xe chạy nhanh tạo thành sóng nước đánh hỏng đồ đạc trong nhà. Trong lúc này, cháu bé rất nguy kịch.

"Làm ơn cho xe qua! Tôi là bác sĩ. Có cháu bé chấn thương sọ não cần đi cấp cứu", bác sĩ Nam 5-7 lượt đứng lên thùng xe, hét to.

Cả ê kíp vận chuyển cấp cứu gồm năm người khi đó đều cảm thấy "thực sự bất lực".

1902 12
Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên ngập nặng ngày 20/10, có nơi sâu 50 cm. Nhà chức trách chỉ cho xe khách và ôtô tải gầm cao đi qua. Ảnh: Lê Hoàng.

Bác sĩ Nam yêu cầu nhóm điều dưỡng tiếp tục trợ thở cho bé, còn mình đứng trên thùng xe, đập tay liên tục vào chiếc áo blouse trắng trên người, nói như van: "Làm ơn cho xe qua! Tôi là bác sĩ. Có cháu bé chấn thương sọ não. Cần đi cấp cứu. Làm ơn cho chúng tôi qua!".

Sau đó người dân rẽ sang hai bên nhường đường cho xe đi. Hơn hai km với 6-7 lần giải thích như vậy, kíp y bác sĩ bé cũng đến được bệnh viện tỉnh, đưa bé vào cấp cứu ngay.

Mặc dù vậy, do chấn thương quá nặng, cháu bé qua đời tối cùng ngày.

"Đối mặt với cái chết là điều không thể tránh khỏi khi làm nghề y. Nhưng giá như có thể tiếp cận và chuyển tuyến nhanh hơn, cháu bé biết đâu đã có cơ hội sống", bác sĩ Nam đến nay vẫn còn trăn trở với sự ra đi của bé.

Một điều khác khiến nhiều y, bác sĩ cảm thấy "xót xa không diễn tả nổi", là trong khi họ trực chiến ở bệnh viện, cố gắng hết sức đảm bảo an toàn cho người bệnh, thì cha mẹ họ ở nhà đang chống chọi với lũ dữ, chưa có người ứng cứu.

Chị Hoàng Thúy Anh, 53 tuổi, điều dưỡng trưởng khoa Ngoại, nhớ sáng 19/10, thời điểm hồ Kẻ Gỗ xả lũ trong hai giờ. Nhà mẹ đẻ chị ở xã Cẩm Quang, vùng hạ lưu hồ. Nước lên nhanh khủng khiếp, nhà ngập sâu 3 m, bị cô lập hoàn toàn.

Nhận được điện thoại cầu cứu của em dâu khi vừa chị hoàn thành ca mổ sản cấp cứu, điều dưỡng Thúy Anh nói: "Chưa bao giờ tôi thấy bất lực và xót xa như thế. Nghĩ đến cảnh mẹ già cùng con dâu và hai cháu nhỏ, ngồi thu lu trên nóc nhà, không đồ ăn, không áo ấm dưới trời mưa mịt mùng mà chảy nước mắt".

Chị Thúy Anh gọi điện thoại đến tất cả các đường dây cứu hộ trong huyện, nhằm kiếm một ai đó có thể giúp đưa gia đình đến nơi an toàn. Hàng trăm cuộc gọi không có hồi đáp tích cực. Nữ điều dưỡng đành đặt cược vào dòng tin trên Facebook trước lúc điện thoại hết pin: "Ai đi qua Cẩm Quang xin cho mẹ già 80 tuổi và hai cháu nhỏ mắc lụt vào thị trấn với ạ". Cuối cùng, sau hơn bốn giờ, một chiếc xe cẩu của người quen đã tới nhà ứng cứu an toàn.

Bác sĩ Nam cũng giống như điều dưỡng Thúy Anh, song may mắn hơn, tự "giải cứu" được bố mẹ sớm. Chiều 18/10, sau khi di chuyển bệnh nhân và trang thiết bị bệnh viện lên tầng hai, anh lội bộ từ bệnh viện về nhà cha mẹ cách đó một km. Ba người dìu nhau lội trong dòng nước cao ngang bụng, men theo quốc lộ 1A đến nhà anh trú ẩn trước khi nhà ông bà bị nước lũ nhấn chìm.

1904 13
Mẹ của điều dưỡng Thúy Anh dọn dẹp nhà sau lũ. Ảnh: Hoàng Thúy Anh.

Thư Anh

Lũ dâng nhanh trong đêm, người Quảng Trị lên mạng cầu cứu Lũ dâng nhanh trong đêm, người Quảng Trị lên mạng cầu cứu

Nước lũ dâng nhanh trong đêm khiến người dân Quảng Trị không kịp trở tay, đành phải lên mạng xã hội cầu cứu.

Nước lũ dâng tận nóc nhà, cuốn trôi một người phụ nữ ở Quảng Bình Nước lũ dâng tận nóc nhà, cuốn trôi một người phụ nữ ở Quảng Bình

Nước lũ ở Quảng Bình vẫn đang dâng cao, khiến hàng nghìn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, nhiều nơi ngập trên 2m.

Ngày đăng: 10:23 | 27/10/2020

/ vnexpress.net