Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh “Tham vọng khí hậu” diễn ra ngày 20-9 trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Khóa họp thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ để cảnh báo về hậu quả vô cùng nặng nề với toàn cầu nếu không đạt được mục tiêu khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng khí hậu diễn ra ở trụ sở Liên hợp quốc |
Biến đổi khí hậu có nguy cơ dẫn đến một thế giới bất ổn và nguy hiểm
Theo đó, người đứng đầu tổ chức Liên hợp quốc nhấn mạnh, “sức nóng khủng khiếp” và “các đám cháy lịch sử” của năm 2023 là điềm báo của một “kỷ nguyên nung nóng toàn cầu” với những hậu quả to lớn, “mở ra các cánh cửa địa ngục” của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Phát biểu mạnh mẽ của Tổng thư ký Antonio Guterres tại Hội nghị thượng đỉnh “Tham vọng khí hậu” trong bối cảnh thế giới đang phải trải qua năm 2023 được dự báo nóng kỷ lục từ trước tới nay khi nhiệt độ tăng vọt ở các đại dương trên thế giới với sự xuất hiện của điều kiện thời tiết El Nino. Đáng lo lắng hơn nữa, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) còn cho rằng, năm 2024 có thể còn nóng hơn khi hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino sẽ tác động mạnh nhất.
Nhiệt độ Trái đất nóng lên nhanh có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho môi trường sống trên hành tinh. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) ước tính, với tốc độ nóng lên hiện nay của Trái đất, mực nước biển trung bình toàn cầu có khả năng tăng từ 8-29cm vào năm 2030, trong đó các khu vực xích đạo phải hứng chịu nhiều nhất. Mực nước biển dâng cao được dự đoán lên tới 70cm vào năm 2070 tạo ra các hiện tượng thời tiết cực đoan từng xảy ra mỗi thế kỷ một lần có thể trở thành hiện tượng thường niên vào cuối thế kỷ này.
Nước biển dâng ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của khoảng 900 triệu người -tương đương với 1/10 người trên Trái đất - sống ở các vùng ven biển, khiến họ có nguy cơ mất nhà cửa do mực nước biển dâng cao và hậu quả khác của biến đổi khí hậu. Không ai có thể tránh khỏi một thảm họa tiềm ẩn khi các vùng đồng bằng sông màu mỡ ở lưu vực các con sông lớn trên thế giới như Mississippi, Nile - vựa lúa mỳ của thế giới, Mekong... đang chìm dần xuống.
Tổng thư ký Antonio Guterres nêu rõ, sức nóng khủng khiếp đang gây ra những hậu quả tàn khốc - những người nông dâng đau buồn chứng kiến mùa màng bị lũ lụt cuốn trôi, nhiệt độ tăng cao kéo theo dịch bệnh; hàng nghìn người phải sơ tán khi cháy rừng lịch sử hoành hành. Tuy nhiên, hành động vì khí hậu bị thu hẹp do thách thức ngày càng lớn.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cảnh báo nếu không thay đổi để ngăn chặn đà nóng lên của Trái đất, nhiệt độ thế giới có thể tăng tới 2,8 độ C và điều này có nguy cơ dẫn đến một thế giới bất ổn và nguy hiểm. Do đó, Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi thế giới cần hành động nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Đáng chú ý, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã chỉ ra nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến cuộc khủng hoảng khí hậu, đó là tốc độ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu tái tạo còn quá chậm. Chính vì vậy, theo ông Antonio Guterres, các quốc gia trên thế giới cần có cam kết tham vọng hơn về giảm phát thải nhà kính phù hợp với mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5°C, trong đó các nước phát thải nhiều cần đi đầu trong giảm phát thải khí nhà kính, các nước phát triển cần đạt phát thải ròng bằng “0” muộn nhất vào năm 2040 và các nền kinh tế lớn mới nổi là vào năm 2050. Các nước phát triển cần hỗ trợ các nước đang phát triển.
Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết về khí hậu
Hội nghị thượng đỉnh “Tham vọng khí hậu” diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Khóa họp thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc là một trong những sự kiện cấp cao cuối cùng về khí hậu của năm 2023, diễn ra chỉ 10 tuần trước Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đây cũng được xem là “thời khắc chính trị quan trọng” trước thềm COP28 với nỗ lực nhằm đạt mục tiêu khí hậu, kiềm chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công công nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh “Tham vọng khí hậu”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, tác động trực tiếp và gây tổn thất nặng nề đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và trực tiếp đối với an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân. Thủ tướng cho rằng, sự nổi giận của thiên nhiên với các sự cố, như sụt lún, sạt lở và hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng chính là lời cảnh báo, kêu gọi chúng ta cần khẩn trương hơn, hành động mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn nữa để hạn chế tối đa mức tăng nhiệt độ Trái đất.
Người đứng đầu Chính phủ nước ta nêu rõ, giải quyết biến đổi khí hậu phải có cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân, với những giải pháp đột phá, tổng thể, toàn diện, đổi mới, sáng tạo và kêu gọi cần khẩn trương hơn, hành động mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn nữa để hạn chế tối đa mức tăng nhiệt độ Trái đất. Từ đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới, hành động quyết liệt cho phát triển xanh, phát thải ròng bằng 0; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng và công lý; trong đó lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau; kêu gọi các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển về công nghệ xanh, tài chính xanh, quản lý xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh; xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và các hệ thống truyền tải điện thông minh… Thể hiện là thành viên tích cực, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong các vấn đề toàn cầu, trong đó có vấn đề chống biến đổi khí hậu - một trong những thách thức nghiêm trọng nhất hiện nay trên toàn cầu, Việt Nam tại COP26 đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tại hội nghị toàn cầu về khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam là một trong 30 nước nộp bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), là một trong 3 quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và đang cùng các đối tác quốc tế xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực để công bố tại COP28 với mong muốn đưa mô hình quan hệ đối tác này trở thành hình mẫu, góp phần thúc đẩy xu hướng chuyển đổi năng lượng công bằng trên toàn cầu. Người đứng đầu Chính phủ nước ta khẳng định, Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và với sự đồng hành, hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050.
https://www.anninhthudo.vn/cap-bach-chan-buoc-truot-dai-ve-muc-tieu-khi-hau-post552652.antd
Ngày đăng: 08:06 | 25/09/2023
Hoàng Tuấn / ANTD