(Tin tức thời sự) - “Pháp luật Việt Nam đã quy định rõ ràng về thầu chính-thầu phụ. Dự án có sai sót thì thầu chính phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư”.
Việc Công ty Posco Engineering & Construction Co.,Ltd (gọi tắt là Công ty Posco của Hàn Quốc – PV) là nhà thầu chính thực hiện gói thầu số A5 thuộc nguồn vốn WB dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi bán 100% gói thầu trị giá gần 1400 tỷ đồng cho nhà thầu phụ Việt Nam đang gây ra nhiều băn khoăn. Trao đổi với báo Đất Việt, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đưa ra một quan điểm tương đối độc lập.
PV: Thưa ông, việc Công ty Posco không trực tiếp thi công mà ký hợp đồng thuê nhiều thầu phụ Việt Nam thi công 100% các hạng mục công việc có đúng quy định hay không? Tại sao họ lại bán lại như vậy? Hậu quả của việc làm này là gì và phía nhà thầu phụ Việt Nam được hưởng bao nhiêu?
PGS.TS Trần Chủng: Trong quy định của pháp luật Việt Nam bao giờ cũng có nhà thầu chính và nhà thầu phụ, nên việc nhà thầu Hàn Quốc “bán” toàn bộ 100% giá trị xây lắp gói thầu số A5 có giá trị gần 1.400 tỷ đồng cho nhà thầu phụ Việt Nam là điều hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, quan hệ thầu chính - thầu phụ này phải tuân thủ quy định trong hồ sơ mời thầu, việc lựa chọn nhà thầu phụ như thế nào phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cụ thể, danh sách nhà thầu phụ phải được chủ đầu tư xem xét và chấp thuận, không thể có chuyện nhà thầu chính cứ ký hợp đồng rồi muốn đưa ai vào thì đưa.
PGS.TS Trần Chủng
Trong quá trình ký hợp đồng với nhà thầu phụ, nhà thầu chính phải thỏa thuận với nhà thầu phụ về đơn giá, phải kiểm tra xem đơn giá đó thế nào, liệu nhà thầu chính có ép nhà thầu phụ quá hay không? Nếu ép quá thì đương nhiên chất lượng công trình có vấn đề.
Đối với dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, phải xem các nhà thầu phụ đã được chủ đầu tư chấp thuận hay chưa và nhà thầu phụ có năng lực hay không, có phù hợp với yêu cầu của hợp đồng hay không.
Về nguyên tắc, hợp đồng kinh tế là văn bản pháp lý có giá trị tranh chấp cao nhất giữa chủ đầu tư và nhà thầu, nhà thầu chính phải là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng công trình, kể cả do nhà thầu phụ làm sai.
Vì thế, điều này đòi hỏi nhà thầu chính phải có biện pháp giám sát, còn khi nhà thầu phụ làm sai, đương nhiên nhà thầu phụ phải đền. Nhưng như đã nói, chủ đầu tư trước hết sẽ bắt nhà thầu chính phải đền. Còn nhà thầu chính bắt đền nhà thầu phụ thế nào là việc của họ. Thường là sai đến đâu thì phải bồi thường đến đấy.
PV: Đáng lưu ý, việc nhà thầu Hàn Quốc “bán” hết gói thầu số A5 cho nhà thầu phụ khi chưa được phê chuẩn của chủ đầu tư và Bộ GTVT đã phát hiện việc này từ lâu nhưng không xử lý triệt để. Ai là người phải chịu trách nhiệm khi sai sót xảy ra?
PGS.TS Trần Chủng: Về thông tin này, chúng ta có quyền đặt câu hỏi: Chủ đầu tư tồn tại để làm gì? Tại sao biết nhà thầu chính bán thầu khi chưa xin phép mà không dừng lại? Như vậy, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trong việc này.
Đối với bất kỳ công trình nào, pháp luật đã quy định, công trình kém chất lượng thì chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm chính về việc kém chất lượng ấy. Thông qua hợp đồng kinh tế, sẽ xác định ai là người có lỗi, từ đó yêu cầu đền bù thiệt hại.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, lẽ ra khi phát hiện vi phạm thì phải có biện pháp can thiệp, ngăn chặn.
PV: Thực tế, trong các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, chuyện nhà thầu nước ngoài sau khi trúng các gói thầu ngành GTVT (thường là doanh nghiệp của nước tài trợ) liền thuê lại thầu phụ là các nhà thầu Việt Nam không phải là chuyện hiếm và các nước nhận ODA, trong đó có Việt Nam đều biết song phải chấp nhận. Đây có thể coi là mặt trái của đồng vốn ODA không thưa ông? Ai là người được lợi từ việc này? Mặt trái ấy khiến Việt Nam phải chịu thiệt ra sao, thưa ông?
PGS.TS Trần Chủng: Theo các hiệp định vay ODA, vay vốn ưu đãi ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia khác, khi sử dụng vốn vay của chính phủ nước nào thì doanh nghiệp nước đó mặc nhiên có lợi thế làm tổng thầu. Nhưng quy định của Việt Nam cũng nêu rõ, tổng thầu phải liên doanh, liên kết với nhà thầu Việt Nam, sử dụng đối tác phía Việt Nam làm thầu phụ chứ không phải thuê bất kỳ thầu phụ nước ngoài nào vào làm dự án tại Việt Nam cũng được.
Nhiều người thắc mắc rằng, tại sao nhà thầu Việt Nam cứ mãi là thầu phụ? Không hẳn là vì nhà thầu Việt Nam kém, có nhiều nhà thầu Việt Nam có năng lực, nhưng do quy định của các hiệp định đã ký kết, doanh nghiệp của nước cho vay đương nhiên có quyền làm tổng thầu.
Luật pháp Việt Nam thường có câu: khi những quy định trong luật này trái với cam kết quốc tế thì phải tuân theo cam kết quốc tế. Hiệp định là sự cam kết của Việt Nam với quốc tế, đương nhiên có hiệu lực hơn pháp luật Việt Nam.
Cao tốc 34.000 tỷ được sửa chữa \'đạt yêu cầu về độ bằng phẳng\'
Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bắt đầu bị thanh tra từ hôm nay, ngay sau khi hoàn tất việc sửa chữa ... |
Chính thức thanh tra cao tốc 34.500 tỷ Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Bộ GTVT tiến hành thanh tra việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Thời kỳ thanh ... |
Tai nạn kinh hoàng giữa xe khách Phương Trang và xe 4 chỗ trên cao tốc
Vụ tai nạn xảy ra giữa xe ô tô 4 chỗ và xe khách Phương Trang trên cao tốc TP.HCM-Trung Lương, khiến nhiều người hoảng ... |
Ngày đăng: 09:22 | 19/10/2018
/ http://baodatviet.vn