Chỉ trong vòng 1 tháng, đã có gần 20 trẻ nhập viện vì viêm não, nhiều trẻ chịu di chứng nặng nề, mất ý thức hoàn toàn.

Mùa hè, đặc biệt thời điểm từ tháng 5 - 8 là mùa cao điểm của viêm não ở trẻ em. TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ cho biết, trong 1 tháng qua, khoa đã tiếp nhận gần 20 trường hợp viêm não, chủ yếu là viêm não Nhật Bản.

Theo BS Hải, với các trẻ mắc viêm não, nặng nhất là tử vong, còn lại hầu hết đều để lại di chứng rất nặng nề như di chứng vận động, thần kinh, hô hấp..., có trẻ phải sống nhờ máy móc suốt đời.

cao diem viem nao dau hieu som de tre khong tu vong song thuc vat
Trường hợp mất ý thức, phải thở máy do viêm não Nhật Bản đang điều trị tại BV Nhi TƯ

Điển hình như trường hợp bé trai 13 tuổi ở Thanh Hoá, được chuyển đến BV Nhi TƯ cấp cứu trong tình trạng li bì, hôn mê sau 3 ngày sốt cao liên tiếp, đau đầu nhiều. Khi đến viện, cháu bé đã rơi vào tình trạng mất ý thức hoàn toàn, không thể tự thở.

Đến nay sau gần 1 tháng điều trị, bệnh nhi vẫn phải thở máy đồng thời mở nội khí quản, ý thức không phục hồi. Tiên lượng hồi phục rất thấp.

Đáng lưu ý, hầu hết các trường hợp bị viêm não ở trẻ đều do chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ nên cơ thể không có miễn dịch.

Theo thống kê của BV Nhi TƯ, viêm não thường do virus (chiếm 60%), phổ biến nhất là virus viêm não Nhật Bản, Herpes, virus EV gây bệnh tay chân miệng... Tác nhân gây bệnh thường tấn công trực diện vào nhu mô não, tỉ lệ tử vong từ 10-15% và 35-45% để lại các di chứng về thần kinh, vận động.

Trẻ cũng có thể mắc viêm não thứ phát sau khi mắc các bệnh như cúm, sởi, thuỷ đậu quai bị... do virus biến thể, gây viêm não, thường sau 1-2 tuần.

Dấu hiệu sớm của viêm não

ThS.BS Đào Hữu Nam, Phụ trách đơn nguyên Hồi sức tích cực, Trung tâm y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi TƯ cho biết, ở giai đoạn muộn, viêm não thường có các triệu chứng thần kinh như lờ đờ, kích thích vật vã, co giật, hôn mê...

Tuy nhiên có những dấu hiệu sớm báo hiệu viêm não ở trẻ, cha mẹ cần chú ý. Nếu sốt cao uống hạ sốt không đỡ, trẻ kèm thêm đau đầu, mệt, buồn nôn và nôn, kích thích, thay đổi ý thức nhẹ cần đưa vào viện ngay.

Với viêm não do virus tay chân miệng, trẻ có thể xuất hiện các bọng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hay các chấm hoại tử.

BS Nam lưu ý, cha mẹ không nên cố giữ trẻ ở nhà điều trị dẫn đến hôn mê, co giật mới đưa đến viện, lúc đó đã ở giai đoạn muộn, dễ để lại di chứng nặng nề.

Hiện nay, điều trị viêm não khó khăn, do chủ yếu điều trị triệu chứng, bệnh nhân đến muộn thường bị phù não nặng.

Với trẻ sơ sinh, việc chẩn đoán viêm não sẽ khó khăn hơn, do các biểu hiện ban đầu đôi khi trùng với biểu hiện của các bệnh đường hô hấp, nhiễm trùng. Đo đó để xác định, bác sĩ sẽ phải chọc dịch não tuỷ để xét nghiệm.

Muỗi là một trong những “thủ phạm”

Theo BS Hải, virus viêm não Nhật Bản thường ở trong những con vật gần gũi với con người như lợn, trâu, bò. Ví dụ như lợn ở Hà Nam vào mùa bệnh khi xét nghiệm có tới 15-20% mang virus viêm não Nhật Bản, nhưng lợn lại không mắc bệnh mà chỉ mang virus, đến khi muỗi đốt lợn xong quay lại đốt người thì virus đó sẽ truyền sang người và mắc bệnh. Muỗi chính là vật trung gian lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản.

cao diem viem nao dau hieu som de tre khong tu vong song thuc vat
BS Đỗ Thiện Hải

Do đó, để phòng bệnh các gia đình cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chiều tối đề phòng muỗi đốt.

Hiện nay, vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản đã có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tuy nhiên rất nhiều phụ huynh quên lịch hoặc không tiêm nhắc lại cho con. Nếi tỉ lệ bảo vệ của vắc xin xuống còn 60-70%, trẻ rất dễ mắc bệnh. Bằng chứng, tỉ lệ trẻ bị viêm não ở độ tuổi trên 5 tuổi cao hơn nhiều so với lứa 2-3 tuổi do cha mẹ không tiêm nhắc lại vắc xin cho con.

Theo đúng lịch, tiêm mũi 1 vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản khi trẻ 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi thứ hai 1 năm.

Sau mũi 3 từ 5-7 năm, nồng độ kháng thể bảo vệ đã giảm, đồng nghĩa nguy cơ mắc bệnh tăng lên, do vậy, sau mũi thứ 3, định kỳ 3-4 năm, cha mẹ cần tiêm nhắc lại cho con cho đến khi đủ 15 tuổi.

Thúy Hạnh

cao diem viem nao dau hieu som de tre khong tu vong song thuc vat Cảnh giác bệnh viêm não Nhật Bản tấn công trẻ nhỏ vào mùa hè

Hai bệnh nhi bị viêm não nặng, bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương chưa thể đánh giá nguy cơ biến chứng về thần kinh, ...

Ngày đăng: 09:00 | 21/06/2019

/ Vietnamnet