Việc Đại học Sư phạm TP.HCM đưa ra quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao đối với các ngành đào tạo giáo viên là bình thường.
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM vừa thông báo chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển dự kiến từng ngành trong năm 2019.
Theo đó, thí sinh nam phải cao từ 1m55, nữ từ 1m50 trở lên mới được đăng ký xét tuyển các ngành đào tạo giáo viên của trường này.
Riêng ngành giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1m65 và nặng 50kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1m55, nặng 45kg trở lên
Thông tin trên được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có nhiều ý kiến phản đối.
Trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng, việc Đại học Sư phạm TP.HCM đưa ra quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao đối với các ngành đào tạo giáo viên là điều hết sức bình thường.
Theo GS Phố, tại một số quốc gia, khi xét tuyển vào ngành sư phạm vẫn đặt ra những đòi hỏi về thể hình, để người thầy không bị học sinh bắt nạt.
Trong phương án tuyển sinh dự kiến năm 2019, Trường đại học sư phạm TP.HCM có quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên. Ảnh minh họa
"Thường thầy giáo, cô giáo dáng người nhỏ bé quá lại không giỏi thì dễ bị học sinh bắt nạt nên tại một số nước cũng đòi hỏi về thể hình như vậy.
Đại học Sư phạm TP.HCM đưa ra quy định về chiều cao tối thiểu là không phạm luật, trường chỉ yêu cầu người giáo viên phải hoàn thiện cả về thể chất, thể hình và trí thức", GS.TSKH Phạm Phố nói.
Vị nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn nói thêm, một số ngành khác cũng thường đặt ra yêu cầu về thể lực. Chẳng hạn, ngành luyện kim, kỹ sư hóa, kỹ sư xây dựng... thường có yêu cầu đặc thù khi xét tuyển thí sinh.
Trong khi đó, cũng cho ý kiến về việc Đại học Sư phạm TP.HCM đưa ra quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao đối với các ngành đào tạo giáo viên, Luật sư Đỗ Hải Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật không cấm trường hợp này.
"Một số ngành khác như ngành công an cũng có yêu cầu đặc thù. Và dù pháp luật không cấm, nhưng theo quan điểm cá nhân, tôi thấy việc đưa ra quy định như vậy là không phù hợp với thực tế", Luật sư Bình nói.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), khẳng định trong điều kiện tự chủ, quy chế tuyển sinh cho phép các trường được yêu cầu sơ tuyển và thí sinh phải đạt yêu cầu sơ tuyển của trường.
Trả lời trên báo Thanh niên, bà Phụng cho biết, các quy định của trường do trường xác định và chịu trách nhiệm giải trình, để xây dựng chính sách chất lượng, nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên và xây dựng thương hiệu của trường nhưng phải đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh, không được thể hiện chính sách phân biệt đối xử và nên giải trình rõ để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
“Chúng tôi khuyến khích trường quy định các yêu cầu, điều kiện riêng để hướng tới việc lựa chọn thí sinh giỏi, tâm huyết với nghề, có khả năng sư phạm... để nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô giáo”, bà Phụng nói.
Về quy định cụ thể của Đại học Sư phạm TP.HCM, bà Phụng chia sẻ: “Bộ GD-ĐT quản lý nhà nước dựa vào các nguyên tắc và các vấn đề có tính vĩ mô để đảm bảo tự chủ cho các trường. Trường tự chủ, có trách nhiệm giải trình, đúng sai phải có căn cứ pháp lý, không đánh giá đúng sai bằng quyết định cá nhân”.
Bản tin của Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam) ngày 13/2 dẫn lời đại diện trường Đại học Sư phạm TP.HCM khẳng định: Đây không phải là tiêu chuẩn mới của ngành giáo dục mà chỉ là quy định trong đề án tuyển sinh của trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Trong đó, chiều cao là vấn đề chi tiết nằm trong những yêu cầu về sức khỏe của đề án tổng thể với rất nhiều yêu cầu về phẩm chất, năng lực khác.
Đại học Trung Quốc không cấp bằng cho sinh viên sư phạm dưới 1m50
Ước mơ của nhiều sinh viên sư phạm tan vỡ trước giới hạn chiều cao mà các tỉnh Trung Quốc đặt ra. Nhiều người giận ... |
Ngày đăng: 16:26 | 14/02/2019
/ http://baodatviet.vn