Camera sẽ tự động bật khi người dùng rút súng và tắt khi tra súng vào bao.
Năm 2014-2015, một số đơn vị cảnh sát các nơi trên thế giới từng trang bị loại camera gắn trên cơ thể để tăng cường tính minh bạch khi cảnh sát tiếp xúc công dân. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng, camera này bộc lộ một số nhược điểm.
Đơn cử, ống kính máy quay có thể bị tay người dùng, tường, hoặc các vật khác chắn mất tầm nhìn. Điển hình, trong vụ cảnh sát Mỹ bắn chết Miguel Richards, một công dân thành phố New York vào tháng 9/2017, nhà chức trách rất khó xác định trách nhiệm và lỗi của các bên. Ngoài ra, cảnh sát cũng có thể quên không bật camera.
Để khắc phục nhược điểm ấy, Mỹ đang thử nghiệm loại camera mới có thể lắp đặt trực tiếp bên dưới mũi súng của cảnh sát. Một số mẫu còn được trang bị đèn pin, giúp cảnh sát không phải một tay cầm súng, một tay soi đèn.
Camera gắn mũi súng được trang bị cả đèn pin. Ảnh minh họa: KSTP/Beth McDonough.
Theo AP News, camera gắn mũi súng sẽ tự động bật khi người dùng rút súng và tắt khi tra súng vào bao. Khi được kích hoạt, máy quay sẽ ghi lại toàn bộ hình ảnh và âm thanh của sự kiện xảy ra trước họng súng mà không bị che khuất tầm nhìn. Ngoài ra, vì không ghi hình mọi lúc mọi nơi nên loại camera này giúp giảm được chi phí lưu trữ dữ liệu ghi hình (vốn có thể lên tới hàng chục nghìn USD/năm đối với phòng cảnh sát quy mô vừa và hàng trăm ngàn USD/năm với phòng cảnh sát quy mô lớn).
Khác với camera gắn cơ thể, người dùng camera gắn trên súng sẽ không phải lo về việc bật và cũng không thể tự ý tắt thiết bị, giúp đảm bảo sự thông suốt của hành động trong tình huống nguy cấp và tính minh bạch của sự việc. Bên cạnh đó, một số loại camera gắn mũi súng có hỗ trợ wifi và bluetooth kết nối với phần mềm điện thoại, giúp gửi thông báo về trụ sở và đồng nghiệp gần đó yêu cầu hỗ trợ ngay khi súng được rút khỏi vỏ.
Một chiếc camera gắn mũi súng có giá khoảng 500 USD, tương đương giá của camera gắn cơ thể, và đang được tiếp tục hoàn thiện.
Cảnh sát cầm súng có gắn camera.
Tuy vậy, có một số ý kiến cho rằng loại camera gắn trên mũi súng chỉ có tác dụng bổ sung, không thể thay thế camera gắn cơ thể. Bởi việc mà người dân thường phàn nàn nhất là về cảnh sát sử dụng vũ lực thừa thãi, bắt bớ nhầm, hoặc có cách hành xử thiếu chuyên nghiệp. Trong những trường hợp đó, cảnh sát hiếm khi rút súng nên lợi ích của camera gắn mũi súng trong việc đảm bảo tính minh bạch chưa được cao.
Cảnh sát Mỹ dùng đòn tâm lý khi hỏi cung như thế nào?
Căn phòng thẩm vấn thường chật hẹp, không có gì trên tường để khiến nghi phạm bất an, thấy phụ thuộc. |
Cảnh sát Mỹ in thông tin vụ án lên lá bài tây để tìm thủ phạm
Nhà tù phát cho phạm nhân bộ bài in hình nạn nhân bị sát hại với hy vọng tìm manh mối về những vụ án ... |
Nghi vấn cảnh sát Mỹ vào nhầm nhà, bắn chết dân thường
Vụ việc xảy ra tại một khu chung cư phía nam thành phố Dallas, danh tính của cảnh sát trên chưa được tiết lộ nhưng ... |
Ngày đăng: 09:57 | 18/11/2018
/ https://vnexpress.net