Căn phòng thẩm vấn thường chật hẹp, không có gì trên tường để khiến nghi phạm bất an, thấy phụ thuộc.
Vào thập niên 1940-1950, John E. Reid, chuyên gia máy phát hiện nói dối, đã xây dựng bộ phương pháp chuyên dụng để trích xuất thông tin từ những nghiphạm không hợp tác, nhằm thay thế biện pháp tra khảo bằng vũ lực còn phổ biến thời bấy giờ. Phương pháp này đang được áp dụng rộng rãi trên hầu khắp nước Mỹ cho tới ngày nay.
Theo Reid, áp dụng phương pháp này, cảnh sát sẽ thực hiện cuộc phỏng vấn ban đầu để đoán biết nghi phạm vô tội hay có tội. Ở bước này, người hỏi sẽ tạo dựng mối quan hệ thân thiết với nghi phạm qua các câu chuyện phiếm và môi trường giao tiếp thoải mái. Một khi đã nói chuyện với người thẩm vấn về những điều vô hại, nghi phạm sẽ mất cảnh giác và khó nói dối hơn khi câu chuyện quay sang chủ đề tội phạm.
Phòng thẩm vấn thường nhỏ và hẹp gây cảm giác ngột ngạt. Ảnh: New York Times.
Sau khi có được phán đoán ban đầu, nghi phạm được cảnh sát mời vào phòng thẩm vấn. Căn phòng có thiết kế khiến nghi phạm cảm thấy trơ trọi và bất an. Trong cuốn "Sổ tay hướng dẫn thẩm vấn và lấy lời thú tội", John Reid khuyến khích dùng phòng nhỏ cách âm, chỉ có 2-3 ghế, một bàn và không có gì trên tường. Ghế ngồi cần được để cách xa tầm với công tắc hoặc điều khiển các loại để khiến nghi phạm cảm thấy bị phụ thuộc.
Sau đó, cảnh sát thẩm vấn theo quy trình 9 bước sau:
1. Đối mặt trực tiếp: Người thẩm vấn thuật qua về vụ việc và tiết lộ bằng chứng bất lợi cho nghi can. Bằng chứng có thể là thật hoặc giả, nhưng người thẩm vấn cần truyền đạt thông tin với phong thái tự tin. Điều này làm cho nghi can căng thẳng, thể hiện qua cử chỉ sờ tóc, liếm môi, khoanh tay... Nghi can càng căng thẳng thường có nghĩa là người thẩm vấn đang đi đúng hướng.
Ví dụ: Cảnh sát có thể bắt đầu bằng câu: “Ông A, kết quả điều tra cho thấy ông là người đã phóng hỏa nhà máy. Để tôi thuật lại diễn biến từ đầu cho ông xem có đúng không nhé”.
2. Phát triển giả thuyết: Người thẩm vấn phát triển giả thuyết để tìm hiểu lý do nghi phạm phạm tội. Câu chuyện người thẩm vấn đang kể có khiến nghi phạm tập trung lắng nghe hoặc gật đầu hay không? Nếu không, cảnh sát cần tạo dựng giả thuyết mới, nếu đúng người thẩm vấn sẽ tiếp tục xây dựng giả thuyết đó. Giả thuyết cần khiến nghi phạm thấy hành động vốn sai trái của mình là có lý do chính đáng hoặc dễ được thông cảm.
Ví dụ: “Tôi nghĩ ông không cố tình gây hỏa hoạn mà chẳng qua là lúc hút thuốc trong nhà máy, tàn thuốc lỡ rơi xuống và bắt cháy”.
3. Không để nghi phạm chối tội: Người thẩm vấn cần ngắt lời khi nghi phạm cố chối tội và điều này sẽ làm cho nghi phạm mất tự tin.
4. Vượt qua sự phủ nhận: Một khi người thẩm vấn đã phát triển được giả thuyết đúng nhất với nghi phạm, nghi phạm có thể sẽ đưa ra lý do hợp logic để phủ nhận tội lỗi, thay vì chỉ là câu chối tội đơn thuần. Người thẩm vấn không nên bác bỏ lý do của nghi phạm mà dùng nó để tiếp tục phát triển giả thuyết.
Ví dụ: Nếu nghi phạm phủ nhận: “Làm sao tôi có thể phóng hỏa nhà máy được, tôi rất cẩn thận cơ mà”. Người thẩm vấn có thể nói “Ông là người cẩn thận nên tôi nghĩ sự việc lần này là sự chẳng may mà thôi, không phải do ông cố ý”.
5. Chân thành: Tới đây, nghi phạm sẽ bực bội hoặc không còn tin vào bản thân và thường muốn tìm người giúp đỡ thoát khỏi tình huống ấy. Tại thời điểm này, người thẩm vấn cần đóng vai là đồng minh của nghi phạm, thông qua hành động như chạm vào vai hoặc vỗ nhẹ vào lưng để kêu gọi nhận tội.
6. Ý chí nghi phạm lung lay: Nếu ngôn ngữ cơ thể của nghi phạm có biểu hiện đầu hàng (ví dụ: dùng tay ôm đầu, vai khúm rúm, trầm lặng...), người thẩm vấn cần dẫn dắt đi tới bước thú tội, thể hiện sự cảm thông và nhấn mạnh “vì lợi ích của mọi người liên quan”, “gánh nặng của gia đình nạn nhân” để khuyến khích nghi phạm nói thật.
7. Chọn lựa: Đưa ra hai động cơ phạm tội để nghi phạm chọn lựa, một động cơ rất đáng lên án, một động cơ được chấp nhận hơn và “giữ thể diện” cho nghi phạm, ví dụ: “giết người vì bị phản bội” và “giết người vì tiền”. Gia tăng độ tương phản giữa hai lựa chọn tới khi nghi phạm chọn một trong hai, nhưng chọn động cơ nào cũng đều là nhận tội.
8. Để nghi phạm nói: Thời điểm nghi phạm chọn một trong hai động cơ cũng là lúc lời thú tội bắt đầu. Người thẩm vấn có thể mời thêm người thẩm vấn thứ hai để tăng độ stress, khiến nghi phạm bỏ cuộc và phải khai báo tường tận sự thật.
9. Lời thú tội: Ghi lại lời thú tội của nghi phạm dưới sự chứng kiến của nhân chứng hoặc dưới dạng ghi âm, ghi hình và văn bản.
Phương pháp Reid rất hiệu quả trong việc buộc kẻ có tội khai nhận hành vi phạm tội, nhưng nó cũng có khả năng khiến người vô tội nhận tội vì sức ép tâm lý rất lớn. John Reid khuyến cáo, cảnh sát chỉ nên thẩm vấn những nghi phạm mà cảnh sát khá chắc chắn đã thực hiện tội phạm. Nhưng trong thực tế có nhiều trường hợp người vô tội nhận tội vì phương pháp này bị lạm dụng.
Theo Innocence Project, khi công nghệ DNA mới được áp dụng vào khoa học pháp y, khoảng 1/3 trong số 337 người được giải oan nhờ công nghệ này cho biết đã nhận tội do phương pháp thẩm vấn Reid. Đặc biệt trong đó có Darrel Parker, người bị chính cha đẻ của phương pháp Reid thẩm vấn và nhận tội giết vợ vào năm 1955.
Vào tháng 6/1956, Darrel Parker bị kết án chung thân, dù luôn khẳng định bị bức cung. 33 năm sau, lời thú tội của kẻ thủ ác thật sự được tiết lộ. Trong thời gian chờ thi hành án, tử tù tên Wesley Peery thú tội với luật sư đại diện rằng đã giết vợ của Darrel Parker, nhưng chỉ cho phép công khai sau khi hắn ta chết.
Sau khi được trả tự do vào năm 1988, Darrel Parker khởi kiện bang Nebraska và được bồi thường 500.000 USD.
Ngày 6/3/2017, Zulawski & Associates – công ty tư vấn từng huấn luyện hàng trăm nghìn cảnh sát trên khắp nước Mỹ từ 1984 – tuyên bố sẽ ngưng đào tạo phương pháp Reid vì có nguy cơ cho ra lời thú tội sai. “Phương pháp này không hề được thay đổi từ thập niên 1970, nó không phản ánh được những biến chuyển trong hệ thống tư pháp Mỹ”, người đại diện công ty phát biểu.
Một phương pháp thẩm vấn khác có tên là P.E.A.C.E được nghiên cứu và áp dụng ở Anh từ 1984, sau đó được áp dụng ở Newfoundland, Thụy Điển và New Zealand. Người thẩm vấn sử dụng phương pháp này thường cho phép nghi phạm trình bày diễn biến vụ việc sau đó mới quay lại xoáy vào những chỗ sơ hở, tìm ra điểm mâu thuẫn và xác minh tội phạm. Người ta cho rằng dối trá sẽ tạo áp lực về tư duy, nghi phạm càng dối trá thì áp lực đó càng lớn. Nếu người thẩm vấn không ngừng lật lại vấn đề, nghi phạm tới cuối cùng sẽ phải “lộ đuôi chuột”.
Ghi âm, ghi hình khi hỏi cung có chấm dứt oan sai?
Các vụ án oan, sai, điển hình như vụ án oan gây chấn động dư luận thời gian trước của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc ... |
Công an hỏi cung và ghi lời khai phải có ghi âm, ghi hình
Thông tư liên tịch quy định cán bộ hỏi cung bị can hay ghi lời khai người liên quan phải có ghi âm, ghi hình ... |
Ngày đăng: 14:03 | 23/10/2018
/ https://vnexpress.net