Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa đưa ra cảnh báo về một số vụ việc liên quan đến lừa đảo mạo danh diễn ra trong tuần qua.

Theo Cục An toàn thông tin, trong bối cảnh hình thức lừa đảo này đang tiếp tục lan rộng, các đối tượng lừa đảo mạo danh liên tục thay đổi kịch bản, thao túng tâm lý người dùng thì người dân cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác, tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh.

Cảnh báo thủ đoạn giả danh nhân viên gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc để lừa đảo -0
Thủ đoạn lừa đảo mạo danh trên mạng liên tục biến hóa, người dân cần  cảnh giác. Ảnh minh họa

Theo Cục An toàn thông tin, bằng thủ đoạn giả danh nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trong tuần qua, một nạn nhân nữ ở Bình Phước đã bị mất hơn 1 tỷ đồng. Theo lời kể của nạn nhân, chị đã nhận được lời mời kết bạn và nhắn tin làm quen từ một tài khoản Facebook tên là "Yadni Bentos". Sau khi người này đồng ý, quá trình trò chuyện, đối tượng cho biết hiện đang làm nhân viên cho Chính phủ Mỹ tham gia gìn giữ hòa bình ở Syria, có bố ruột là người Việt Nam nhưng đã mất. Đồng thời, đối tượng lừa đảo cũng cho biết bố mình trước khi chết có để lại số tiền 600.000 USD, tin tưởng nạn nhân nên đối tượng sẽ gửi số tiền được bố để lại về Việt Nam cho chị đầu tư.

Để tạo lòng tin, đối tượng chụp hình hộp tiền và giấy xác nhận gửi hàng về Việt Nam cho nạn nhân. Vài ngày sau đó, người phụ nữ này nhận được một cuộc điện thoại tự xưng nhân viên công ty giao hàng nói chị phải đóng phí thông hải quan với số tiền 52 triệu đồng để nhận thùng hàng được gửi từ nước ngoài, người phụ nữ này đã chuyển khoản cho đối tượng 52 triệu đồng.

Sau đó, đối tượng tiếp tục điện thoại nói phải đóng thuế hải quan với số tiền 130 triệu đồng. Do lo sợ bị mất số tiền trong thùng hàng, người phụ nữ này đã liên tiếp làm theo yêu cầu của đối tượng, chuyển khoản số tiền hơn 1 tỷ đồng để hoàn thành thủ tục xin giấy xác nhận và bảo hiểm lô hàng. Qua nhiều lần nhận được các cuộc điện thoại yêu cầu chuyển tiền từ đối tượng, nạn nhân mới nghi ngờ mình bị lừa đảo và trình báo với cơ quan Công an.

Cục An toàn thông tin cũng cho biết, dù thủ đoạn giả cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải mới song trong thời gian qua, nhiều người dân vẫn mất cảnh giác, sập bẫy các đối tượng lừa đảo. Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội hiện đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Công an phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, đơn vị vừa tiếp nhận tin trình báo của bà N (SN 1953, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) về việc bị chiếm đoạt tài sản. Bà N cho biết đã nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng thông báo bà có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền đồng thời yêu cầu bà cung cấp tài khoản ngân hàng để chứng minh không liên quan. Do lo sợ nên bà N đã chuyển 1,1 tỷ đồng vào tài khoản của các đối tượng để xác minh. Sau đó, bà N biết mình bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Cũng với thủ đoạn giả danh giáo viên dạy lái xe ôtô, một thanh niên ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã lên mạng xã hội đăng tải thông báo nhận làm hồ sơ thi, nâng hạng giấy phép lái xe ôtô, rồi lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của nhiều nạn nhân.

Để lừa những người có nhu cầu học, thi nâng hạng giấy phép lái xe ôtô, đối tượng đã tự giới thiệu là thầy dạy lái xe của một trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe ôtô, đồng thời đăng tải nội dung nhận làm hồ sơ thi lấy giấy phép lái xe ô tô, thi nâng hạng giấy phép, phục hồi giấy phép lái xe ôtô.

Tại đây, đối tượng nói rằng nếu đăng ký làm hồ sơ thi bằng lái xe ô tô, nâng hạng thì không phải thi phần lý thuyết, chỉ cần thi phần sát hạch và sẽ được đối tượng bao lo toàn bộ. Do tin tưởng đối tượng, nhiều người dân đã liên hệ để làm hồ sơ thi bằng lái xe ô tô, nâng hạng bằng lái và đã chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng lên tới hàng trăm triệu đồng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết: Lừa đảo mạo danh là một trong những phương thức tiếp cận nạn nhân khá phổ biến. Các đối tượng lừa đảo thường áp dụng các thủ đoạn tác động tâm lý để tiếp cận nạn nhân như: Tự nhận, giả mạo là cơ quan công quyền như Công an, viện kiểm sát, đang làm việc tại các bộ, ngành; đơn vị cung cấp dịch vụ; gia đình bạn bè… để đánh vào nỗi sợ hãi, lòng tham, tình cảm, tính chủ quan của nạn nhân.

Điều đáng nói, đối tượng lừa đảo thường nhắm vào sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để ra tay lừa đảo, sử dụng các cách thức đe dọa, áp lực tâm lý như khống chế, hăm dọa hay những lời mời chào hấp dẫn. Đối tượng thường tạo áp lực thời gian cho nạn nhân, tuyên bố rằng hành động phải được thực hiện ngay lập tức, đồng thời cố gắng thuyết phục nạn nhân rằng không có thời gian để suy nghĩ hay tham khảo người khác. Vì thế, để đối phó với các đối tượng lừa đảo qua điện thoại thì trước hết người dân cần phải trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết nhằm phòng tránh lừa đảo trực tuyến một cách hiệu quả…

Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Phú Lương, trước thực trạng hàng loạt đối tượng ngang nhiên mạo danh các đơn vị chức năng để lừa đảo, bên cạnh việc cảnh báo, khuyến cáo và tuyên truyền đến người dân, Bộ TT&TT cũng đã tiến hành chỉ đạo triển khai cấp tên định danh (Voice Brandname) cho số điện thoại là số đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định trên toàn quốc.

Đồng thời, Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao; chủ động rà soát, nâng cao năng lực hệ thống chặn lọc tin nhắn, cuộc gọi rác; phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an để rà quét các tài khoản mạng xã hội mạo danh các đơn vị chức năng nhằm lừa đảo công dân Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng sẽ tập trung vào các giải pháp quản lý xác thực người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại, tăng cường rà soát thông tin trên không gian mạng. Trong đó, việc trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 72 năm 2013 và một số chính sách khác được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong công tác quản lý không gian mạng cũng như phòng, chống lừa đảo trực tuyến, trong đó có lừa đảo mạo danh. 

https://cand.com.vn/Cong-nghe/canh-bao-thu-doan-gia-danh-nhan-vien-gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc-de-lua-dao-i733840/

Ngày đăng: 13:32 | 10/06/2024

Hùng Quân / CAND