Sau bữa mổ lợn liên hoan tất niên, người đàn ông ở Nam Định sốt cao kèm rét run, mệt mỏi, chân tay tím tái và tử vong. Nguyên nhân được xác định nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn do ăn tiết canh. Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét và Ký sinh trùng, côn trùng Trung ương) đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhân có thói quen ăn thực phẩm sống, có người cùng lúc nhiễm 4 loại ký sinh trùng; có người suy kiệt khi chẩn đoán ung thư gan, hóa ra lại nhiễm 2 loại sán ký sinh ở gan.

Tử vong vì món khoái khẩu tự làm

Ngày Tết, theo phong tục ở nhiều địa phương, người dân thường "đụng" lợn liên hoan. Cả mấy nhà chung nhau mổ một con lợn, sau đó chia nhau thịt mang về, còn cuống họng, phổi lợn, lòng lợn được băm chặt để chế biến làm tiết canh. Để chiêu đãi bạn bè trong tiệc tất niên vào Tết dương lịch vừa qua, anh T.V.H (50 tuổi, trú tại huyện Giao Thuỷ, Nam Định) đã mổ 1 con lợn, sau đó chế biến món ăn, trong đó có tiết canh. Một ngày sau, anh H có biểu hiện đau mỏi người, đi ngoài phân lỏng, kèm sốt cao rét run, chân tay tím tái.

Người nhà đưa anh đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Giao Thuỷ, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Lúc này, bệnh tình của anh đã rất nặng, được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, theo dõi liên cầu lợn, thở máy và chuyển lên tuyến trên. Khi tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng ngừng tim, các bác sĩ cấp cứu hồi sức tích cực, tim đã đập trở lại, nhưng sau đó bệnh không cải thiện. Anh H đã tử vong chỉ sau 5h được cấp cứu bệnh viện tuyến huyện lên đến tuyến Trung ương.

sa´n.jpeg -0
Nhiều bệnh nhân mắc ký sinh trùng do ăn tiết canh phải nhập viện điều trị. Ảnh minh họa.

Đây là một trong những trường hợp tử vong rất nhanh do sốc nhiễm khuẩn của liên cầu lợn, có suy đa tạng, toan chuyển hóa và rối loạn đông máu nặng. Năm 2023, cả nước ghi nhận hàng chục trường hợp phải nhập viện trong tình trạng "thập tử nhất sinh" do nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh. Các bác sĩ cho biết, tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn rất cao. Ngoài tiết canh lợn, có bệnh nhân sau khi ăn tiết canh dê liên hoan đã phải nhập viện vì đau bụng dữ dội, được chẩn đoán viêm ruột gây tắc ruột và phải phẫu thuật.

"Những ngày Tết nhà nào cũng có cỗ, mổ lợn nhà nuôi hoặc mua chung một con lợn về liên hoan, bao giờ cũng có món tiết canh. Nhiều người tưởng lợn nhà nuôi là an toàn, nhưng chúng ta không biết, vô tình con lợn đó nhiễm sán, hoặc nhiễm vi khuẩn liên cầu, nếu ăn thịt lợn chưa chín, ăn tiết canh dễ nhiễm sán và nhiễm liên cầu lợn. Vì vậy, càng vào dịp Tết, người dân càng phải ăn chín, uống sôi, không nên ăn tiết canh lợn, thịt lợn sống dưới mọi hình thức dù cho lợn khoẻ nhà nuôi", TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khuyến cáo.

Nhiều người chẩn đoán nhầm ung thư gan

Ho dữ dội kéo dài hơn 1 năm, chị C.T.H (44 tuổi, Nghệ An) uống nhiều loại kháng sinh, đi nhiều bệnh viện nhưng vẫn không đỡ. Lo lắng mắc ung thư phổi, chị H ra Bệnh viện Phổi Trung ương khám. Bác sĩ phát hiện trong phổi của chị có tổn thương khu trú (u cục), nhưng kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ nghi ngờ chị nhiễm ký sinh trùng nên giới thiệu sang Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám chuyên sâu.

Tại đây, kết quả xét nghiệm chị dương tính với giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn, giun đầu gai. "Nhận kết quả tôi thở phào vì không mắc ung thư, nhưng cũng tá hoả khi mắc nhiều loại ký sinh trùng nguy hiểm, lo lắng mà sụt mất 5kg", chị H nói. Sau 1 tháng uống thuốc, chị đã đỡ ho, nhưng sang tháng thứ 2 chị lại ho nhiều hơn. Tái khám lần thứ 3, chị H được chỉ định xét nghiệm thêm, phát hiện nhiễm sán lá phổi. Chia sẻ về thói quen ăn uống, chị H nói rằng mình ăn rau sống rất nhiều, ăn cả rau thuỷ sinh và rau sống trên cạn. Mỗi lần chị ăn cả rổ rau sống và ăn trong nhiều năm nay.

Là bệnh nhân phải điều trị dài ngày ở Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, bà N.T.H (54 tuổi, ở Bắc Giang) kể: "Hôm đó tôi đau bụng dữ dội, được con đưa tới bệnh viện tỉnh khám và chụp chiếu, bác sĩ nghi ngờ u gan ác tính. Cả nhà đều sốc và ai cũng khóc. Nhưng 2 ngày sau đó, bác sĩ nói tôi bị sán lá gan. Không yên tâm tôi lên Bệnh viện 108 khám và cũng được chẩn đoán sán lá gan, chuyển bệnh viện chuyên khoa điều trị".

Theo BS Phan Thị Thu Phương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, bà H mắc 2 loại ký sinh trùng là sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Bà H có thói quen ăn rau sống nhà trồng và cách đây vài tháng, bà ăn gỏi cá chép. BS Phương cho hay, do đã từng ăn gỏi cá nước ngọt, rau sống nên đây có thể là nguyên nhân khiến bệnh nhân nhiễm cùng lúc 2 loại sán. Người nhiễm bệnh sán lá gan nhỏ do ăn cá, ốc có chứa ấu trùng sán và chưa được nấu chín kỹ. Còn với sán lá gan lớn, ngoài ăn ốc họ Lymnaea chưa nấu chín kỹ, thì ăn sống các loại rau mọc ở dưới nước (rau ngổ, rau cần, rau rút, cải xoong…), hoặc uống nước lã cũng có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán. "Vì vậy, dịp Tết này, người dân phải lưu ý ăn chín, uống sôi, đặc biệt không ăn các loại cá, ốc chưa nấu kỹ. Tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần", BS Phương cảnh báo.

https://cand.com.vn/y-te/canh-bao-nhung-mon-khoai-khau-gay-nguy-hiem-trong-ngay-tet-i722278/

Ngày đăng: 15:43 | 05/02/2024

Trần Hằng / CAND