Theo Sở Y tế Hà Nội, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhiều dịch bệnh đang gia tăng trên địa bàn Hà Nội, nhất là các bệnh sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà.
Mỗi ngày, khoa Cấp cứu A9 - bệnh viện Bạch Mai là tuyến cuối thường xuyên tiếp nhận 150-180 ca bệnh nặng và phức tạp, trong đó hàng chục ca liên quan đến đột quỵ, tai biến mạch máu não do thời tiết nắng nóng. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN) |
Theo Sở Y tế Hà Nội, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhiều dịch bệnh đang gia tăng trên địa bàn Hà Nội, nhất là các bệnh sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà...
Trong tháng 3 và đầu tháng 4/2019, trung bình mỗi tuần Hà Nội có 70-80 người mắc sởi; riêng từ ngày 15-21/4, số người mắc sởi ở Hà Nội đã tăng vọt lên 123 ca, nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 928 ca, chưa có trường hợp tử vong.
Các quận, huyện có số người mắc sởi cao là: Hoàng Mai (123 ca), Thanh Xuân (67 ca), Nam Từ Liêm (65 ca), Hà Đông (57 ca), Đống Đa (48 ca), Thanh Trì (46 ca). Số người mắc sởi dưới 9 tháng tuổi chiếm 25% và trên 15 tuổi chiếm 30%. Đây là những đối tượng thường có tỷ lệ tiêm vắcxin phòng sởi thấp hơn độ tuổi từ 1-15 tuổi.
Bên cạnh đó, số ca mắc các bệnh: sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà… cũng tăng nhẹ so với trước đó.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, bệnh sởi thường xảy ra vào mùa Đông Xuân, khi thời tiết nồm ẩm kéo dài. Thế nhưng, năm nay dù thời tiết nắng nóng trong những ngày qua, số ca mắc sởi vẫn tăng.
Dự báo, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo về số trường hợp mắc sởi trong 3 tháng đầu năm 2019 trên thế giới đã tăng lên 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, nhiều ca mắc sởi từ tỉnh khác cũng di chuyển đến Hà Nội.
Hiện nay, các bệnh này vẫn trong tầm kiểm soát nhưng thời tiết nắng nóng kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và gây bệnh. Thêm vào đó, mùa hè là thời gian gia tăng hoạt động đi lại, du lịch, buôn bán, vận chuyển gia cầm cũng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, viêm não...
Trước nguy cơ nhiều dịch bệnh có thể bùng phát trong mùa hè, Phó Giám đốc Sở Y tế yêu cầu tiếp tục củng cố và nâng cao khả năng phản ứng nhanh của các đội chống dịch cơ động trên địa bàn thành phố.
Tại các cơ sở y tế phải bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, vắcxin, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát, hướng dẫn việc triển khai thực hiện tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả, đồng thời tổ chức kiểm tra vệ sinh môi trường, giám sát thường kỳ chất lượng nước sinh hoạt tại các nhà máy, trạm cấp nước…
Các đơn vị tăng cường công tác giám sát côn trùng và giám sát véctơ truyền bệnh để chủ động phòng chống sốt xuất huyết. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tiếp tục thực hiện tốt việc đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài để chủ động kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập.
Các đơn vị y tế tiếp tục tăng cường giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tuyên truyền để người dân tích cực đưa con em đi tiêm chủng phòng bệnh theo quy định.
Bên cạnh đó, ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động trong việc vệ sinh môi trường khử khuẩn, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đồng thời đi tiêm chủng đầy đủ vắcxin phòng sởi theo quy định./.
Nắng nóng, tia cực tím nguy hiểm như thế nào?
Tia UV có trong ánh nắng Mặt trời có thể gây các vấn đề về da và mắt, thậm chí gây ung thư nếu con ... |
Nắng nóng kéo dài, bệnh viện ở Sài Gòn đông nghịt
7h sáng, khu khám bệnh của nhiều viện lớn ở TP.HCM đã đông nghịt người đến chờ đến lượt. Đa số bệnh nhân phải vào ... |
Ngày đăng: 15:04 | 02/05/2019
/ Vietnam+