Trách nhiệm của nhà trường, thầy cô giáo trong vụ việc nữ sinh lớp 9 ở huyện Ân Thi (Hưng Yên) bị 5 bạn học lột quần áo, đánh hội đồng đã rõ. Nhưng liệu trách nhiệm của gia đình 5 nữ sinh đánh bạn đã được quan tâm đúng mức? Cũng từ đây, thêm một lần nữa phải cảnh báo về vấn nạn “băng nhóm”, “côn đồ” đã và đang gây bất an ngay trong trường học.
Côn đồ trong… lớp học
Ngày 1.4, mạng xã hội xôn xao về đoạn clip quay cảnh nhóm học sinh bắt một bạn nữ sinh quỳ xuống đất để cả nhóm chửi bới và đánh đập. Đoạn video clip dài 2 phút, chú thích rằng sự việc nghi xảy ra ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Trong đoạn video clip, nữ sinh vừa quỳ gối vừa liên tục khóc lóc. Cuối đoạn video clip, một nữ sinh bất ngờ cầm tóc, tát vào mặt nữ sinh đang quỳ...
Hình ảnh một số vụ việc học sinh đánh nhau dã man khiến dư luận lo ngại, bức xúc. Ảnh: T.L
Chiều 1.4, lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Diễn Châu cho biết đã chỉ đạo Trường THCS Diễn Kim điều tra nguyên nhân, xử lý vụ việc trên. Vụ việc xảy ra vào khoảng 17 giờ ngày 31.3, Theo báo cáo, có 5 học sinh lớp 7, lớp 8 của Trường THCS Diễn Kim và 2 học sinh Trường THCS Diễn Hùng rủ nhau đi chơi rồi xích mích và dẫn đến vụ việc đánh bạn. Học sinh bị bắt quỳ và bị đánh đang học lớp 7, Trường THCS Diễn Hùng, em này bị xây xước nhẹ.
Mới đây, dư luận xã hội rúng động về một đoạn clip bị phát tán trên mạng xã hội ghi lại cảnh 5 học sinh nữ đánh đập, lột quần áo, một nữ sinh khác, khiến em này phải nhập viện tâm thần trong trạng thái hoảng loạn, sợ hãi. Sự việc xảy ra tại Trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên), nữ sinh H.Y học lớp 9A là nạn nhân. Sau khi bình tâm, nữ sinh Y đã hé lộ lý do khiến em bị bạn học lột quần áo và đánh là do nữ sinh tên T (1 trong 5 nữ sinh đánh Y) cho rằng em viết thư cho bạn trai của T. Ngoài ra, một nữ sinh cũng cho biết đánh Y vì em không mang mũ ca-lô cho các bạn.
Được biết, trước đó, Y đã bị đánh nhiều lần nhưng do quá sợ hãi nên em không dám báo với các thầy cô. Những hình thức bắt nạt của nhóm học sinh này đối với H.Y không chỉ dừng lại ở mức đánh đập mà còn dưới nhiều hình thức khác nhau.
Ngày 24.10.2016, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi cảnh nhóm 5 học sinh đang đánh đập một nam sinh rất dã man khiến em này phải khóc lóc van xin. Nhóm đánh bạn được xác định đều là học sinh lớp 7 của Trường THCS Minh Tân (Kinh Môn, Hải Dương). Em L bị đánh dưới sự chỉ đạo của hai học sinh lớp 11 của hai trường khác, lý do là em L không chịu nộp “tô” 5.000 đồng/ngày cho nhóm học sinh này.
Đầu năm 2019, tại Gia Lai, Trương Văn Dũng (15 tuổi, học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Krông Păk) và Phạm Ngọc Nam (15 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk) có xảy ra mâu thuẫn. Khoảng 14 giờ 30 ngày 7.1, có 2 nhóm (mỗi nhóm gần 10 học sinh) của Nam và Dũng hẹn nhau ra khu vực xưởng chế biến cà phê ở xã Ea Yông, huyện Krông Păk để giải quyết mâu thuân. Hai nhóm lao vào ẩu đả, Nam đã rút dao đâm chết Dũng và đâm bị thương Đặng Lê Minh Hiếu - người cùng nhóm Dũng.
Qua những sự việc nghiêm trọng kể trên, cho thấy vấn nạn bạo lực học đường hiện nay không chỉ tồn tại dưới dạng bắt nạt, khủng bố tinh thần mà còn có sự xuất hiện của băng nhóm, tụ tập có tổ chức. Các vụ đánh đập, trấn lột, gây rối liên quan băng nhóm học sinh không chỉ xảy ra ngoài cổng trường mà xảy ra ngay trong lớp học, trường học. Vậy, trách nhiệm của nhà trường, gia đình và rộng hơn là toàn xã hội ra sao trong vấn nạn này?
Nhà trường đơn độc...
Trách nhiệm và vai trò mờ nhạt, có phần muốn “ém nhẹm” sự việc vì căn bệnh thành tích của Ban giám hiệu Trường THCS Phù Ủng thì đã rõ. Chính vì sự yếu kém, che giấu này mà lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo xem xét cách chức toàn bộ lãnh đạo trường Phủ Ủng... Thế nhưng bên cạnh đó không thể phủ nhận rằng việc tụ tập bè nhóm trong trường học, có những hành vi côn đồ chính là hệ quả của sự buông lỏng trong quản lý, giáo dục con em của các gia đình 5 nữ sinh kể trên.
Theo chia sẻ của ông Vũ Hữu Ngạn - Hội trưởng Hội phụ huynh Trường THCS Phù Ủng, gia đình của 5 nữ sinh đã tham gia đánh bạn hội đồng đều có bố mẹ đi làm ăn xa hoặc ly dị. Các em này đều thiếu thốn tình thương và sự giáo dục của bố mẹ của mình.
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo (Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM), bày tỏ: “Nạn côn đồ, bạo lực học đường đang ngày càng leo thang về số lượng, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tôi cho rằng người lớn, tức là cả thầy cô và bố mẹ đều chưa theo kịp sự phát triển xã hội, dẫn tới việc quan tâm sai phương pháp hoặc bỏ mặc, thờ ơ với chính con em mình”.
Cụ thể, nữ sinh L có, bố làm thợ xây, mẹ làm nghề phụ là tiền giấy, vàng mã. Nữ sinh Q sống cùng bố và mẹ kế. Nhà nữ sinh Tr thì bố mẹ đi làm xa, thu gom đồng nát ở Cao Bằng. Nữ sinh T có bố mẹ đã ly dị, bố đi lao động ở nước ngoài. Gia đình em H thì bố đi làm cơ khí ở Hải Dương, mẹ ở nhà làm ruộng.
“Trong vụ việc đáng tiếc này, theo tôi một phần trách nhiệm thuộc về phía gia đình. Có những cha mẹ chưa thực sự sát sao với con em khi bố mẹ mải đi làm ăn xa, bận với công việc. Có gia đình thì cha mẹ thiếu sự quan tâm với con cái và quá phó mặc việc dạy bảo con cho nhà trường” – ông Ngạn chia sẻ.
Một chuyên gia giáo dục cho biết không thể đổ lỗi việc học sinh hư hỏng, lập băng nhóm, có hành vi côn đồ... hoàn toàn cho trường học. Nhà trường chỉ giáo dục, quản lý các em trong vòng 4 - 6 tiếng, thời gian còn lại phần lớn các em ở nhà, ra ngoài xã hội: “Tôi từng thấy có gia đình con em bị đình chỉ học cả tháng trời mà không biết, nhà trường gửi thông báo về nhà thì học sinh đó giấu đi. Vậy vai trò của gia đình có quan trọng hay không? Trách nhiệm của nhà trường trong vụ việc tại Hưng Yên đã được làm rõ và đã có hình thức kỷ luật. Thế nhưng liệu lỗi có hoàn toàn nằm ở các thầy cô, ban giám hiệu?”.
Cũng theo vị chuyên gia, bạo lực gia đình, sự bàng quan, thiếu quan tâm của cha mẹ hoặc sự quan tâm thái quá, cứng nhắc hay việc chỉ quan tâm đến việc học kiến thức của con cái... đều là những nguyên do sâu xa dẫn đến sự thiếu hụt trong tình cảm, sự bức xúc trong tâm lý và sự sai lệch trong hành vi, ứng xử của một số học sinh hiện nay. Đây chính là những mầm móng cho bạo lực học đường.
TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, nhà trường, gia đình và xã hội dường như chưa quan tâm nhiều đến những chấn thương tâm lý của trẻ, không kịp thời chăm sóc, hàn gắn khi các em mới bị tổn thương. Theo ông Lâm, những học sinh bị đánh (trong gia đình) dễ bị trầm cảm, tự ti, nhút nhát. Còn các em hung hãn, có rối loạn về hành vi, thậm chí những hành vi biến thái đều có nguy cơ xuất phát bởi những rối nhiễu từ trong giai đoạn trẻ còn nhỏ ở trong gia đình… Khi các em tổn thương mà không kịp thời can thiệp sẽ đẩy các em đến nguy cơ bị bạo lực hoặc trở thành kẻ gây bạo lực.
10 sự thật \'kinh điển\' về Trái Đất mà trường học không dạy bạn
Trái Đất có màu gì? Trái Đất có bao nhiêu vệ tinh? Những sự thật về hành tinh của chúng ta sẽ khiến bạn bất ... |
Hưng Yên xem xét cách chức ban giám hiệu trường học sau vụ nữ sinh bị đánh
Chủ tịch tỉnh Hưng Yên yêu cầu kỷ luật hội đồng sư phạm, giáo viên chủ nhiệm vì để nữ sinh bị lột đồ, đánh ... |
Gắn camera trong trường học ngăn bạo lực, tệ nạn
Dù còn nhiều khó khăn ở huyện nghèo miền núi, trường THPT - THCS Dân tộc Nội trú Sơn Tây (Quảng Ngãi) đã lắp đặt ... |
Longform: Đường đi của thịt lợn nghi nhiễm sán trong trường học
Hai lần “tố” thịt lợn nổi hạch trắng trong bếp ăn Trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh), phụ huynh lo lắng đưa con đi ... |
Ngày đăng: 10:22 | 02/04/2019
/