Hàng hóa có các chất cấm vượt ngưỡng bị trả về là do doanh nghiệp không chịu tìm hiểu kỹ chứ không thể đổ trách nhiệm do cơ quan nhà nước.
Lỗi do doanh nghiệp
Thời gian vừa qua, nhiều công ty xuất khẩu rau quả, thủy sản than phiền vì tình trạng các lô hàng xuất khẩu sang Mỹ và một số quốc gia khác có nguy cơ bị tiêu hủy, trả về. Có những doanh nghiệp bị phạt hơn 50.000 USD kèm theo cảnh báo mất thị trường xuất khẩu nếu tiếp tục tái phạm.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các đơn vị xuất khẩu không nắm thông tin cũng như quy định của nước nhập khẩu. Các sản phẩm rau quả, thủy sản nhập từ Việt Nam khi kiểm tra phát hiện thấy hàm lượng chất cấm tỷ lệ rất cao.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, TS Nguyễn Kim Vân, Hội KHKT Bảo vệ thực vật Việt Nam khẳng định đây là thực tế đáng báo động và đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo TS Vân, việc sử dụng chất cấm hay vấn đề dư lượng thuốc trong nông sản phụ thuộc vào quy định của từng nước. Có những quốc gia quy định thấp, có những nơi đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn.
Do đó khi doanh nghiệp có hàng nông sản và muốn xuất khẩu vào một thị trường nào đó nhất định phải nắm được luật quốc tế. Thứ hai phải tìm hiểu Luật cũng như các tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia đó, của từng địa phương để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Nhiều doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu nông sản bị trả về. Ảnh minh họa |
“Nếu hàng hóa có các chất cấm vượt ngưỡng bị trả về thì đây là lỗi của doanh nghiệp chứ không thể đổ tại nhà nước được.
Bộ NN-PTNT chỉ làm nhiệm vụ quản lý, đưa ra các cảnh báo và quy định chung để doanh nghiệp đảm bảo dư lượng tối đa cho phép, không được vượt ngưỡng. Việc tự tìm hiểu để thực hiện theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế là điều cần thiết.
Nhưng thời gian qua, các doanh nghiệp chưa thật sự chú ý khâu này. Đây là một thực trạng khó khăn mà chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều rồi”, ông Vân khẳng định.
TS Nguyễn Kim Vân cho rằng, hiện nay mặt hàng thuốc BVTV chúng ta có hệ thống pháp luật tương đối nghiêm chỉnh, từ các thông tư, nghị định của chính phủ, đến các Bộ, ngành.
Tuy nhiên, có một bộ phận người dân và doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận đã thực hiện không theo nguyên tắc, không đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch và phân phối sản phẩm ra thị trường. Điều này khiến nhiều trường hợp, chúng ta phun đúng thuốc, đúng liều lượng nhưng các chất cấm vẫn vượt ngưỡng cho phép.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Viện trưởng viện Công nghệ và thực phẩm – ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, không chỉ người dân không làm theo các tiêu chuẩn kỹ thuật mà bản thân các doanh nghiệp khi thu mua sản phẩm để xuất khẩu cũng không quá quan tâm đến vấn đề chất lượng vệ sinh ATTP.
“Trong một thời gian dài, chúng ta làm ẩu, không theo luật lệ nào cả. Người dân làm xong, bán sang tay là xong. Doanh nghiệp cũng chỉ quan tâm đến việc thu mua giá rẻ và tận dụng lợi thế này để xuất khẩu sang các nước.
Việc tham gia vào tổ chức thương mại thế giới (WTO) là điều kiện rất thuận lợi để hàng hóa của chúng ta xuất khẩu. Tuy nhiên để bảo đảm cho hàng hóa trong nước, các quốc gia này sẽ áp dụng luật chống bán phá giá hay dựng lên hàng rào kỹ thuật rất cao. Khi chúng ta vượt qua hàng rào kỹ thuật đó mới vào được.
Nếu hàng hóa kém chất lượng, chất cấm nhiều thì khi tiến hành kiểm tra chúng ta sẽ ngay lập tức bị trả về. Nhiều nước khó tính sẽ yêu cầu tiêu hủy, thậm chí phạt tiền. Tôi cho rằng cần phải có 1 bài học đắng cay như vậy thì các doanh nghiệp mới nhận ra vấn đề và nghĩ tới việc làm nghiêm túc”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Phải thật sự thay đổi
Để giải quyết tình trạng trên, TS Nguyễn Kim Vân cho rằng từ người nông dân, các doanh nghiệp đến bản thân cơ quan nhà nước phải cùng thay đổi.
Trước hết, người nông dân cần phải tự nâng cao trình độ, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, tránh sử dụng quá nhiều các chất cấm.
Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự chủ động trong việc tìm kiếm thị trường và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật từ quốc gia đó vào thực tế để tạo ra hàng hóa chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu khách hàng.
Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải chủ động hơn nữa trong việc hướng dẫn người dân cũng như doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Theo TS Vân, chủ trương của nhà nước, văn bản chính sách rất đầy đủ nhưng nếu không sát sao trong quá trình thực hiện thì coi như chủ trương lớn đó cũng không có hiệu quả.
“Chúng ta phải dần tập cách thích nghi và thay đổi. Không thể liều lĩnh, vì lợi nhuận mà tìm mọi cách xuất khẩu được.
Chẳng hạn như vải Bắc Giang hiện nay chúng ta đã xuất khẩu đi nhiều nước. Tuy nhiên nếu không kiểm soát chặt chẽ, chỉ cần một địa phương nào đó áp dụng sai tiêu chuẩn kỹ thuật, hoặc nước sở tại kiểm tra thấy các chất cấm vượt ngưỡng thì ngay lập tức sản phẩm sẽ bị ách lại và ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của Việt Nam”, ông Vân chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng khẳng định, việc tự nâng cao chất lượng là cách duy nhất để hàng hóa Việt Nam tồn tại và thâm nhập được vào thị trường các quốc gia khó tính như Mỹ và châu Âu.
“Nhiều nước yêu cầu Việt Nam xây dựng các phòng thí nghiệm có chất lượng, có trình độ tương đương như chất lượng của họ. Sau đó chuyên gia từ quốc gia này sẽ sang kiểm tra, giúp đỡ, đào tạo cho chúng ta. Khi kiểm tra đạt tiêu chuẩn sẽ đóng dấu để xuất khẩu sang nước sở tại. Nếu làm được như vậy thì sẽ không lo hàng hóa bị trả về hay bị phạt”, ông Thịnh chia sẻ.
Ngày đăng: 13:14 | 14/07/2017
/ Hoàng Nam/baodatviet.vn