Bên cạnh hàng loạt thủ đoạn lừa đảo qua mạng đã được các cơ quan truyền thông cảnh báo, gần đây tiếp tục xuất hiện một hình thức lừa đảo mới nhắm vào học sinh, sinh viên với chiêu trò “bắt cóc online” để tống tiền.

Ngày 10/7/2025, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, vừa giải cứu thành công một nữ sinh trên địa bàn bị nhóm tội phạm “bắt cóc online” qua mạng xã hội. Cụ thể, bà L.T.B (TP. Hồ Chí Minh) đến Công an phường Bảy Hiền trình báo con gái là L.T.K.Y (21 tuổi), sinh viên năm thứ 3 một trường đại học trên địa bàn thành phố bị các đối tượng lừa đảo qua mạng, uy hiếp và yêu cầu gia đình nộp tiền chuộc.

Theo lời kể của Y., ngày 5/7/2025 chị nhận được một cuộc điện thoại lạ, tự xưng là bên giao hàng Shopee và yêu cầu kết bạn qua Zalo để kiểm tra hàng mà chị đã đặt mua. Ngay sau đó, các đối tượng gọi video, hiển thị hình ảnh một người mặc sắc phục công an và thông báo chị Y. liên quan đến đường dây ma túy và rửa tiền.

Đối tượng này đã yêu cầu Y. tải phần mềm “Zoom Workplace” và đăng nhập bằng mã riêng với lý do “làm việc nội bộ”. Trong quá trình này, các đối tượng phát hiện Y. có ý định du học Mỹ nên dẫn dụ em chuyển hơn 800 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng được chỉ định để “chứng minh tài chính”. Sau đó, nhóm lừa đảo tiếp tục thao túng tâm lý, ép Y. rời khỏi nơi ở, đến thuê phòng tại một khách sạn và cắt đứt liên lạc với bên ngoài, chỉ nhận cuộc gọi từ nhóm đối tượng với lý do “phục vụ điều tra”. Toàn bộ hoạt động trên điện thoại của Y. bị giám sát chặt chẽ thông qua phần mềm đã cài đặt trước đó. Sau khi kiểm soát hoàn toàn thiết bị, nhóm lừa đảo buộc Y. nhắn tin cho gia đình, yêu cầu chuyển thêm 200 triệu đồng với lý do “chuộc người”.

Hay một trường hợp khác, gia đình ông Q. (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, con trai ông là T. (sinh năm 2007) nghi bị một nhóm đối tượng bắt cóc và đòi tiền chuộc. Các đối tượng liên tục gọi điện, khẳng định cháu T. đang bị bắt giữ, đồng thời yêu cầu chuyển ngay 200 triệu đồng để “chuộc người”. Vì quá lo sợ, ông Q. đã làm theo yêu cầu của nhóm đối tượng, chuyển đúng số tiền. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, ông Q. vẫn không liên lạc được với con trai, trong khi các đối tượng vẫn tiếp tục dùng nhiều số điện thoại khác nhau gọi điện đòi thêm tiền chuộc. Sau đó, các đối tượng cắt liên lạc.

Qua tìm hiểu, các vụ lừa đảo thường nhắm vào học sinh, sinh viên và người trẻ - nhóm dễ bị tác động tâm lý và thường xuyên sử dụng công nghệ. Đối tượng mạo danh cơ quan chức năng, cáo buộc nạn nhân liên quan đến các vụ án nghiêm trọng như rửa tiền, buôn bán ma túy… rồi đe dọa sẽ bị bắt nếu không “hợp tác”. Chúng tạo áp lực, buộc nạn nhân tự cô lập, thuê khách sạn và cắt đứt liên lạc với người thân. Sau đó, kẻ gian điều khiển từ xa, yêu cầu chuyển tiền với lý do “kiểm tra tài khoản” hoặc “giải quyết vụ việc”. Đặc biệt, chúng còn yêu cầu người nhà chuyển tiền vào chính tài khoản nạn nhân để tạo cảm giác tin tưởng và đánh lạc hướng.

Các cơ quan chức năng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến thông tin cá nhân của các em bị lộ là thói quen chia sẻ quá mức trên mạng xã hội. Không chỉ học sinh, sinh viên mà nhiều phụ huynh cũng thường xuyên đăng tải giấy khen, thành tích học tập của con em. Trong khi đó, những hình ảnh này vô tình tiết lộ nhiều thông tin nhạy cảm như họ tên, ngày sinh, lớp học, trường học… tạo điều kiện để kẻ gian dễ dàng tiếp cận và lên kịch bản lừa đảo.

Qua các vụ việc trên, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cảnh giác với các cuộc gọi lừa đảo mạo danh lực lượng chức năng. Theo đó, lực lượng Công an không làm việc qua điện thoại, không yêu cầu người dân chuyển tiền để xác minh, điều tra trong bất kỳ trường hợp nào. Khi nhận được cuộc gọi từ người lạ tự xưng là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP hay bất kỳ dữ liệu nhạy cảm nào. Đồng thời, cần hết sức cảnh giác trước các yêu cầu rời nơi cư trú, tự cách ly, di chuyển đến khách sạn hoặc địa điểm lạ để “hỗ trợ điều tra”.

Trong mọi tình huống nghi ngờ, người dân cần giữ bình tĩnh, liên hệ ngay số điện thoại 113 hoặc đến trực tiếp trụ sở Công an gần nhất để được hỗ trợ và xác minh thông tin. Bên cạnh đó, mỗi người cần chủ động chia sẻ, phổ biến thông tin cảnh báo này đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt lưu ý về thủ đoạn lừa đảo mới với hình thức “bắt cóc online - điều khiển từ xa” đang có dấu hiệu gia tăng.

https://thoibaonganhang.vn/canh-bao-chieu-tro-bat-coc-online-tong-tien-167333.html

Ngày đăng: 09:22 | 16/07/2025

Trà Giang / thoibaonganhang.vn