Ngày 8/2/2024, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã cách chức Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny. Thay vào đó, Thượng tướng Aleksandr Syrsky được bổ nhiệm vào chức vụ này. Trước đây, ông là Tư lệnh Lực lượng Lục quân, chịu trách nhiệm về việc huy động và huấn luyện công dân nhập ngũ, đồng thời chỉ huy một số chiến dịch phòng thủ và tấn công.
Thượng tướng Aleksandr Syrsky sinh ngày 26/7/1965 tại làng Novinki, tỉnh Vladimir thuộc Liên bang Nga. Năm 1986, ông tốt nghiệp Trường Chỉ huy Quân sự cao cấp Moscow. Sau đó, ông bắt đầu phục vụ trên lãnh thổ Ukraine hiện nay - đầu tiên trong Lực lượng vệ binh Quốc gia, và sau đó, trong Lực lượng vũ trang Ukraine.
Năm 1996, Syrsky tốt nghiệp khóa tác chiến - chiến thuật tại Học viện Lực lượng vũ trang Ukraine, và năm 2005, khóa tác chiến -chiến lược tại Đại học Quốc phòng Quốc gia. Năm 2002, Syrsky trở thành Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn cơ giới số 72.
Mùa đông năm 2015, với cấp bậc Thiếu tướng, ông là một trong những cán bộ chỉ huy chính của Lực lượng vũ trang trong các trận đánh ở Debaltsevo. Ông Syrsky được trao Huân chương Bohdan Khmelnitsky vì đã rút lực lượng khỏi thành phố gần như bị bao vây.
Từ năm 2016, ông đứng đầu Bộ tham mưu tác chiến Hợp nhất. Tổ chức này điều phối các hoạt động của quân đội Ukraine ở Donbass. Từ năm 2019, ông lãnh đạo Lực lượng Lục quân.
Khi LB Nga bắt đầu tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, chính ông Syrsky là người chịu trách nhiệm bảo vệ thủ đô Kiev, nhờ đó ông được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Ukraine”.
Mùa thu năm 2022, Syrsky là một trong những cán bộ chỉ huy cuộc phản công ở tỉnh Kharkov. Lúc bấy giờ, chiến dịch đã rất thành công và góp phần giải phóng gần như toàn bộ tỉnh Kharkov.
Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ chính của Bộ Tư lệnh Lực lượng Lục quân là huấn luyện, đổi mới và phát triển quân đội. Lực lượng Lục quân có nhiệm vụ tuyển dụng nhân sự, đào tạo các chuyên ngành quân sự tại các trung tâm đào tạo, tiến hành phối hợp tác chiến và chiến đấu. Thượng tướng Syrsky là người chịu trách nhiệm chính về những vấn đề này.
Năm 2022 và đầu năm 2023, Syrsky chỉ huy lực lượng phòng thủ Bakhmut, trong thời gian đó quân đội Ukraine chịu nhiều tổn thất và không rời thành phố cho đến phút cuối cùng. Từ mùa thu năm 2023, Lữ đoàn tác chiến “Khortitsa”, do Syrsky chỉ huy, chịu trách nhiệm về khu vực mặt trận ở ngoại ô Kupyansk và Liman.
Sau khi Thượng tướng Aleksandr Syrsky được bổ nhiệm chức vụ Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine thay Đại tướng Valery Zaluzhny, ngay lập tức các phương tiện truyền thông quốc tế phản ứng mạnh mẽ về sự kiện đặc biệt này. Tờ “Politico” của Mỹ viết rằng mặc dù Tướng Zaluzhny là một trong những nhà lãnh đạo quân sự chủ chốt ở Ukraine và được coi là đối thủ chính trị tiềm năng của Tổng thống Zelensky, trong quân đội Ukraine, ông bị đối xử có phần thiếu độ lượng.
Zaluzhny bị phê phán vì đã không hoàn thành việc đổi mới quân đội Ukraine theo mô hình phương Tây, không cải thiện cơ sở vật chất - kỹ thuật và không thể tiến hành thay thế bộ đội để tạo điều kiện cho họ nghỉ ngơi và phục hồi thay vì giữ họ trong chiến hào suốt cả cuộc chiến, - nhà phân tích quân sự người Áo Tom Cooper nhận xét.
Tướng Zaluzhny cũng có quan hệ căng thẳng với Washington, sau khi ông và các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ bất đồng ý kiến về cách tiến hành chiến dịch phản công mùa hè năm 2023.
Nhật báo “The Times” của Vương quốc Anh khẳng định rằng, sau khi xuất hiện tin đồn về việc Zaluzhny bị sa thải, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland và Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov vào ngày 31/1 tại Kiev.
Trong cuộc gặp này, Bộ trưởng giải thích lý do vì sao Tổng thống dự định sa thải Zaluzhny, đồng thời nói rằng Văn phòng Tổng thống không hài lòng về việc ông Zaluzhny không trình bày kế hoạch chiến dịch quân sự của mình trong năm nay.
Cũng có thông tin cho rằng ông Zaluzhny nghi ngờ các mệnh lệnh và tuyên bố công khai của ông Zelensky, coi chúng là phi thực tế, rằng ông đang đàm phán với các đồng minh về việc cung cấp vũ khí và loại Bộ Quốc phòng khỏi quá trình này.
Hãng tin “Reuters” của Vương quốc Anh gọi việc sa thải Tổng tư lệnh quân đội Ukraine và thay thế ông bằng Tư lệnh Lực lượng Lục quân là một “canh bạc lớn” vào thời điểm quân đội Nga đang giành được lợi thế sau gần 2 năm chiến tranh.
“Reuters” viết: “Những thay đổi dẫn đến sự xuất hiện của ban lãnh đạo quân sự mới diễn ra sau nhiều tháng suy đoán về sự bất đồng giữa Tổng thống Zelensky và tướng quân đội Valery Zaluzhny”. Theo “Reuters”, một cuộc thăm dò dư luận vào cuối năm 2023 cho thấy niềm tin của người dân Ukraine đặt vào Zaluzhny (90%) cao hơn nhiều so với Zelensky (77%).
Hãng thông tấn “Associated Press” của Mỹ nhận xét rằng Zaluzhny được các quân nhân Ukraine và nước ngoài rất tôn trọng. Một số nhà phân tích cảnh báo rằng việc sa thải ông có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn không mong muốn.
Ra đời trong một gia đình quân nhân Liên Xô, Zaluzhny được ghi nhận là người có công hiện đại hóa quân đội Ukraine theo tiêu chuẩn NATO. Người kế nhiệm ông sẽ phải xây dựng quan hệ riêng với các nhà lãnh đạo quân sự của Mỹ và NATO, và sự bất ổn của chính phủ hiện nay, theo các tác giả, là vùng nguy hiểm thực sự đối với Zelensky.
Nhật báo “Washington Post” nhận xét rằng quyết định bổ nhiệm Syrsky thay Zaluzhny có thể sẽ không được lòng người dân Ukraine. Nhiều quân nhân coi Syrsky là một cán bộ chỉ huy kiểu Liên Xô, người đã giữ quân quá lâu dưới làn mưa đạn ở thị trấn Bakhmut.
“Không rõ việc bổ nhiệm Syrsky sẽ thay đổi như thế nào tình hình chiến trường ngày càng trở nên nguy hiểm đối với Ukraine, khi Nga đã giành lại thế chủ động chiến lược bằng cách tăng cường tấn công dọc chiến tuyến”, - tác giả bài báo viết.
Trong một bài báo về sự thay đổi Bộ chỉ huy của Lực lượng vũ trang Ukraine, nhật báo “The Wall Street Journal” trích dẫn lời của Thượng tướng Mikhail Koval nói về Aleksandr Syrsky như một vị tướng giàu kinh nghiệm, ghi nhận công lao của ông trong việc bảo vệ Kiev vào đầu chiến tranh và cuộc tấn công chớp nhoáng ở vùng đông bắc tỉnh Kharkov năm 2022.
“Ukraine thật may mắn khi có được một vị tướng như vậy. Trong chiến dịch Kharkov, Syrsky đã phát hiện được những điểm yếu của đối phương, cắt đứt liên lạc của Nga, khiến các binh sĩ sợ hãi chạy trốn, bỏ lại nhiều xe bọc thép” - Tướng Koval nói.
Tuy nhiên, cũng theo “The Wall Street Journal”, một số quân nhân chỉ trích chiến thuật của Syrsky, nói rằng ông sẵn sàng hy sinh tính mạng con người vì những thành tích chiến lược mang tính chất hình thức.
Nhật báo “The Guardian” của Mỹ gọi quyết định của Zelensky là một bước đi mạo hiểm, vì Zaluzhny được nhiều người dân Ukraine ủng hộ. Các đối thủ chính trị của Zelensky chỉ trích Tổng thống đã tuyên bố không rõ ràng về lý do thay thế Zaluzhny và cho rằng xuất phát điểm của quyết định này có thể là nỗi lo sợ về sự nổi tiếng của Zaluzhny, chứ không phải là những khó khăn của cuộc chiến.
“Mặc dù Zaluzhny chưa bao giờ tuyên bố về tham vọng chính trị của mình, nhưng nhiều đối thủ của Zelensky coi ông là nhân vật tiềm năng mà họ có thể đoàn kết xung quanh, và cho rằng ông sẽ có tương lai trên chính trường. Nếu sau khi Zaluzhny bị sa thải, tình hình ở mặt trận tiếp tục xấu đi, thì uy tín của ông rất có thể sẽ tăng lên” - tác giả bài báo viết.
Tạp chí “Bloomberg” của Mỹ cho rằng chính trị sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc sắp xếp lại nhân sự quân đội vào thời điểm Ukraine ngày càng bị quân Nga tấn công dồn dập và thiếu sự giúp đỡ của phương Tây. Mặc dù Zelensky có được một vị tư lệnh trung thành, đáng tin cậy, nhưng việc sắp xếp lại nhân sự chưa chắc sẽ trở thành giải pháp nhanh chóng cho những vấn đề mà Zaluzhny từng đối mặt.
“Không một nhà hoạt động quân sự nào ở Ukraine gây ra nhiều ý kiến trái chiều như Syrsky. Việc bổ nhiệm ông là một bước đi mạo hiểm của Zelensky” - Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews, cho biết.
Tờ “The Economist” của Vương quốc Anh gọi việc sa thải Tướng Zaluzhny là một giai đoạn mới và mang tính quyết định của cuộc chiến, trong đó Zelensky có nguy cơ phạm sai lầm.
“Không có gì bí mật là khi mối quan hệ của họ xấu đi, Zelensky và Zaluzhny cũng bắt đầu bất đồng ý kiến về những gì nên làm trên chiến trường. Zelensky và chính quyền của ông đổ lỗi cho Tướng Zaluzhny về cuộc phản công thất bại năm ngoái. Họ muốn quân đội Ukraine chuẩn bị tiếp tục tấn công, và gây áp lực buộc ông phải lập kế hoạch chiến dịch và huy động thêm quân đội” - tờ báo viết.
Còn Zaluzhny lại bác bỏ lập luận của họ, và cho rằng sự thận trọng của ông sau thất bại vào thời kỳ đầu của cuộc phản công đã giúp giải cứu cả nhân lực lẫn trang thiết bị của Lực lượng vũ trang Ukraine.
“Một trong những rủi ro đối với Zelensky là sự phẫn nộ của quân đội, bị kích động bởi việc sa thải vị chỉ huy yêu quý của họ. Tướng Syrsky nổi tiếng là người sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù, ngay cả khi phải trả giá đắt về con người và vũ khí. Một số sĩ quan khen ngợi tính chuyên nghiệp của Syrsky, số khác nói rằng ông khiến cấp dưới của mình khiếp sợ. Ông ít có khả năng hoài nghi về các ưu tiên của Tổng thống. Khi đảm nhận chức vụ cao, ông buộc phải mềm mỏng hơn trong phong cách chỉ huy của mình và học cách nói sự thật đối với chính quyền” - “The Economist” viết.
Tác giả bài báo cũng lưu ý rằng vì Tướng Zaluzhny là anh hùng Ukraine, nên việc sa thải ông sẽ gây ra những hậu quả chính trị.
“Ở một đất nước như Ukraine, bất cứ một nhà tài phiệt nào cũng có thể coi ông là phương tiện để thực hiện tham vọng của mình” - tác giả bài báo viết.
Kênh truyền hình CNN của Mỹ cũng cho rằng Zaluzhny có thể trở thành đối thủ chính trị của Zelensky trong cuộc bầu cử sắp tới, dù vị tướng này vẫn chưa thể hiện tham vọng chính trị.
Bất chấp thất bại trong cuộc phản công của Ukraine, cựu Tư lệnh Lực lương vũ trang là một trong những nhà lãnh đạo được lòng dân nhất ở Ukraine.
CNN trích dẫn ý kiến của hai sĩ quan giấu tên bình luận về việc sa thải Zaluzhny:
“Có cảm giác rằng Syrsky là người phù hợp. Nhưng tôi rất tiếc vì Zaluzhny bị sa thải. Tôi không nghĩ tình hình mặt trận sẽ dễ dàng hơn. Syrsky gần gũi với chính quyền, nhưng ông ấy cần phải độc lập” - sĩ quan thứ nhất nói.
Đến lượt mình, sĩ quan thứ hai phê phán quyết định của Tổng thống và phát biểu rằng giữa lúc quyết liệt nhất của chiến tranh, không nên sa thải tổng tư lệnh.
“Sẽ chẳng có gì tốt đẹp cả. Điều này chỉ có lợi cho người Nga” - ông ta nói.
Ngày đăng: 16:32 | 01/03/2024
Trần Đình / CAND