Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi tăng thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép từ Trung Quốc lên mức cao gấp 3 lần hiện tại nhằm đảm bảo "cạnh tranh công bằng", động thái được dự báo sẽ kéo theo các phản ứng tương xứng từ Bắc Kinh.
Trong bài phát biểu trước người lao động ngành thép tại thành phố Pittsburgh thuộc bang Pennsylvania, nơi được mệnh danh là trung tâm của lĩnh vực luyện kim Mỹ, Tổng thống Joe Biden tuyên bố ông đã yêu cầu tăng thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép từ Trung Quốc lên "gấp 3 lần" so với hiện tại, động thái được ông mô tả là nhằm đảm bảo thế "cạnh tranh công bằng" cho các ngành luyện kim Mỹ trước nguồn thép, nhôm nhập khẩu giá rẻ từ nước ngoài, New York Times ngày 18/4 đưa tin. Theo Tổng thống Biden, ông sẵn sàng dẫn dắt nước Mỹ "cạnh tranh công bằng với Trung Quốc và không phải muốn xung đột", khẳng định Washington "đang ở vị thế mạnh mẽ để chiến thắng cuộc cạnh tranh kinh tế của thế kỷ 21 với Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác".
Đầu tư vào sản xuất tại Mỹ, bao gồm ngành công nghiệp thép, được ông Biden xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu, trong bối cảnh thép nội địa đóng vai trò quan trọng trong sản xuất ôtô, thiết bị công nghiệp và xây dựng cầu đường của Mỹ. Washington hiện áp thuế 7,5% đối với nhôm và thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi các biện pháp mới được áp dụng, mức thuế đó có thể tăng lên 25%. Giới quan sát tin rằng, tuyên bố của ông Biden phản ánh sự giao thoa giữa nỗ lực tranh cử và chính sách thương mại quốc tế, trong đó ông một mặt muốn thu hút sự ủng hộ của cử tri ngành luyện kim, mặt khác thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc. Số liệu của cơ quan thống kê Mỹ chỉ ra rằng, nước này nhập khẩu khoảng 6,1 tỷ USD sản phẩm thép trong 12 tháng gần nhất, nhưng chỉ 3% trong số đó đến từ Trung Quốc. Viện Sắt thép Mỹ cho biết, Bắc Kinh là đối tác cung cấp thép lớn thứ 7 của Mỹ, xếp sau Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức.
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Biden, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington (Mỹ) đã lập tức lên tiếng chỉ trích Mỹ đang "lặp đi lặp lại những sai lầm tương tự nhau" khi tìm cách tăng thuế đối với thép, nhôm Trung Quốc. Phát ngôn viên phía Trung Quốc cũng mô tả các gói thuế quan đó là "hiện thân của chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ" mà Washington duy trì. Trung Quốc hiện chưa đưa ra biện pháp đáp trả nào nhưng thường sẽ công bố chúng sau khi chính sách của Mỹ được ban bố chính thức.
Bước sang năm cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Biden, những khúc mắc trong lĩnh vực thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa được hóa giải. Trong hai năm 2018 và 2019, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng nghìn mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị lên tới 370 tỷ USD. Chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn giữ nguyên chính sách thuế quan này, đồng thời bổ sung một số biện pháp siết chặt khác, viện dẫn những lo ngại về an ninh.
Theo Reuters, diễn biến mới nhất nêu trên xuất hiện vào thời điểm cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có dấu hiệu tăng nhiệt. Ngày 17/4, cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) thông báo tiến hành điều tra các hoạt động thương mại của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu, hàng hải và logistics theo kiến nghị gần đây của một loạt nhóm công đoàn Mỹ. New York Times đưa tin, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lập tức chỉ trích gay gắt cuộc điều tra nêu trên, khẳng định nó "chứa nhiều cáo buộc sai trái, hiểu sai về các hoạt động thương mại, đầu tư thông thường" và nhằm "đổ lỗi cho Trung Quốc về các vấn đề công nghiệp của chính nước Mỹ".
Những tháng gần đây, Mỹ tiếp tục thể hiện sự phàn nàn trước tình trạng mà họ cho là "dư thừa sản xuất" của Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực xe điện (EV), công nghệ bán dẫn, năng lượng sạch và viễn thông. Washington cho rằng, Bắc Kinh thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu xe điện nhiều hơn nhu cầu thực tế, làm mất trạng thái cân bằng cung-cầu của thị trường toàn cầu dẫn đến việc các nhà sản xuất phải giảm giá bán. Vấn đề đã được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nêu trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 3/2024.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không đồng tình với quan điểm này. Tại một hội nghị kinh tế ở Paris diễn ra tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Vân Đào tuyên bố, Bắc Kinh luôn tôn trọng các quy tắc cạnh tranh lành mạnh và các doanh nghiệp xe điện Trung Quốc không hề dựa vào trợ cấp của chính phủ. "Các hãng xe điện Trung Quốc đang phát triển dựa vào đột phá công nghệ, quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng hoàn hảo. Họ cũng đối mặt với sự cạnh tranh phải phát triển nhanh", ông nói và khẳng định những cáo buộc của Mỹ và châu Âu rằng Trung Quốc "dư thừa sản xuất" là không có căn cứ.
Trong động thái thể hiện sự cứng rắn, Trung Quốc cuối tháng 3/2024 đã đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì gói trợ cấp 7.500 USD của Mỹ cho mỗi xe điện sản xuất tại Bắc Mỹ theo khuôn khổ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA).
Reuters cho biết, Mỹ ban hành IRA cuối năm 2022, có nội dung quy định các hình thức giảm thuế nhằm giúp người tiêu dùng mua xe điện đáp ứng những yêu cầu như lắp ráp tại Bắc Mỹ, có phần lớn linh kiện pin nguồn gốc từ Mỹ hoặc những quốc gia liên minh. Xe điện từ Trung Quốc không nằm trong phạm vi được trợ cấp. Bộ Thương mại Trung Quốc mô tả, việc Mỹ thông qua IRA và các quy định kèm theo dưới danh nghĩa "đối phó với biến đổi khí hậu" đã gây hại đến sự cạnh tranh công bằng của ngành xe điện toàn cầu.
https://cand.com.vn/Quoc-te/cang-thang-thuong-mai-trung-my-lai-gia-tang-i728632/
Ngày đăng: 08:26 | 19/04/2024
Thái Hà / cand.com.vn