Việc Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo từ chức đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên chính trị kéo dài một thập kỉ, đồng thời đặt ra nhiều thách thức với người kế nhiệm ông khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chuẩn bị nhậm chức và dự kiến sẽ có nhiều điều chỉnh trong quan hệ với láng giềng phía Bắc.
Sau gần một thập kỷ nắm quyền, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 7/1 thông báo ông sẽ rời khỏi vị trí lãnh đạo chính phủ và lãnh đạo đảng Tự do cầm quyền, trong bối cảnh ông đối mặt nhiều áp lực từ tranh cãi trong nội bộ đảng Tự do cũng như tỷ lệ ủng hộ của dân chúng xuống thấp. "Đất nước xứng đáng có một lựa chọn thực sự trong cuộc bầu cử sắp tới. Tôi dần nhận ra nếu phải cạnh tranh nội bộ, tôi không phải là lựa chọn tốt nhất", ông Trudeau phát biểu.
Theo Reuters, ông Trudeau sẽ tiếp tục làm Thủ tướng tới khi đảng Tự do bầu ra người kế nhiệm. Đảng Tự do được cho là sẽ phải hoàn tất việc này trước ngày 24/3, thời điểm Quốc hội Canada họp trở lại và phe đối lập tuyên bố sẽ tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm để lật đổ chính phủ của ông Trudeau. Canada dự kiến tổ chức bầu cử vào tháng 10/2025, nhưng có thể phải bỏ phiếu sớm nếu chính phủ của ông Trudeau bị bỏ phiếu bất tín nhiệm và buộc phải giải tán.
Ông Trudeau, 53 tuổi, là con trai cả của cố Thủ tướng Canada Pierre Trudeau. Ông từng là huấn luyện viên trượt tuyết rồi giáo viên trước khi tham gia chính trường vào những năm 2000. Ông đắc cử nghị sĩ quốc hội năm 2008, đại diện cho tầng lớp lao động ở Montreal. Năm 2013, ông Trudeau được bầu làm lãnh đạo đảng Tự do và trở thành Thủ tướng tháng 11/2015 với cam kết mang đến "con đường tươi sáng" cho Canada, hành động chống biến đổi khí hậu và bảo vệ quyền lợi cộng đồng bản địa. Ông tái đắc cử năm 2019 và 2021, là một trong những lãnh đạo Canada tại vị lâu nhất. Tuy nhiên, những năm vừa qua, tình hình kinh tế Canada có dấu hiệu sa sút. Quốc gia Bắc Mỹ hứng chịu lạm phát kỷ lục, giá thực phẩm tăng cao; cuộc khủng hoảng nhà ở đẩy giá nhà một số khu vực tăng 30%, khiến tỷ lệ ủng hộ ông xuống còn 33% vào cuối năm 2024.
Theo truyền thông phương Tây, có một số nhân vật đang nổi lên trên chính trường Canada và đang được cân nhắc trở thành người kế nhiệm ông Trudeau tại đảng Tự do, đầu tiên là cựu Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland, người được cho là người có vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy ông Trudeau từ chức. Bà Freeland từng là đồng minh của ông Trudeau nhưng đã từ chức vì bất đồng quan điểm về cách thức ứng phó với những cảnh báo dọa tăng thuế của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Bà Freeland cũng được đánh giá là một người theo chủ nghĩa toàn cầu. Một số hãng tin cho biết bà là người gốc Ukraine, ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột với Nga.
Nhân vật thứ hai được kì vọng là cựu Thống đốc Ngân hàng Canada (giai đoạn 2008-2013) Mark Carney, người từng giữ chức thống đốc ngoại quốc duy nhất tại Ngân hàng Anh (2013-2020) kể từ khi thành lập vào thế kỷ 17. Ông Carney là một nhà kinh tế học nổi tiếng, được công nhận là đã giúp Canada tránh được cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất năm 2008 và giúp Anh vượt qua giai đoạn Brexit đầy khó khăn. Một ứng viên khác cũng là một chuyên gia tài chính, ông Dominic LeBlanc - đương kim Bộ trưởng Tài chính Canada. Ông LeBlanc gần đây đã xuất hiện cùng Thủ tướng Trudeau trong bữa tối với Tổng thống Mỹ đắc cử Trump ở Florida.
Giới quan sát đánh giá, việc ông Trudeau chủ động từ chức là một động thái nhằm đảng Tự do củng cố sức mạnh trước thềm cuộc tổng tuyển cử tháng 10/2025, tất nhiên đó là nếu ứng viên thay thế ông nắm được thời cơ. Cuộc thăm dò mới nhất do hãng Nanos thực hiện cho thấy, Đảng Bảo thủ đối lập hiện có tỷ lệ ủng hộ 47%, cao hơn hai lần mức 21% của đảng Tự do, theo ABCNews. Dù ai là người được chọn, nhân vật kế nhiệm ông Trudeau sẽ phải đối mặt thách thức đáng kể nhất là tìm cách cân bằng hợp tác với Mỹ dưới thời ông Trump.
Trước khi nhậm chức, ông Trump đã cảnh báo sẽ áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Canada - một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế nước này khi Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Canada, đóng góp 76% kim ngạch xuất khẩu và 64% nhập khẩu của nước láng giềng. Theo số liệu của chính phủ Canada, kim ngạch thương mại song phương lên tới 2,7 tỷ USD mỗi ngày năm 2023. Hai nước là thành viên Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) từ năm 2020. USMCA thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Trong động thái khiến chính trường Canada thêm bối rối, ngay sau khi Thủ tướng Trudeau thông báo kế hoạch từ chức, ông Trump đã lập tức nêu lại ý tưởng "sáp nhập" Canada vào Mỹ. Phát biểu tại họp báo ở dinh thự riêng Mar-a-Lago ngày 7/1, ông Trump thậm chí cảnh báo Washington có thể dùng "sức mạnh kinh tế" để "Canada và Mỹ hợp làm một".
Ý tưởng này đã lập tức bị Canada phản đối. Thủ tướng Trudeau ngày 8/1 khẳng định: "Không có cơ hội nào để Canada trở thành một phần của Mỹ" và rằng "người lao động và cộng đồng ở cả hai quốc gia chúng ta đều được hưởng lợi khi trở thành đối tác thương mại và an ninh lớn nhất của nhau". Trước đó, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cũng tuyên bố Canada có một nền kinh tế mạnh mẽ và "chúng tôi sẽ không bao giờ lùi bước trước các mối đe dọa".
https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/canada-tim-nguoi-ke-nhiem-ong-trudeau-i755963/
Ngày đăng: 08:26 | 09/01/2025
Thái Hà / cand.com.vn