Túi ngực nhân tạo chịu được lực tác động của ôtô 4 bánh chèn qua nên không bị nổ, mà nguy cơ chảy máu vết mổ do chênh lệch áp suất.

Phó giáo sư Lê Hành, Chủ tịch hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam (VSAPS) khẳng định không có cơ sở khoa học cho thấy sẽ "nổ túi ngực nhân tạo" do chênh lệch áp suất khi đi máy bay. Thực tế, độ bền của túi đặt ngực rất cao, chịu được lực tác động lớn của ôtô 4 bánh chèn qua nhưng không hề vỡ.

Cùng quan điểm, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nói người phụ nữ đi máy bay bị chảy máu ở ngực hôm 26/7 là do chấn động vết thương hậu phẫu chứ không phải vỡ túi ngực.

"Ngành thẩm mỹ chưa hề ghi nhận vỡ túi ngực do áp suất khi đi máy bay. Nếu tình trạng thay đổi áp suất dẫn đến vỡ túi ngực thì những hành khách khác trong máy bay cũng bị ảnh hưởng làm tổn thương các bộ phận cơ thể", bác sĩ Dung nói.

Theo bác sĩ, mổ đặt túi ngực trong vòng một tuần đến 10 ngày, nguy cơ chảy máu ồ ạt ngoài vết mổ xảy ra thường do bật các đốt cầm máu ở các mạch máu lớn của tuyến vú hay dưới da. Trong trường hợp này, bắt buộc phải cầm máu cho bệnh nhân.

Ngoài ra, bên trong túi ngực có silicone nên trường hợp bị vỡ, gel rò ra rất chậm quanh túi chứ không có hiện tượng nổ tung và xé toạc da gây chảy máu như nhiều người tưởng tượng.

Hiện nay các loại túi độn ngực được cấu tạo bởi vỏ là chất liệu tổng hợp dẻo, dai, bên trong chứa silicone dạng gel, rất bền với áp suất. Nếu không có lỗi kỹ thuật thì túi chỉ vỡ khi có áp lực mạnh sau khi bị vật sắc nhọn đâm thủng trong quá trình thao tác kỹ thuật, tai nạn hoặc do thời gian mài mòn ở những chỗ gấp của vỏ túi.

Thông thường sau khoảng 10 ngày đặt túi ngực, bệnh nhân sẽ được xuất viện. Để hạn chế chảy máu sau nâng ngực, bệnh nhân cần tuyệt đối tránh kéo nặng, bê vác nặng, thường xuyên làm các động tác giơ tay cao. Mặc áo ổn định phom dáng ít nhất trong 3 tuần để bầu ngực ít xê dịch khi di chuyển, giảm nguy cơ chảy máu.

Một ngày sau mổ đặt túi nâng ngực cần mặc áo định hình để giữ bầu ngực không rung lắc di động. Sau một tuần có thể vuốt ve bầu ngực nhưng không được mạnh tay vì có thể còn đau sau phẫu thuật. Tái khám đúng hẹn sau phẫu thuật thẩm mỹ và khám định kỳ sau 5-10 năm nâng ngực để tránh bị rò rỉ gel trong túi ngực.

Người phẫu thuật nâng túi ngực nên hạn chế đi máy bay 5 đến 7 ngày trước và sau phẫu thuật để hạn chế nhiễm trùng vết mổ. Sau 2 tuần có thể di chuyển bằng máy bay bình thường.

Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác biến chứng sau nâng ngực của bệnh nhân cần kiểm tra lâm sàng và xem thời gian bệnh nhân đặt túi ngực. Bệnh nhân cần được kiểm tra chụp X-quang nhũ ảnh - phim dành riêng chụp vú để phát hiện bất thường trong túi ngực như biến dạng, có nếp gấp, có dịch để được xử trí kịp thời.

Thùy An

can trong khi di may bay ngay sau phau thuat nang nguc Nữ hành khách chảy máu ngực trên máy bay do chấn động hậu phẫu

Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng trong tình trạng chảy máu vết thương phẫu thuật thẩm mỹ ...

can trong khi di may bay ngay sau phau thuat nang nguc Những vụ "nổ" túi ngực gây hoang mang cho chị em

Phẫu thuật thẩm mĩ đang được phái nữ lựa chọn ngày càng nhiều. Bên cạnh ưu điểm đem đến vẻ đẹp hoàn hảo hơn cho ...

can trong khi di may bay ngay sau phau thuat nang nguc Máy bay đi Vinh hạ cánh khẩn cấp cứu khách nữ vỡ túi ngực

Máy bay Vietnam Airlines bay từ TP.HCM đi Vinh (Nghệ An) phải hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng để cứu hành khách bị chảy ...

Ngày đăng: 15:06 | 29/07/2019

/ vnexpress.net