Liên tiếp trong cùng một ngày, hai vụ việc dẫn đến cái chết thương tâm của 4 đứa trẻ khi bố mẹ để con ở nhà một mình khiến dư luận đau xót và nhiều bậc phụ huynh lo sợ. Những vụ việc này một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh các bố mẹ về sự an toàn cho trẻ nhỏ khi để con ở nhà không có người trông coi.
Trong vụ việc xảy ra ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, hai anh em trai L.H.T (SN 2008) và L.H.T (SN 2017) ở nhà trông nhau khi ba mẹ đi công việc thì bị đuối nước thương tâm tại một cái ao gần nhà.
Ngồi như mất hồn một mình trong căn nhà tạm bợ nằm sâu trong con đường đất Kênh Trung Ương (xã Vĩnh Lộc B), được dựng bằng tôn và cây, mái nhà thì dột nát, nói về cái chết của hai con, chị Lê Thị Cum Bọ (SN 1983, quê Tây Ninh) lại òa khóc.
Theo chia sẻ của chị Bọ, đầu giờ chiều 11/9, chị cùng chồng đi xuống huyện Bình Chánh làm giấy tờ, để hai con ở nhà cùng chơi với nhau, anh trông em. Khoảng 16h cùng ngày, chị Bọ điện thoại về dặn dò hai con tự ăn uống. Chừng hơn một tiếng sau, chị Bọ tiếp tục gọi về nhiều lần cho các con nhưng không ai nghe máy. Lúc này, chị Bọ điện thoại nhờ hàng xóm sang nhà kiểm tra thì không thấy hai con ở trong nhà.
Khi người hàng xóm tìm tại khu vực ao nước gần nhà thì phát hiện chiếc dép nổi trên mặt ao, liền báo lại cho chị Bọ. “Lúc đó, trong người tôi khó chịu lắm, linh tính có việc chẳng lành nên nói hàng xóm tìm ở khu vực ao. Khi họ nói có chiếc dép màu xanh của con hay mang đang ở ao nước, tay chân tôi rụng rời”, chị Bọ òa khóc.
Lúc đó, chị Bọ đang ở cách nhà hơn chục km. Linh tính của một người mẹ, chị Bọ giục chồng chạy mau về nhà. “Dọc đường có va vào xe của người ta. Vợ chồng tôi kể sự tình nên họ thương tình cho đi… Về đến, tôi thấy bốn chiếc dép, thằng lớn mang dép tổ ong màu trắng, nhỏ mang dép xanh là tôi hết hồn biết rồi, xong rồi. Con mất hết rồi giờ tôi còn gì nữa đâu…”, người phụ nữ nấc nghẹn.
Điều đau đớn là cách đây mấy tháng, người mẹ tội nghiệp cũng mất đi đứa con gần 2 tuổi của mình ở chính ao nước này. “Chuyện hồi năm ngoái, hôm đó cháu ở nhà mà bò ra ao lúc nào không ai hay…”, chị Bọ đau xót kể lại.
Theo quan sát, ao nước nơi xảy ra sự việc thương tâm rộng chừng vài chục mét vuông, sâu chừng 5 mét, chỉ cách nơi ăn, ngủ của bốn người của cả nhà chị Bọ chừng mười bước chân.
Chị Bọ cho biết “căn nhà” nơi gia đình mấy mẹ con chị Bọ tá túc thực tế đây chỉ là nơi với một vài tấm tôn gác lên một số cây cọc, xung quanh không có tường bao, chỉ có hàng rào lưới B40 dùng quây ranh giới đất, người thân thấy cảnh khổ nên cho gia đình chị ở nhờ, như coi giúp đất cho người ta.
Cái tên Bọ cũng gắn liền với cuộc sống truân chuyên, cơ cực của chị. Chị không có việc làm, chị từng có một đời chồng, hiện ở với chồng sau mà không có nhà cửa, giấy tờ đăng ký gì. Hàng ngày gia đình chị nhận hàng hóa là dây điện về để bóc ra, đốt bỏ lấy lõi đồng bên trong bán lấy tiền tiêu xài. Hôm nào vợ chồng chị Bọ đi làm vắng thì hai con nhỏ tự ở nhà trông nhau, nấu cơm nước…
“Có thể anh trai thấy em đuối nước nên ra cứu và hai anh em cùng mất”, một hàng xóm suy đoán.
Sáng 11/9, không khí tang thương bao phủ cả hẻm 204 đường Thống Nhất, phường 10, quận Gò Vấp. Những người hàng xóm vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa trước sự mất mát quá lớn của vợ chồng anh P.B.P. (SN 1990) và chị T.T.T.T. (SN 1993, cùng ngụ tỉnh Bình Phước), khi cả hai đứa con nhỏ của họ (bé gái SN 2013 và bé trai SN 2017) đã tử vong trong vụ cháy vào lúc rạng sáng cùng ngày.
Căn nhà cháy nằm ở khu dân đông đúc, cách đường lớn khoảng 200m. Nhiều người dân sống bên cạnh đã mang bình cứu hỏa mini dập lửa nhưng bất thành. Do căn nhà chứa nhiều đồ đạc gia dụng, quần áo, nhất là thùng xốp dễ bắt lửa khiến hỏa hoạn nhanh chóng bùng phát.
Hai xe chuyên dụng cùng 15 chiến sĩ PCCC&CNCH tới hiện trường. Lính cứu hỏa kéo vòi rồng dập lửa, khống chế vụ cháy lúc khoảng 3h30. Cảnh sát phá cửa vào bên trong, song hai đứa trẻ đã tử vong. Toàn bộ tầng trệt và gác lửng cháy rụi.
Ông Nguyễn Văn Thắng (53 tuổi), hàng xóm sinh sống gần hiện trường cũng là người trực tiếp tham gia chữa cháy ban đầu, bàng hoàng khi kể lại vụ việc. Lúc đó khoảng 3h sáng, ông đang ngủ thì bị tiếng la hét bên ngoài đánh thức. “Tôi mở cửa thì thấy ngọn lửa đỏ rực đã bao trùm căn nhà. Tôi vội chạy đến cùng 3 người đàn ông hàng xóm khác dùng bình chữa cháy mini phun vào đám cháy. Nhưng do cửa khóa trái và đám cháy quá lớn, bén sang trụ điện trước nhà, nhiều tiếng nổ phát ra nên mọi người bất lực”, ông Thắng kể lại.
Theo người dân trong xóm, vợ chồng anh P. thuê căn nhà trên để sinh sống cùng hai con nhỏ và thường ra khỏi nhà lúc 2-3h sáng để đi lấy cá ở chợ đầu mối Bình Điền về bán lại vào buổi sáng. Và đều đặn như vậy, vợ chồng anh P. đều khóa cửa ngoài để hai con nhỏ ngủ trong nhà cho đến khi họ về nhà…
Có thể thấy, hai vụ việc trên với cái chết của bốn trẻ nhỏ và chuyện đau lòng xảy ra trong khi cha mẹ các bé đều không có mặt ở nhà. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, khi cha mẹ để các con nhỏ của mình ở nhà ban ngày cũng như ban đêm cần phải dặn dò chúng trước các nguy hiểm có thể xảy ra vì trẻ rất dễ tò mò, nghịch ngợm khi ở nhà một mình hoặc bị nhốt trong nhà…
Theo BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP Hồ Chí Minh), phụ huynh cần hết sức chú ý tới trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Không nên để trẻ nhỏ ở nhà một mình, luôn luôn quan sát trẻ...
Trong trường hợp phải đi khỏi nhà một thời gian, cha mẹ cần dặn dò không cho trẻ chơi gần ao, hồ, kênh, rạch; cần che đậy kín các vật chứa nước trong nhà, các ổ cắm điện… ; khi đi tắm hồ bơi, không cho trẻ nhỏ vào hồ bơi dành cho trẻ lớn, ngưới lớn và luôn để mắt trông chừng trẻ…
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh, qua quá trình điều tra, nguyên nhân các vụ cháy, đa phần là do người thân khóa trái cửa để xảy ra các hậu quả đáng tiếc.
Nhằm tăng cường phổ biến kiến thức và kỹ năng an toàn PCCC cho trẻ nhỏ khi ở nhà một mình, Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo đến các gia đình một số lưu ý, biện pháp đảm bảo an toàn PCCC cho trẻ nhỏ. Theo đó, các gia đình cần hướng dẫn trẻ nhỏ biết về nguy hiểm và nghiêm cấm trẻ tiếp cận tự ý sử dụng các thiết bị sinh ra nguồn lửa, nguồn nhiệt đề phòng cháy, nổ.
Nhắc nhở trẻ nhỏ tắt các thiết bị điện không cần thiết vào buổi tối. Đặt chìa khóa cửa chính tại một nơi quy định hoặc trong tầm tay của các em nhỏ khi đi ngủ để các em nhỏ có thể tìm được chìa khóa nhanh chóng và mở cửa trong trường hợp có hỏa hoạn.
Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở… Chủ động tạo điều kiện cho trẻ nhỏ tham gia các lớp tập huấn rèn luyện kỹ năng sống, hướng dẫn kỹ năng PCCC&CNCH do các đơn vị, cơ quan chức năng tổ chức…
https://cand.com.vn/doi-song/can-trong-khi-de-tre-nho-o-nha-mot-minh-i707006/
Ngày đăng: 08:35 | 14/09/2023
Phú Lữ / cand.com.vn