Do ảnh hưởng bão số 4 cùng với những đợt mưa lớn liên tiếp kéo dài trung tuần tháng 10/2022 qua, tình trạng sạt lở bờ biển ở tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp diễn càng nghiêm trọng hơn. Ngoài việc đắp kè tạm, chính quyền và người dân địa phương mong chờ bộ, ngành Trung ương quan tâm bố trí nguồn vốn để kiên cố hóa kè biển.
Những ngày qua, chính quyền xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) tiếp tục huy động lực lượng Công an xã, Hải đội 2 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế), cùng nhiều phương tiện máy móc phối hợp cùng người dân địa phương khẩn trương thực hiện đắp bao cát, rọ đá tại điểm sạt lở bờ biển ở thôn An Dương 1. Những người dân có nhà ở gần điểm sạt lở này cho biết, những năm trước, bờ biển cách xa khu dân cư; nhưng sau các đợt mưa bão cộng với triều cường, sóng lớn đã “cuốn bay” rừng phòng hộ phi lao.
Trước thực trạng biển xâm thực đe dọa khu dân cư, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế được giao làm chủ đầu tư dự án xây kè chống sạt lở bờ biển An Dương 1. Tuy nhiên, khi tuyến kè này vừa mới xây dựng được một đoạn thì tình trạng sạt lở từ điểm múi kè đến các vị trí chưa được xây kè diễn biến nghiêm trọng.
“Những đợt mưa lớn liên tiếp trong tháng 10/2022 cộng với sóng biển lớn và triều cường đã khiến bờ biển ở thôn chúng tôi sạt lở nghiêm trọng. Nhiều đoạn sạt lở ăn sâu vào bờ từ 10m đến 15m, chiều dài 500m. Hàng phi lao phòng hộ nhiều năm tuổi cũng bị sóng biển cuốn đổ ngã, tạo ra nhiều hàm ếch nguy hiểm.
Những ngày qua, người dân trong thôn cùng với lực lượng các đơn vị đã sử dụng bao cát, rọ đá để đắp kè nhằm giảm bớt tốc độ sạt lở do sóng biển gây ra”, ông Nguyễn Văn Hai ở thôn An Dương 1 nói. Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, hiện tuyến bờ biển qua địa bàn các thôn An Dương 1, Xuân An, Tân An vốn đã bị sạt lở nay càng nghiêm trọng hơn do ảnh hưởng thiên tai. Ngoài đắp bờ kè tạm, về lâu dài, chính quyền địa phương và người dân rất mong các cấp, bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án xây kè chắn sóng kiên cố tại các điểm sạt lở này.
Tại bờ biển xã Giang Hải, huyện Phú Lộc dù đã được đầu tư xây dựng kè chống sạt lở, nhưng những điểm nằm ở múi nối kè chưa được xây dựng tiếp tục sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể tại khu vực thôn 4, thôn Mỹ Cảnh, xã Giang Hải, bờ biển bị sạt lở với chiều dài khoảng 1.400m. Nước biển xâm thực, tràn qua bờ cát và rừng phi lao phòng hộ ven biển rồi chảy vào đồng ruộng gây ảnh hưởng vùng nuôi trồng thủy sản của người dân.
Tại xã biển Phong Hải, huyện Phong Điền, tình trạng sạt lở nghiêm trọng diễn ra ở thôn Hải Thành với chiều dài gần 1km, ăn sâu vào đất liền 5m. Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, sau nhiều đợt di dân tái định cư, hiện vẫn còn 36 hộ dân ở thôn Hải Thành ở cách điểm sạt lở bờ biển từ 50m đến 80m. Qua mỗi mùa mưa bão, tình trạng sạt lở lại tiếp diễn, đe dọa khu dân cư và vùng nuôi trồng thủy sản của người dân.
Thời gian qua, xã đã thực hiện các giải pháp như sử dụng vật liệu làm kè tạm, trồng cây rừng giữ đất nhưng vẫn không thể nào ngăn chặn được nạn sạt lở bờ biển. “Mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân và chính quyền xã đều có kiến nghị cấp trên quan tâm tạo điều kiện cấp kinh phí để xã xây dựng tuyến kè biển kiên cố tại các khu vực sạt lở với tổng chiều dài 4km. Đến mùa mưa bão năm nay, người dân tiếp tục mong chờ có tuyến kè biển để giảm thiểu tình trạng sạt lở, xâm thực”, ông Sửu chia sẻ.
Theo thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 12,4km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, tập trung tại địa bàn các xã ven biển như Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên (huyện Phú Vang); Giang Hải, Vinh Hiền, Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc); Phong Hải (huyện Phong Điền); Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền); Hải Dương (TP Huế)… Vào mùa mưa bão năm nay, tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp và đang đe dọa tính mạng, tài sản của hơn 1.500 hộ dân sinh sống ở khu vực giáp bờ biển.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng một số tuyến kè bằng bê tông tại các bờ biển xung yếu. Tuy nhiên, trước thực trạng sạt lở bờ biển tiếp diễn nghiêm trọng, mới đây Ban đã kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ cấp kinh phí thực hiện các dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, nâng cấp an toàn hồ chứa. Trong đó ưu tiên chỉnh trị ổn định, chống bồi lấp cửa biển Thuận An, Tư Hiền, cửa biển Lạch Giang, cửa sông Bù Lu và hỗ trợ xử lý sạt lở 2km bờ biển xung yếu trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đề nghị Tổng cục PCTT quan tâm hỗ trợ nguồn vốn thực hiện 2 dự án di dời khẩn cấp 123 hộ dân khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét với tổng kinh phí 52 tỷ đồng.
“Việc đầu tư xây dựng, kiên cố hóa các tuyến kè biển tại những khu vực bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng đang được chính quyền địa phương và người dân hết sức mong đợi. Bởi lẽ, xây dựng kè biển được xem là giải pháp tối ưu để chống sạt lở, xâm thực bờ biển, giúp người dân ở vùng ven biển an tâm sinh sống, lao động sản xuất”, ông Hùng bày tỏ.
https://cand.com.vn/doi-song/can-som-xay-ke-chong-sat-lo-bo-bien-thua-thien-hue-i671264/
Ngày đăng: 08:47 | 18/10/2022
Anh Khoa / cand.com.vn