Câu chuyện huyện uỷ, UBND huyện Yên Định tỉnh Thanh Hoá nợ tiền người dân để ăn uống, sửa xe… lên tới hơn 50 tỉ đồng mà không có khả năng chi trả đang xôn xao dư luận. Điều đáng nói là vấn đề này không chỉ xảy ra ở Yên Định. Cơ quan cấp trên ở nhiều tỉnh đã phải đau đầu về vấn đề cấp huyện nợ tiền tỉ ăn uống, tiếp khách lâu nay.
Huyện nghèo nhưng cán bộ vay nợ tiền tỉ để liên hoan, sửa xe
Ngày 16.3, sau khi có thông tin phản ánh về việc Huyện ủy, UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) mắc nợ nhiều cá nhân trong và ngoài cơ quan, với số tiền lên đến hơn 50 tỉ đồng, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có chỉ đạo xác minh rõ vụ việc.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đào Xuân Yên - Chánh văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, vào chiều qua (15.3), ngay sau khi có thông tin phản ánh về vụ việc Huyện ủy, UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) mắc nợ nhiều cá nhân trong và ngoài cơ quan, với số tiền lên đến hơn 50 tỉ đồng, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có chỉ đạo huyện Yên Định xác minh, làm rõ thông tin trên.
Cụ thể, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Định nhanh chóng làm rõ sự việc, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra các sai phạm (nếu có), báo cáo kết quả xác minh đến Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa trước ngày 30.3.2020.
Trước đó, trả lời PV Báo Lao Động, ông Lưu Vũ Lâm - Chủ tịch UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) - xác nhận, việc Huyện ủy, UBND huyện Yên Định đang vay nợ nhiều cá nhân trong và ngoài cơ quan, với số tiền hơn 50 tỉ đồng. Trong đó, Huyện ủy nợ 29 tỉ, UBND huyện nợ 23 tỉ.
Theo ông Lâm, số nợ nay chủ yếu tập trung vào các năm từ 2013 đến năm 2015, do lãnh đạo huyện (cả Huyện ủy và UBND) thời điểm đó vay của các cá nhân trong và ngoài cơ quan, để chi tiêu vào các việc như: Tiếp khách, ăn uống, sửa xe, lắp bàn ghế… và rất nhiều việc khác.
Cũng theo ông Lâm, số nợ trên là do các lãnh đạo thời điểm đó vay để sử dụng vào các công việc của cơ quan và không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Do đó, số nợ này hiện không thể giải quyết được.
Việc cán bộ huyện nợ tiền liên hoan, tiếp khách đến tiền tỉ không phải là hiếm. Cách đây đúng 1 năm, một số nhà hàng ở huyện Tương Dương - Nghệ An phán ánh việc họ bị huyện nợ các khoản tiền liên quan đến ăn uống, tiếp khách lên tới cả tỉ đồng.
Theo sổ sách từ các nhà hàng, Văn phòng huyện Tương Dương từ năm 2011 đến 2015 nợ các nhà hàng trên địa bàn với số tiền lớn. Cụ thể, nợ nhà hàng Lễ Quế 1,4 tỉ, nợ nhà hàng Vinh Phượng hơn 1 tỉ đồng… Điều đáng nói, Tương Dương là một trong những huyện nghèo nhất của Nghệ An.
Hay năm 2018, tại huyện Kỳ Anh nhiều chủ cửa hàng đã tố lãnh đạo xã tổ chức ăn nhậu và ghi sổ nợ từ 2014 đến 2017. Trong đó, UBND xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) nợ 31 triệu đồng; UBND xã Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) nợ 111 triệu đồng…
Nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm
Cùng trao đổi về việc này, ông Bùi Văn Phương - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH Ninh Bình - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc để xảy ra khoản nợ như vậy trước tiên có thể xác định công tác chuyên môn trong việc chi tiêu hành chính là chưa chuẩn. Cơ quan kế hoạch tài chính của cấp huyện đã không thực hiện đúng chức năng quản lý ngân sách dẫn tới việc chi tiêu bừa bộn và dẫn tới khoản nợ lớn như vậy. Việc này cũng cho thấy, quy trình quản lý chi tiêu hành chính của các đơn vị này chưa chặt chẽ. Việc đi đâu của lãnh đạo, đến đâu, làm việc gì đều đã có các quy định cụ thể của pháp luật và trong các định mức chi tiêu chứ không phải thích chi gì thì chi, tiêu gì thì tiêu.
Dẫn các quy định của Luật Tài chính Ngân sách, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, các khoản chi tiêu hành chính đều đã được quy định rõ ràng. Lãnh đạo các cơ quan cần phải nắm được để chi tiêu “liệu cơm, gắp mắm” chứ không phải tiền không có mà chi tiêu bừa phứa, mang nợ. “Nếu vung tay, quá trán, nguồn có ít nhưng vẫn cứ chi, cứ tiêu thì ở đây có trách nhiệm của lãnh đạo. Nhưng cơ quan tham mưu cần phải có tham mưu kịp thời để cảnh báo cho lãnh đạo nắm được tình hình tài chính của cơ quan. Đồng thời phải có dự báo, cảnh báo về khả năng trả nợ để lường trước các tình huống”.
Còn ông Nguyễn Tiến Sinh (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, sự việc một huyện nợ các cá nhân, nợ từ bên trong ra bên ngoài với số tiền lên tới 50 tỉ đồng như báo chí phản ánh cần phải được xem xét, điều tra làm rõ. Các cơ quan chuyên môn, cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra cần làm rõ việc này để xác định rõ thực hư các khoản vay nợ như thế nào, việc chi tiêu cụ thể của các cơ quan huyện ủy và ủy ban. Việc để nợ một số tiền lớn như vậy cho thấy bộc lộ những lỗ hổng trong công tác quản lý, chi tiêu ngân sách.
Việc cơ quan công quyền cấp huyện nợ người dân để tiếp khách, ăn nhậu, sửa xe rõ ràng là cần phải xem xét, xử lý. Bởi đây không chỉ là câu chuyện giữa các cá nhân mà còn là uy tín của cơ quan công quyền: Sẽ chỉ đạo và thực hiện những nhiệm vụ chính trị - xã hội tại địa phương thế nào khi chính mình đang là con nợ của người dân?
“Về nguyên tắc tài chính thì ông nào lệnh sai, ông nào làm sai, thực hiện sai đều có trách nhiệm trong việc này. Đồng thời, cần phải xác định rõ việc này là việc vay giữa các cá nhân với nhau hay giữa cơ quan, tổ chức với cá nhân. Trong sự việc này cần phải xét đến trách nhiệm của người đứng đầu và những người có liên quan. Việc lệnh chi tiêu cũng phải dựa trên căn cứ pháp luật, khả năng tài chính - ngân sách của địa phương chứ không thể có chuyện chi tiêu bừa bãi, vung tay quá trán như vậy được”- ông Nguyễn Tiến Sinh nhận định.
ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh: Không thể cứ thích là chi
Việc chi tiêu phải được thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định về tài chính của pháp luật. Không thể có chuyện cứ bí thư, chủ tịch lệnh là chi. Những khoản được chi tiêu thường xuyên vào những khoản gì, như thế nào đều có các quy định cụ thể của pháp luật. Việc chi như thế nào đều phải có hóa đơn chứng từ thì mới được thanh toán, quyết toán và việc này phải được thực hiện trong thời gian cụ thể.
Câu chuyện chi tạm ứng thì vẫn thường xảy ra ở nhiều cơ quan đơn vị. Tuy nhiên những khoản chi đó thường do tài chính cấp muộn hoặc thủ tục thanh toán chưa được kịp thời và nợ trong quỹ, hoặc trong năm tài chính. Do đó, việc này cần các cơ quan Ủy ban Kiểm tra, cơ quan Thanh tra vào cuộc thì mới có thể xác định được những khoản chi tiêu đó cụ thể như thế nào. Có việc cố ý làm trái hay chi tiêu tài chính ngân sách sai quy định không.
PGS-TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: Sự việc ảnh hưởng tới uy tín của chính quyền
Việc chi ngân sách phải chi theo dự toán. Nguyên tắc phải chi theo dự toán. Và chi theo dự toán thì hết năm phải quyết toán ngân sách. Do đó những khoản gì đã chi tiêu theo đúng dự toán thì hết năm phải được quyết toán hết. Do vậy việc để nợ đọng số tiền lớn như vậy là rất khó hiểu.
Như vậy, ở đây đặt ra vấn đề các cơ quan này đã thực hiện việc chi không theo dự toán. Và chi không theo dự toán thì trách nhiệm đầu tiên là người quyết định việc đó. Thứ hai, về nguyên tắc, trong quá trình thanh quyết toán có thể có những khoản công nợ, chưa thể thanh toán được. Như vậy, cuối năm phải đối chiếu công nợ xem khoản phải thu, khoản phải trả như thế nào. Nhưng ở đây đặt ra câu hỏi tại sao lại có việc nợ kéo dài nhiều năm như vậy. Ở đây có trách nhiệm của những người cơ quan tham mưu về tài chính trong việc để xảy ra nợ như vậy, cơ quan quản lý, đối chiếu công nợ.
Nếu như những khoản nợ này thuộc khoản nợ đầu tư, xây dựng cơ bản thì theo quy định của pháp luật, những khoản nợ này cũng phải được thanh toán rồi chứ không để tồn đọng như vậy. Nếu nợ xây dựng cơ bản vẫn còn mà vẫn tiếp tục đầu tư dự án mới cũng là không đúng với quy định của pháp luật.
Ở đây cần phải xác định lại khoản nợ này là cái gì. Nếu là những khoản chi không nằm trong các dự toán thì trách nhiệm trước hết thuộc về người quyết định chi. Nếu nằm trong dự toán mà không thực hiện việc thanh quyết toán thì trách nhiệm thuộc về những người tham mưu, quản lý tài chính. Việc này cũng không phải khó xác định trong việc làm rõ ngọn ngành của nguồn nợ này.
Nếu như một chính quyền địa phương để khoản nợ dài như vậy, liên quan tới những khoản chi không thường xuyên thì đó là vấn đề rất nghiêm trọng trong việc chi tiêu. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới việc thất thoát ngân sách mà còn ảnh hưởng tới cơ quan quản lý nhà nước đó là chính quyền. T.V
ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh: Không thể cứ thích là chi
Việc chi tiêu phải được thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định về tài chính của pháp luật. Không thể có chuyện cứ bí thư, chủ tịch lệnh là chi. Những khoản được chi tiêu thường xuyên vào những khoản gì, như thế nào đều có các quy định cụ thể của pháp luật. Việc chi như thế nào đều phải có hóa đơn chứng từ thì mới được thanh toán, quyết toán và việc này phải được thực hiện trong thời gian cụ thể.
Câu chuyện chi tạm ứng thì vẫn thường xảy ra ở nhiều cơ quan đơn vị. Tuy nhiên những khoản chi đó thường do tài chính cấp muộn hoặc thủ tục thanh toán chưa được kịp thời và nợ trong quỹ, hoặc trong năm tài chính. Do đó, việc này cần các cơ quan Ủy ban Kiểm tra, cơ quan Thanh tra vào cuộc thì mới có thể xác định được những khoản chi tiêu đó cụ thể như thế nào. Có việc cố ý làm trái hay chi tiêu tài chính ngân sách sai quy định không.
PGS-TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: Sự việc ảnh hưởng tới uy tín của chính quyền
Việc chi ngân sách phải chi theo dự toán. Nguyên tắc phải chi theo dự toán. Và chi theo dự toán thì hết năm phải quyết toán ngân sách. Do đó những khoản gì đã chi tiêu theo đúng dự toán thì hết năm phải được quyết toán hết. Do vậy việc để nợ đọng số tiền lớn như vậy là rất khó hiểu.
Như vậy, ở đây đặt ra vấn đề các cơ quan này đã thực hiện việc chi không theo dự toán. Và chi không theo dự toán thì trách nhiệm đầu tiên là người quyết định việc đó. Thứ hai, về nguyên tắc, trong quá trình thanh quyết toán có thể có những khoản công nợ, chưa thể thanh toán được. Như vậy, cuối năm phải đối chiếu công nợ xem khoản phải thu, khoản phải trả như thế nào. Nhưng ở đây đặt ra câu hỏi tại sao lại có việc nợ kéo dài nhiều năm như vậy. Ở đây có trách nhiệm của những người cơ quan tham mưu về tài chính trong việc để xảy ra nợ như vậy, cơ quan quản lý, đối chiếu công nợ.
Nếu như những khoản nợ này thuộc khoản nợ đầu tư, xây dựng cơ bản thì theo quy định của pháp luật, những khoản nợ này cũng phải được thanh toán rồi chứ không để tồn đọng như vậy. Nếu nợ xây dựng cơ bản vẫn còn mà vẫn tiếp tục đầu tư dự án mới cũng là không đúng với quy định của pháp luật.
Ở đây cần phải xác định lại khoản nợ này là cái gì. Nếu là những khoản chi không nằm trong các dự toán thì trách nhiệm trước hết thuộc về người quyết định chi. Nếu nằm trong dự toán mà không thực hiện việc thanh quyết toán thì trách nhiệm thuộc về những người tham mưu, quản lý tài chính. Việc này cũng không phải khó xác định trong việc làm rõ ngọn ngành của nguồn nợ này.
Nếu như một chính quyền địa phương để khoản nợ dài như vậy, liên quan tới những khoản chi không thường xuyên thì đó là vấn đề rất nghiêm trọng trong việc chi tiêu. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới việc thất thoát ngân sách mà còn ảnh hưởng tới cơ quan quản lý nhà nước đó là chính quyền.
TRẦN VƯƠNG
Chủ tịch Hà Nội: Xử lý vi phạm đất rừng Sóc Sơn \'nghiêm khắc nhất\'
Theo ông Nguyễn Đức Chung, thành phố sẽ họp với Thanh tra Chính phủ để thống nhất chủ trương, cách làm với những vi phạm ... |
Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt bị \'phê bình nghiêm khắc\'
Sau 5 vụ tai nạn liên tiếp, Bộ trưởng Giao thông phê bình nghiêm khắc tập thể lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt. |
Đại biểu Lê Thanh Vân: Trừng trị nghiêm khắc người tiến cử, đề cử, bổ nhiệm cán bộ sai
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng phải có hình phạt trừng trị nghiêm khắc đối với quy trình cán bộ từ tiến cử, đề ... |
Ngày đăng: 07:59 | 17/03/2020
/ laodong.vn