Trước việc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có kế hoạch tăng phí thêm 12% trên 4 tuyến cao tốc, nhiều ý kiến cho rằng cần phải làm rõ cơ sở tăng và mức tăng so với thực tế xã hội, sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 6-10, VEC phát đi thông cáo báo chí thông tin về kết quả quản lý, vận hành các tuyến cao tốc do đơn vị quản lý, gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. VEC cũng thông báo đang xây dựng kế hoạch tăng phí sử dụng dịch vụ đường bộ từ đầu năm 2024 đối với 4 dự án đường cao tốc này.
VEC cho biết, 10 năm qua, doanh nghiệp chưa tăng phí trên cả 4 tuyến cao tốc đơn vị đang quản lý, vận hành. Trong khi đó, quy định của Bộ Giao thông Vận tải khi phê duyệt phương án tài chính cho các dự án cao tốc có lộ trình tăng phí định kỳ 3 năm một lần, mức tăng 12% cho mỗi lần. Do vậy, VEC xây dựng kế hoạch tăng phí, dự kiến thực hiện từ ngày 1-1-2024.
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện thông tin về kế hoạch tăng phí trên mới được VEC báo cáo, chưa có đề xuất cụ thể. Tuy nhiên với trách nhiệm cơ quan quản lý chuyên ngành, Cục Đường bộ sẽ rà soát. Nếu đề xuất này có những bất cập, chưa phù hợp, Cục sẽ tham mưu Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Chính phủ.
Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước và VEC cần phải làm rõ cơ sở tăng phí. Trường hợp buộc phải tăng thì nên cân đối tỷ lệ tăng (%) phù hợp với tình hình thực tế của người dân, doanh nghiệp.
Theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, việc tăng phí sử dụng đường bộ các tuyến đường được làm theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) cần căn cứ trên thực tế khai thác của từng dự án, không thể tăng theo mức chung và “gom các dự án lại” để cùng tăng ở một thời điểm.
Trước khi tăng phí, ngoài xem phương án tài chính cần tính đến các yếu tố thực tế. Nếu lượng xe tăng trưởng tốt, vượt phương án tính toán thì nhà đầu tư cần đưa ra cơ sở pháp lý để tăng hay giảm phí. Trường hợp lưu lượng xe tăng quá lớn, vượt dự toán ban đầu thì thay vì tăng phí, nhà đầu tư còn phải tính tới cả phương án giảm phí mới thỏa đáng. Cùng với đó, để tăng phí cũng cần tính đến thực tế xã hội, sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh, cần phải làm rõ cơ sở tăng. Hiện nay, nhà đầu tư, quản lý các tuyến cao tốc chỉ công bố số lượng xe, rất ít khi công bố doanh thu. Nội dung này cũng cần được công khai để người dân, dư luận giám sát.
Một số ý kiến đề xuất, sẽ hợp lý hơn nếu nhà đầu tư có các dữ liệu chứng minh cho việc tăng là hợp lý khi điều kiện người dân còn khó khăn, thị trường mới hồi phục sau giai đoạn dịch Covid-19. Đưa ra lộ trình, chia nhỏ các mức tăng phù hợp với sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp sẽ là giải pháp dễ chấp nhận hơn cả.
https://hanoimoi.vn/can-lam-ro-co-so-tang-phi-4-tuyen-cao-toc-trong-diem-645202.html
Ngày đăng: 13:56 | 17/10/2023
Tuấn Khải / HNM.com.vn