Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, khi phát hiện có học sinh mắc COVID-19 trong trường học, nhà trường cần tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh, khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Các lớp khác hoạt động bình thường.
Bước 1, các trường thông báo kết quả dương tính cho Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ an toàn COVID-19 của sở GD&ĐT, cha mẹ học sinh, cách ly tạm thời F0 tại trường. Trường cũng cần thông báo ngay cho trạm y tế địa phương để triển khai phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Bước 2, đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SPO2 dưới 97% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị COVID-19 trên cùng địa bàn hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì tư vấn, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp nhận xử lý.
Bước 3, tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Các lớp khác hoạt động bình thường.
Bước 4, cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cụ thể, người tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 tự cách ly y tế tại nhà 7 ngày, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 3 lần vào ngày thứ 1, 3, 7.
Những người tiêm chưa đủ liều vaccine thì cách ly y tế 10 ngày, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 3 lần vào ngày thứ 1, 5, 10. Còn người chưa tiêm vaccine thì cách ly y tế 14 ngày, xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, 7, 13.
Riêng với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu phát hiện 1 ca dương tính thì cho toàn bộ các em là F1 cách ly tại nhà theo quy định.
Tại hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 do Bộ Y tế phối hợp Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 16/2, TS Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế)
lưu ý tất cả cơ sở giáo dục cần phải trao đổi, liên hệ thường xuyên với trạm y tế cấp xã/phường và cơ sở y tế để khi có tình huống phát sinh có thể được hỗ trợ nhanh.
Đối với lớp có F0, tất cả học sinh ngồi tại chỗ, tổ chức xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế. Toàn bộ học sinh của lớp được test kháng nguyên nhanh, mẫu gộp. Sau đó, trường cho học sinh di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ phòng học.
Những học sinh không phải là F1, có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đi học bình thường. Nếu không có sự giao lưu, tiếp xúc giữa F0 với học sinh lớp khác, các lớp này vẫn đi học bình thường.
Trường hợp học sinh được xác định là F1, các em được ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định. Thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà đối với trường hợp học sinh F1 đã tiêm đủ liều vaccine là không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7, nếu kết quả âm tính, các em được đi học trở lại.
Học sinh F1 chưa được tiêm vaccine cũng cho nghỉ tại nhà, thời gian không quá 14 ngày, theo dõi kỹ các biểu hiện, xét nghiệm lại vào ngày thứ 7 và 13.
"Về việc thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà với F1 là học sinh, chúng tôi đang xin ý kiến các bộ, chuyên gia và trao đổi với Bộ GD&ĐT. Có thể, chúng tôi điều chỉnh thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà xuống còn 7 ngày cho tất cả đối tượng học sinh F1, kể cả đã tiêm vaccine hay chưa", TS Dương Chí Nam nói thêm.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 15/2, 54/63 tỉnh, thành phố tổ chức cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp. 59/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp.
Đối với cấp THCS 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp. Với cấp THPT, 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp. Với các cơ sở giáo dục đại học, 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp. |
PV (th)
Ngày đăng: 16:28 | 16/02/2022
/ Nghề nghiệp và cuộc sống