Lợi dụng việc Nhà nước ta tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các thế lực thù địch, phản động đã ra sức tuyên truyền, xuyên tạc cho rằng: “Ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân là sự khôn lỏi của Nhà nước, làm cho hàng triệu người khốn khổ; sở hữu toàn dân về đất đai là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trên hình thức còn thực tế đã tước quyền sở hữu của nhân dân”.

Một số trang báo hải ngoại trích dẫn những ý kiến của đối tượng chống phá Nhà nước, lấy danh nghĩa “nhà quan sát”, “nhà nghiên cứu” cho rằng, nguồn gốc của mọi tranh chấp đất đai là vấn đề sở hữu khi “người dân bị Đảng tước đoạt quyền sở hữu đất đai”, người dân đấu tranh giành chính quyền nhưng “không được sở hữu gì”!

Từ đó, các đối tượng mượn cớ “góp ý” để cổ suý tư tưởng đất đai không thể thuộc sở hữu toàn dân mà “phải giao đất đai về cho cá nhân”, người dân cần phải “đấu tranh đòi quyền sở hữu đất đai”! Qua đó, các thế lực thù địch, phản động lấy cớ kích động mâu thuẫn trong nhân dân, giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cần hiểu đúng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam -0

Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Đây là cơ sở chính trị rất quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai ở nước ta. Các thế lực thù địch và số đối tượng cơ hội chính trị, phản động đã ra sức bới móc, thổi phồng các vụ việc tiêu cực liên quan đến đất đai, những vi phạm, bất cập, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Họ quy chụp, suy diễn các vụ việc tiêu cực trong lĩnh vực quản lý đất đai liên quan đến sai phạm của một số cán bộ, đảng viên để kích động mâu thuẫn trong xã hội; qua đó bôi lem, hạ bệ vai trò của Đảng, Nhà nước, phủ nhận những thành tựu đạt được trong quản lý đất đai ở nước ta.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 3/1/2023 đến 15/3/2023.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân vào việc hoàn thiện dự án luật bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, quan tâm đến lợi ích của người dân ngay trong từng chính sách. Việc sửa đổi luật cũng nhằm thúc đẩy phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; ngăn ngừa, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật đất đai; khắc phục tình trạng sử dụng đất đai lãng phí, tham nhũng, đầu cơ đất đai và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định, Luật Đất đai (sửa đổi) phải đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên cao nhất, quan tâm đến lợi ích của người dân ngay trong từng chính sách cụ thể; phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai tại Nghị quyết số 18-NQ/TW phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Đất đai là một bộ phận quan trọng của lãnh thổ quốc gia Việt Nam, được hình thành, tồn tại và phát triển cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó chính là thành quả của sự nghiệp giữ nước và dựng nước lâu dài của cả dân tộc, là thành quả từ công sức, xương máu của bao thế hệ cha ông chúng ta, cho nên không thể để cho một tầng lớp hay nhóm người nào đó có quyền độc chiếm sở hữu.

Quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân thì đất đai của quốc gia phải thuộc sở hữu của toàn dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung của nhân dân. Việc sở hữu toàn dân về đất đai tạo điều kiện để mọi người được tiếp cận đất đai tạo ra của cải, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhà nước là chủ thể của quyền lực chính trị, là tổ chức chính trị thể hiện tập trung nhất quyền lực nhân dân, do vậy, Nhà nước phải là công cụ để nhân dân thực hiện quyền lực dưới hình thức dân chủ đại diện.

Điều 53, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Thể chế Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục khẳng định quan điểm này. Trong nền kinh tế Việt Nam, chế độ công hữu tư liệu sản xuất (trong đó có đất đai) giữ vai trò chủ đạo giúp tạo ra sự bình đẳng về kinh tế, tạo cơ sở để người dân thực hiện quyền bình đẳng và quyền làm chủ của mình trên các lĩnh vực khác của đời sống.

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là chế độ sở hữu chung của toàn xã hội; các cơ quan nhà nước với tư cách là đại diện pháp lý, được giao quyền thống nhất quản lý trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia và giao cho người sử dụng đất một số quyền quan trọng, phù hợp với định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường nước ta.

Như vậy, người sử dụng đất có thể phát triển kinh tế, còn Nhà nước có thể điều tiết quan hệ đất đai có lợi cho lợi ích quốc gia. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững.

Xét cả góc độ lý luận và thực tiễn, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam hiện nay thể hiện tính đúng đắn, phù hợp điều kiện cụ thể của nước ta cũng như định hướng XHCN mà chúng ta lựa chọn.

Khi chế độ sở hữu toàn dân về đất đai được đảm bảo, Nhà nước thực hiện vai trò quản lý, duy trì ổn định, phát triển và đảm bảo công bằng xã hội chứ không có chuyện “sở hữu toàn dân về đất đai đã làm cho hàng triệu người khốn khổ; sở hữu toàn dân về đất đai là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trên hình thức còn thực tế đã tước quyền sở hữu của nhân dân” như luận điệu của các thế lực thù địch rêu rao, xuyên tạc.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, nguyên nhân chính của chế độ người bóc lột người trong chế độ cũ là do sự tồn tại chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, trong đó đất đai chính là tư liệu sản xuất quan trọng nhất. Nhà nước mà chúng ta đang xây dựng là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, có nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Do vậy, để loại trừ nguyên nhân, nguồn gốc của bóc lột và bất công trong xã hội thì Nhà nước phải là người đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai.

Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu có thể thực hiện vai trò kiểm soát, quản lý và điều tiết quan hệ đất đai trên cơ sở bảo đảm bình đẳng của người dân với tư cách là chủ sở hữu thật sự đối với tài nguyên đất nhằm hưởng lợi tối đa từ nguồn tài nguyên này một cách công bằng; khắc phục và hạn chế thấp nhất sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng về thu nhập từ đất đai.   

Ở nhiều nước tư bản như Mỹ, Canada, Hàn Quốc… thực hiện chế độ đa sở hữu về đất đai gồm sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể, sở hữu của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, đa phần diện tích đất ở và đất sản xuất, kinh doanh đều thuộc sở hữu tư nhân mà chủ yếu là các nhà tư bản. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc tại các quốc gia này. Hàn Quốc công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai nhưng khi cần nhà nước vẫn có thể trưng thu.

Mỹ, Canada thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai nhưng không có nghĩa là chủ sở hữu có thể toàn quyền định đoạt với tài sản này, nhà nước vẫn giữ nhiều quyền định đoạt quan trọng như quyền quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quyết định mục đích sử dụng đất, thậm chí thu hồi đất thuộc sở hữu tư nhân để phục vụ các lợi ích công cộng.

Mỗi quốc gia có hoàn cảnh lịch sử khác nhau, không thể lấy quy định của quốc gia này, thậm chí là thông lệ quốc tế để áp dụng đối với một quốc gia khác. Ở nước ta hiện nay, về bản chất, với chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, người sử dụng đất được Nhà nước trao nhiều quyền gồm quyền chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, thừa kế, góp vốn, tặng, cho…

Ngay ở các nước tư bản nói trên thì cá nhân cũng không thể có quyền tuyệt đối với đất đai của mình. Cho nên, sở hữu tư nhân, đa sở hữu về đất đai không thể trở thành cơ sở để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế vì con người, gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội như chế độ công hữu về đất đai, tất cả mọi người dân đều là chủ sở hữu của đất đai như ở Việt Nam hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc đòi hỏi từ bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai để thừa nhận sở hữu tư nhân hay chế độ đa sở hữu về đất đai là đi chệch hướng XHCN, trái với bản chất Nhà nước mà chúng ta đang xây dựng.  

Cũng phải thấy rõ rằng, những sai lầm và thiếu sót thời gian qua trong lĩnh vực đất đai như tham nhũng, tiêu cực, hình thành các tranh chấp, “điểm nóng” không phải do chế độ sở hữu toàn dân về đất đai gây ra.

Nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự yếu kém trong thực thi Luật Đất đai và các luật liên quan, nhất là tình trạng tham ô, trục lợi của một bộ phận cán bộ, đảng viên được giao chức trách, quyền hạn. Cùng với đó là công tác quản lý còn yếu kém, tình trạng quy hoạch bị điều chỉnh tùy tiện, quy hoạch treo, đất thu hồi bị bỏ hoang làm cho người sử dụng đất rơi vào tình trạng thất nghiệp, khó khăn... cho thấy quản lý của Nhà nước chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.

Muốn giải quyết những vấn đề này thì phải bắt đầu từ việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, trong đó có việc sửa đổi Luật Đất đai hiện hành và các quy định về quản lý, sử dụng đất đai; đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch hóa, công khai hóa cơ chế quản lý, sử dụng đất đai; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về đất đai, kịp thời phát hiện, phòng ngừa và xử lý nghiêm các sai phạm.

https://cand.com.vn/thoi-su/can-hieu-dung-che-do-so-huu-toan-dan-ve-dat-dai-o-viet-nam-i688704/

Ngày đăng: 08:44 | 03/04/2023

Quốc An / Công an nhân dân