Do không lường trước được nhu cầu mở ngành nên có trường chỉ tuyển được vài hoặc thậm chí “trắng” thí sinh, vài trường cố tình nâng điểm đánh trượt học sinh.

Dùng “mánh” để đánh trượt thí sinh

Tình trạng này xuất hiện từ mùa tuyển sinh 2018 ở một số trường ĐH địa phương, nhưng năm nay trở nên phổ biến hơn khiến nhiều thí sinh bị thiệt thòi. Năm nay, ĐH Đồng Nai nâng điểm chuẩn 9 ngành, trong đó có 4 ngành thuộc hệ ĐH và 5 ngành thuộc hệ CĐ để đánh trượt thí sinh.

Riêng bậc ĐH trường có tới 4 ngành không có thí sinh nào trúng tuyển, gồm: Sư phạm vật lý, Sư phạm sinh học, Sư phạm lịch sử và Quản lý đất đai. Dù không có thí sinh trúng tuyển, nhưng điểm chuẩn vẫn ở mức rất cao so với các ngành khác.

Cụ thể, ngành Sư phạm vật lý 24,7; Sư phạm lịch sử 22,6; Sư phạm sinh học 18,5 điểm; Quản lý đất đai 20,8. Đồng thời, trong số 8 ngành CĐ sư phạm của ĐH Đồng Nai, cũng chỉ có ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học có thí sinh trúng tuyển (điểm chuẩn 16), 5 ngành còn lại đều có điểm chuẩn ở mức rất cao (16 - 19,8) mà không có thí sinh trúng tuyển.

Lý do trường cố tình đẩy điểm chuẩn lên cao, bởi những ngành này quá ít thí sinh trúng tuyển nên không thể mở lớp.

Tương tự, Hội đồng tuyển sinh Đại học Hùng Vương TP.HCM công bố điểm chuẩn theo phương thức thi THPT Quốc gia ở hai ngành công nghệ sau thu hoạch là 22 điểm và công nghệ kỹ thuật xây dựng là 20 điểm. 9 ngành còn lại lấy điểm chuẩn 14.

Về bất cập này, PGS.TS Lê Kính Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Đồng Nai lý giải, do các ngành này chỉ có một vài thí sinh trúng tuyển, nhiều nhất cũng chừng 5 em nên không đủ mở lớp. Trường cũng tính đến phương án cho thí sinh chuyển ngành nhưng không được do sự khác biệt về tổ hợp xét tuyển và chênh lệch điểm chuẩn.

Điểm số của các em hoàn toàn xứng đáng để được học ở trường, nhưng giờ lại bị tiếng là trượt ngành nào đó, trượt nguyện vọng 1. Thực tế này đáng buồn nhưng chưa có cách giải quyết.

(Ảnh minh họa) 

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT thẳng thắn cho rằng, việc trường chỉ tuyển được một vài thí sinh nên không tổ chức được lớp là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, trường phải công khai, minh bạch và thương lượng với thí sinh để chuyển ngành hoặc gửi thí sinh sang trường có ngành đó.

"Dùng phương án quá thô bạo là tăng vọt điểm để đánh trượt thí sinh là không công bằng. Điều đáng nói là, các trường phải lường trước được nhu cầu để mở ngành, chứ cứ mở ra chỉ có lèo tèo vài thí sinh, hoặc thậm chí 'trắng' thí sinh", ông Khuyến nói.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, dù cách làm đó không vi phạm quy định cụ thể nào của quy chế tuyển sinh, nhưng nhà trường nên tính đến nguyện vọng của thí sinh, nhất là khi các em đã lựa chọn trường mình để đăng ký xét tuyển. 

“Có những cách tốt hơn như chúng tôi từng khuyến nghị, hướng dẫn các trường thời gian qua. Sau khi có thông tin về đăng ký xét tuyển ban đầu, trường thấy có khả năng không đủ điều kiện mở lớp, cần thông tin đầy đủ cho thí sinh  trước hoặc trong thời gian thay đổi nguyện vọng.

Trường báo cáo Bộ GD-ĐT hỗ trợ cách giải quyết; thông qua bộ phận quản lý cơ sở dữ liệu để trao đổi thông tin với TS về khả năng, điều kiện của trường và các phương án mà sĩ tử có thể lựa chọn. Rất tiếc, một số trường đã không thực hiện”, bà Kim Phụng cho biết.

5 năm không tuyển sinh, trường bị đóng ngành

Trước khó khăn của các trường trong tuyển sinh, bà Kim Phụng cho rằng, bên cạnh một số tác động như buộc trường nâng cao chất lượng thu hút thí sinh, đánh giá nhu cầu của thị trường khi mở ngành, khảo sát nhu cầu của thị trường và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi những ngành cũ giảm đi, ngành mới phát sinh, thì cũng cần tính đến giải pháp hợp lý đảm bảo quyền của thí sinh và quyền tự chủ của các trường. Bộ GD-ĐT có trách nhiệm tạo ra cơ chế để các trường và thí sinh thực hiện.

Có những giải pháp đã và đang được thực hiện như công khai minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường, tình hình tuyển sinh và đào tạo những năm trước để người học lựa chọn.

Nếu trường vi phạm đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý theo quy định và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm. Nếu 5 năm không tuyển sinh, trường bị đóng ngành. Bộ GD-ĐT trao quyền tự chủ để trường phải tính toán đến nguồn lực đảm bảo hoạt động của mình khi không có sinh viên theo học.

Bộ GD-ĐT đã định hướng các trường minh bạch thông tin cho thí sinh lựa chọn, khi phát sinh những tình huống không mong muốn thì cần thông qua bộ phận quản lý cơ sở dữ liệu để trao đổi với thí sinh, thống nhất cách lựa chọn mà cả hai bên có thể chấp nhận.

Bộ GD-ĐT có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho thí sinh đến những trường đang đào tạo ngành đăng ký học mà các em đủ điểm trúng tuyển, nếu có đơn đề nghị gửi Bộ và trường.

Mở ngành gắn với thực tiễn

Tại Hội nghị tổng kết năm học cũ và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2019-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD-ĐT kiểm tra xử lý nghiêm các trường đại học “hữu danh vô thực”, nhất là những nơi tìm kiếm đầu vào quá thấp để kinh doanh. xã hội hoá là cần thiết, có tiền là cần thiết nhưng chất lượng giáo dục rất quan trọng.

“Tôi yêu cầu các đồng chí trình Thủ tướng đóng cửa một số cơ sở giáo dục đại học kém chất lượng, kéo dài để cải cách chứ không phải cho thời gian vô cùng để tiến bộ mà không tiến bộ được. Tôi cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiểm tra và dừng các ngành đào tạo có chất lượng kém, báo cáo Thủ tướng để chấn chỉnh”.

Tiến sĩ Lê Hữu Phước (Phó hiệu trưởng ĐH khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM) nêu ý kiến: “Tôi cho rằng 'đóng cửa' là việc rất nên làm để thiết lập lại chất lượng trong đào tạo ĐH. Có lẽ nhiều người nhận ra thực trạng này nhiều năm gần đây rồi và nay là lúc chín muồi để thực hiện.

Nhưng để làm việc này, điều quan trọng nhất là cần quan tâm tới quyền lợi của người học trước tiên. Cần có lộ trình thích hợp để đưa sinh viên các trường kém chất lượng sang trường khác tiếp tục việc học".

Trước đó, tháng 6/2018, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao chất lượng và đào tạo phải gắn liền với thực tiễn, để khắc phục tình trạng mở trường, mở ngành tràn lan... 

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Đoàn Hà Nam) cho rằng, trong thời gian qua có tình trạng gia tăng các trường đại học, không theo quy hoạch, thi nhau xin mở trường, trái với quy định của Chính phủ. Giai đoạn 2016 - 2020, theo quy định cả nước có 460 trường, trong đó gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng.

Tuy nhiên năm qua, cả nước có 235 trường đại học và viện, chưa kể các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh. Như vậy, tới năm 2020, dù không lập thêm trường đại học thì vẫn vượt chỉ tiêu quy hoạch đề ra với 9 trường đại học.

Tổ hợp tuyển sinh “lạ”: “Rất buồn cho giáo dục đại học nước ta”
Bộ GD-ĐT cần “thổi còi” dẹp bỏ những tổ hợp tuyển sinh "lạ"
Tuyển sinh ĐH “ngược đời”, chất lượng đào tạo “chạm đáy”

Ngày đăng: 10:25 | 22/08/2019

/ vtc.vn