Hạ tầng giao thông đường bộ phát triển, thuận tiện hơn khiến đường sắt nhiều năm qua ngày càng thưa vắng khách, như tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long gần như không có người đi và kéo theo cứ chạy là phải bù lỗ khoảng 10 triệu đồng/ngày.
Đúng 4h55, chuyến tàu Hà Nội – Hạ Long bắt đầu lăn bánh tại ga Yên Viên (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) nhưng chỉ có vỏn vẹn hai nữ du khách người nước ngoài.
Rời ga Yên Viên với chỉ hai hành khách, tại điểm đỗ Từ Sơn (Bắc Ninh), tàu dừng chưa tới 1 phút rồi tiếp tục chạy vì không có người. Tình trạng tương tự diễn ra cho tới khi tàu đi tới Bắc Giang, đó cũng là thời điểm tàu đón thêm 2 hành khách.
Vài năm trở lại đây, tuyến đường sắt Yên Viên – Hạ Long vẫn thường vắng khách như vậy.
Theo vị trưởng tàu, trước đây, chuyến tàu Hà Nội - Hạ Long đi qua 21 ga nhưng do lượng khách ngày càng ít dần đi nên hiện tại tàu chỉ dừng lại ở 13 ga để đón trả khách.
Theo lịch trình của chuyến tàu Hà Nội - Hạ Long, tàu xuất phát từ ga Yên Viên rồi dừng ở ga Từ Sơn - ga Bắc Ninh - ga Bắc Giang - ga Phố Tráng - ga Kép - ga Bảo Sơn - ga Lan Mẫu - ga Đông Triều - ga Mạo Khê - ga Uông Bí - ga Yên Cư - ga Hạ Long.
Nếu như 5 năm trở về trước, khoang hành khách lúc nào cũng đông người ngồi, thậm chí có thời điểm phải lắp thêm toa, thì nay, những hàng ghế phủ bụi là minh chứng rõ nhất cho thấy chuyến tàu ế khách thế nào.
Trên khoang tàu chở khách duy nhất, không khó để nhận thấy sự lạc hậu của toa xe. Những hàng ghế cứng dài hơn 1m, nếu muốn ngả lưng những hành khách phải co chân, hoặc chấp nhận thò ra khoảng giữa lối đi.
Đi tới ga Kép (huyện Lạng Giang, Bắc Giang), khung cảnh trầm buồn trên tàu mới vơi đi chút ít khi khoang chở hàng bắt đầu có thêm những tiểu thương.
Tàu tiếp tục rời đi trong sự rung lắc kèm tiếng ồn dữ dội, bên trong vẫn im ắng.
Qua thêm 3 ga nữa là Bảo Sơn, Lan Mẫu và Đông Triều chuyến tàu mới thực sự có thêm người, đó chủ yếu là những tiểu thương mang hàng nông sản đến bán tại ga Hạ Long. Trong khi khách vãng lai chỉ vỏn vẹn 7-8 người.
Trên tàu, khoảng 6 nhân viên phục vụ (không kể 2 lái tàu) lúc nào cũng trong tình trạng không có việc làm do lượng hành khách ít. Ngày nào cũng chỉ từng ấy người, việc thu vé cũng diễn ra trong vài phút.
Hồi tháng 4/2018, do thua lỗ, chuyến tàu đi Yên Viên – Hạ Long từng phải cắt giảm xuống chỉ chạy 1 chuyến/tuần vào ngày thứ 6, nhưng sau 5 tháng đình trệ, hiện tàu đã vận hành mỗi chuyến/ngày. Điều này chỉ nhằm mục đích an sinh, trong khi cứ lăn bánh là xác định lỗ.
Chỉ tính riêng mỗi ngày chuyến tàu sử dụng hết tới 300 lít dầu, với chi phí hơn 4 triệu đồng, trong khi tiền vé thu được của mỗi chuyến cho cả chiều đi và về chỉ được 3,5 triệu đồng. Tính trung bình mỗi ngày, phải bù lỗ 10 triệu đồng. Mỗi chuyến tàu xem có vẻ hoành tráng như thế nhưng doanh thu không bằng một… xe khách.
Trưởng tàu Ngô Văn Vũ chia sẻ: "Với những người đi tàu thường xuyên như các tiểu thương, thì việc lựa chọn đi tàu chỉ có hai lý do duy nhất là an toàn và có khoang để đồ rộng rãi. Số khác thì đi tàu vì đã gắn bó vài chục năm qua. Nhưng cũng đã có không ít tiểu thương bỏ tàu cùng nhau chung tiền mua xe tải để vận chuyển. Với họ chuyến tàu đi Hà Nội – Hạ Long không chỉ lạc hậu, mà còn chậm quá nhiều so với việc đi ô tô. Gần như những tiểu thương đi tàu này đều chấp nhận bán hàng chậm hơn so với những tiểu thương di chuyển bằng đường bộ".
Một tiểu thương trên tàu cho biết, không chỉ là vấn đề thời gian, việc chuyến tàu Hà Nội – Hạ Long vắng khách còn nằm ở sự thiếu đồng bộ của hệ thống đường sắt. Tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long hiện đang sử dụng đường ray khổ 1,435 m, trong khi khổ chung của toàn quốc là 1 m.
Đây là điều vô cùng bất tiện, bởi nếu hàng hóa muốn đi tiếp ra các tuyến khác như Lạng Sơn, Lào Cai, đều phải chuyển tàu hoặc chuyển sang các loại hình vận tải khác. Việc này không chỉ làm mất thời gian, mà có tăng chi phí vận chuyển lên rất cao.
Đúng 13h50, chuyến tàu lại bắt đầu lăn bánh từ Hạ Long quay trở về Hà Nội với những hành khách quen thuộc hoặc ít hơn số đó.
Những chuyến tàu mang mùa thu cổ tích về Nhật Bản
Vào mùa thu, Nhật Bản chìm ngập trong sắc đỏ, vàng của cây lá. Lúc này, hình ảnh những tuyến đường sắt hiện lên như ...
Những chuyến tàu cũ kỹ vì suy thoái kinh tế ở Zimbabwe
Từng là phương tiện giao thông ưa thích của người dân Zimbabwe nhưng giờ đây, dịch vụ đường sắt đang phản ánh sự suy thoái ...
Chủ tịch WEF: Quốc gia bỏ lỡ chuyến tàu Cách mạng 4.0 sẽ bị tụt hậu
Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới khẳng định Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng toàn diện, tập trung tạo sự ...
Ngày đăng:
08:26 | 15/11/2018
/