Hà Nội vừa phê duyệt đề án cải tạo 4 con sông nội đô ô nhiễm nghiêm trọng, người dân kỳ vọng dòng Kim Ngưu, Sét, Lừ, Tô Lịch sẽ sớm đổi màu, hết mùi hôi thối.

Ngày 22/7, UBND TP Hà Nội phê duyệt đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô” gồm Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét, giai đoạn 2025 - 2030. Đây là nỗ lực lớn nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm kéo dài suốt nhiều năm qua ở các dòng sông nội thành, đồng thời hướng tới mục tiêu xây dựng không gian đô thị sinh thái, cân bằng và đáng sống hơn cho người dân Thủ đô.

Theo đề án, 32 chương trình, dự án sẽ được triển khai, tập trung vào các giải pháp kiểm soát nguồn xả thải, thu gom nước thải đưa về các nhà máy xử lý tập trung như Yên Xá và Yên Sở, tăng cường bổ cập nước từ hồ điều hòa và chỉnh trang cảnh quan hai bên sông. Trong đó, hệ thống sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét được xác định là ưu tiên hàng đầu bởi mức độ ô nhiễm cao, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân cư và hình ảnh đô thị.

Trong số đó, sông Kim Ngưu là một trong những dòng ô nhiễm nặng nhất và phức tạp nhất do hệ thống thu gom, thoát nước kém.



Sông Kim Ngưu dài khoảng 10km, chảy qua các phường Hai Bà Trưng và Hoàng Mai, từ phố Lò Đúc đến kênh bao Yên Sở. Sông Kim Ngưu xưa là tuyến giao thông đường thủy, ngày nay chỉ còn chức năng duy nhất là thoát nước cho nội thành Hà Nội.

Dọc theo chiều dài dòng chảy có rất nhiều cửa cống xả nước thải trực tiếp xuống lòng sông mà không qua xử lý.

"Tôi mở cửa ra là thấy mùi cống bốc lên, cứ mưa nắng thất thường là mùi hôi thối càng nặng. Trước kia nghe ông bà kể sông còn có thuyền chèo qua, giờ chỉ thấy rác và nước đen kịt”, anh Đỗ Thành Vĩnh, ở phường Hai Bà Trưng nói.

Xuôi về phía Nam thành phố, sông Sét cũng lâm vào tình trạng tương tự. Với chiều dài hơn 3,6 km, dòng sông này bắt nguồn từ hồ Bảy Mẫu (Công viên Thống Nhất) và chảy về hồ Yên Sở.

Trước kia, sông Sét tách ra từ sông Kim Ngưu và từng là dòng chảy điều tiết nước nội đô. Nhưng suốt nhiều năm qua, lòng sông bị bồi lắng, bờ sông bị lấn chiếm bởi các công trình xây dựng, khiến diện tích mặt nước ngày càng thu hẹp.

Những ngày nắng nóng, mùi từ rác phân hủy và dòng nước tù bốc lên khiến không khí trở nên nặng nề, ngột ngạt. "Không biết bao lần chính quyền đã gắn biển cấm đổ rác, xử phạt, nhưng sáng nào cũng có người mang rác ra ném. Cứ dọn hôm trước, hôm sau lại đầy như cũ”, một người dân sinh sống gần khu vực sông Sét cho biết.



Đặc biệt, khu vực cuối dòng sông, đoạn đối diện hồ Yên Sở, đã trở thành “điểm đen rác thải” với tình trạng đổ rác sinh hoạt và phế liệu xây dựng tràn lan.

Sông Lừ - dài 5,2 km, khởi đầu từ phố Nguyễn Ngọc Doãn và kết thúc tại ngã ba sông Tô Lịch – dù trải qua nhiều đợt cải tạo, vẫn trong ô nhiễm nặng.

Sông nhận nước từ hồ Nam Đồng và nước mưa qua các cửa xả lớn. Tuy nhiên, việc không có hệ thống tách nước thải hiệu quả khiến dòng sông luôn có màu đen đục, kèm theo lớp bọt trắng dày và mùi hôi quanh năm.



Đã qua nhiều lần cải tạo và không ít giải pháp khắc phục nhưng mức độ ô nhiễm của sông Lừ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Với những người dân sống gần sông Lừ, chưa bao giờ họ hết ám ảnh trước lòng sông sánh đen, bốc mùi hôi thối quanh năm. Để sống chung với ô nhiễm, nhiều hộ dân phải ứng phó bằng cách đóng cửa kín mít hoặc sang nhà người thân ở nơi khác, đặc biệt là vào mùa hè và lúc trở gió.

Sông Tô Lịch từ lâu được coi là trục thoát nước chính, đóng vai trò điều hòa mực nước và ngăn ngừa ngập úng cho khu vực nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều năm qua, dòng sông phải hứng chịu khoảng 160.000m³ nước thải sinh hoạt mỗi ngày từ hơn 300 cống xả thải. Việc ô nhiễm kéo dài khiến dòng sông gần như không còn sự sống, trở thành một trong những "điểm đen" về môi trường của Thủ đô.

Thời gian qua, Hà Nội liên tục triển khai nhiều công trình với mục tiêu cải thiện môi trường và vệ sinh đô thị, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên trong lưu vực sông Tô Lịch. Một trong những hạng mục nổi bật và thu hút sự chú ý là đập dâng Thanh Liệt – công trình đầu tiên trong chuỗi ba đập dâng trên sông Tô Lịch đang dần thành hình với thiết kế độc đáo.

Theo kế hoạch, đập dâng Thanh Liệt sẽ được hoàn thiện trước tháng 8/2025, đồng bộ với tiến trình xây dựng hai đập dâng còn lại tại cầu Dậu (quận Hoàng Mai cũ) và cầu Cót (quận Cầu Giấy cũ).

Ngoài việc xây đập, các hạng mục như nạo vét lòng sông, thanh thải bùn, gia cố hai bên bờ chống sạt lở cũng đang được triển khai song song nhằm tạo sự thay đổi toàn diện cho dòng Tô Lịch.
Ngày đăng: 11:19 | 27/07/2025
Theo VTC News /