Có thí sinh được nâng tới gần 30 điểm, từ trượt tốt nghiệp thành thủ khoa, nhưng cả phụ huynh và các bị can trong vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang đều một mực khẳng định: Họ nâng điểm do quen biết, không phải vì tiền, không vì bất cứ lợi ích vật chất nào.
Vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 đến nay vẫn còn nhiều chi tiết cần làm sáng tỏ.
“Chuyện như đùa”
Trong 3 địa phương xảy ra gian lận điểm thi năm 2018, Hà Giang là nơi phát hiện gian lận đầu tiên nhưng các thông tin về những phụ huynh liên quan vẫn còn “bí ẩn”. Đến nay chỉ có ông Triệu Tài Vinh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và ông Phạm Văn Khuông - nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang - được nhắc tên là các phụ huynh có con được nâng điểm.
Còn hàng trăm phụ huynh khác, họ là ai, cán bộ nào?… chưa hề được công bố, kể cả nhắc tên trong kết luận điều tra, hay cáo trạng vụ án.
Sau khi trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, mới đây nhất, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang ra cáo trạng, tiếp tục truy tố 5 bị can và xác định có 107 thí sinh được sửa bài thi nâng điểm tại tỉnh này.
Cáo trạng bổ sung xác định các bị can đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để thực hiện hành vi sửa bài thi nâng điểm cho 107 thí sinh. Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm.
Hiện có 41 người khẳng định đã nhờ bị can Nguyễn Thanh Hoài - cựu Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang) và Vũ Trọng Lương - cựu Phó Phòng khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - nâng điểm cho con, cháu họ. Nhưng không ai khai nhận tiền hay lợi ích vật chất để nâng điểm. Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương đều khai chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân…
Trước diễn biến mới này, phụ huynh ở Hà Giang - những người một năm trước đã kiên trì đấu tranh, mong mỏi đưa vụ gian lận điểm thi này ra ánh sáng - ví von là “chuyện như đùa”.
“Rất khó tin việc cán bộ ngành giáo dục nâng điểm cho thí sinh không vì lợi ích vật chất nào. Chẳng lẽ họ liều mình để làm sai quy chế, khi biết rõ nếu vi phạm sẽ bị xử lý?
Trong trường hợp nâng điểm do quen biết, thì cơ quan điều tra cũng phải làm rõ ai nhờ, quen biết ra sao. Có hay không việc cấp trên nhờ vả cấp dưới, rồi hứa hẹn việc tăng lương, đề bạt, bổ nhiệm? Còn rất nhiều chi tiết khó hiểu trong vụ án này cần được làm sáng tỏ”- anh H - một phụ huynh ở Hà Giang - băn khoăn.
“Không ai tự nhiên gắp điểm bỏ tay con mình…”
Đây là lý lẽ của ông Nguyễn Đắc Quỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La - khi nói về vụ gian lận điểm thi gây rúng động dư luận. Nhiều người đồng tình và có chung suy nghĩ này.
Tuy nhiên, sau thời gian điều tra, những bản kết luận, cáo trạng ở cả Hà Giang và Sơn La đều cho thấy chưa chứng minh được hành vi đưa-nhận hối lộ, dùng tiền để mua điểm.
Ở Sơn La còn trớ trêu khi tìm ra người nhận hối lộ - các cán bộ ngành giáo dục Sơn La khai nhận hàng tỉ đồng để thực hiện hành vi nâng điểm, nhưng đến nay lại chưa tìm ra người đưa hối lộ.
Các phụ huynh có con được nâng điểm ở Sơn La một mực khẳng định không dùng tiền, dùng quyền để nhờ nâng điểm. Cơ quan điều tra tạm giữ hàng tỉ đồng liên quan đến vụ án, vì các bị can trả lại tiền, phụ huynh nhất quyết không nhận.
Theo dõi vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang và Sơn La, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho biết cử tri đang hoài nghi về vấn đề này. Bởi khó có ai tự nhiên đi nâng điểm...
“Nếu địa phương không làm cho ra lẽ, Bộ Công an cần vào cuộc. Tôi rất tin tưởng cơ quan chức năng tại địa phương, nhưng trong vụ việc này, nếu diễn biến giữa người nhận và người đưa hối lộ không điều tra ra được, thì Bộ Công an phải vào cuộc để làm sáng tỏ" - đại biểu Hòa nhấn mạnh.
Ngày đăng: 06:00 | 26/08/2019
/