Tình hình Covid-19 tại Campuchia đang diễn biến phức tạp và giới chức phải gấp rút tiêm chủng cũng như thực hiện các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn virus lây lan.

Campuchia hôm nay báo cáo 227 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 4.515. Số ca tử vong là 30. Nước này cũng báo cáo hơn 1.000 ca nhiễm chỉ trong hai ngày trước đó, phần lớn là công nhân may mặc và tiểu thương ở chợ.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Li Ailan cảnh báo Campuchia đang "đứng bên bờ vực thảm kịch quốc gia" do Covid-19. "Hệ thống y tế Campuchia có nguy cơ vỡ trận và gây hậu quả thảm khốc nếu không thể chặn được đợt bùng phát", bà cho hay.

Campuchia chạy đua ngăn Covid-19 thành "thảm kịch quốc gia"
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đến nhận lô hàng 600.000 liều vaccine Covid-19 do Trung Quốc tặng tại sân bay quốc tế Phnom Penh ngày 7/2. Ảnh: Reuters.

Các ca nhiễm mới chủ yếu liên quan đến một ổ dịch bùng phát hồi tháng hai bắt nguồn từ cộng đồng người Trung Quốc tại đây, được gọi chung là "sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2". Đây là ổ dịch thứ ba lây lan trong cộng đồng ở Campuchia và là đợt bùng phát lớn nhất từ trước tới nay.

Ca tử vong mới nhất là một phụ nữ 61 tuổi sống tại khu Prek Pnov ở thủ đô Phnom Penh. Người này xét nghiệm dương tính với Covid-19 hôm 30/3 và tử vong trong khi đang được điều trị tại bệnh viện Luong Mer, bệnh viện tư nhân được quốc hữu hóa để tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19.

Trong cả năm 2020, Campuchia chỉ ghi nhận khoảng 500 ca nhiễm Covid-19, vậy nên, con số ca nhiễm lên tới trên 4.000 hiện nay và mức tăng ba con số những ngày gần đây thực sự là dấu hiệu đáng lo ngại, giới quan sát đánh giá.

Giới chức Campuchia tuần trước bắt đầu áp lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh, lệnh giới nghiêm ban đêm ở thủ đô Phnom Penh và đóng cửa các điểm du lịch nổi tiếng. Nhà chức trách Phnom Penh cũng bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang và bất kỳ ai vi phạm sẽ phải đối mặt án phạt lên đến 250 USD.

Campuchia đã thông qua một luật nghiêm ngặt nhằm ngăn Covid-19, trong đó nêu rõ những người coi thường quy định phòng dịch có thể bị phạt tù tới 20 năm.

"Những ai vi phạm các biện pháp phòng dịch sẽ bị kết án", Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 10/4 tuyên bố trên truyền hình quốc gia. "Tôi chấp nhận bị gọi là độc tài nhưng tôi sẽ được tôn trọng vì đã bảo vệ cuộc sống của người dân".

Giới chức y tế cho hay hai tuần qua, virus đã lây lan nhanh chóng thông qua các nhà hàng, khu chợ cùng những địa điểm khác, nơi người dân có thể tụ tập ăn uống. Tòa Thị chính Phnom Penh phải áp đặt lệnh cấm dùng bữa tại các quán ăn trong nhà và bán đồ uống có cồn.

Đại diện WHO ở Campuchia Li Ailan khuyên ngay cả những người đã tiêm vaccine Covid-19 cũng cần hành động có trách nhiệm để ngăn virus lây lan rộng hơn.

"Vaccine bảo vệ bạn, giúp bạn không phải nhập viện nhưng bạn vẫn có thể nhiễm virus và trở thành trung gian lây truyền chúng. Ngay cả khi đã tiêm chủng, bạn vẫn nên ở nhà, nơi mà bạn được an toàn nhất", bà nhấn mạnh.

Theo Li, các ca nhiễm biến chủng B.1.1.7 được phát hiện đầu tiên tại Anh cũng đã xuất hiện tại Campuchia.

Nhân viên phòng dịch chuẩn bị phun khử trùng một khu chợ ở Phnom Penh, Campuchia, hôm 4/4. Ảnh: AFP.

"Đợt bùng phát hiện nay khác xa so với những đợt bùng phát trước đây ở Campuchia. Biến chủng B.1.1.7 có khả năng lây truyền nhanh hơn và khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Rất nhiều nước với hệ thống y tế mạnh mẽ vẫn bị áp đảo bởi biến chủng này", bà lưu ý.

Phát ngôn viên Bộ Y tế Campuchia Or Vandine mới đây đề xuất phong trào "Tết ở nhà", kêu gọi người dân không ra khỏi nhà trong dịp Tết Chol Chnam Thmay quan trọng của người Khmer.

Với số ca nhiễm mới tăng nhanh và chưa có dấu hiệu được cải thiện, hệ thống y tế của Campuchia đang bị đẩy đến giới hạn, giới chuyên gia nhận định.

Giới chức y tế đã chuyển đổi một khách sạn sang trọng ở Phnom Penh thành bệnh viện 500 phòng chuyên điều trị Covid-19.

Thừa nhận rằng quỹ đạo hiện tại sẽ khiến các bệnh viện sớm rơi vào tình trạng quá tải, Thủ tướng Hun Sen đã yêu cầu cơ quan chức năng chuẩn bị hướng dẫn cho những bệnh nhân Covid-19 với triệu chứng nhẹ tự điều trị tại nhà.

Campuchia cũng đang gấp rút tăng cường triển khai vaccine. Thủ tướng Hun Sen cho biết các công chức từ chối tiêm chủng sẽ không được phép trở lại nơi làm việc.

Bộ trưởng Lao động Campuchia cũng đưa ra khả năng rằng những công nhân may mặc không tiêm vaccine có thể bị cấm bước chân vào nhà máy và mất việc.

Tính đến hôm qua, Campuchia đã tiêm chủng cho một triệu người, gồm thành viên lực lượng vũ trang, công chức và người dân trên khắp cả nước. Ít nhất 500.000 liều vaccine nữa sẽ cập bến Campuchia vào ngày 17/4, 1,5 triệu liều trong tháng 5, 3 triệu liều trong tháng 6, hai triệu liều trong tháng 7 và một triệu liều vào tháng 8.

Trung Quốc đến nay đã cung cấp cho Campuchia 2,8 triệu liều vaccine, trong đó 1,3 triệu liều viện trợ và 1,5 triệu liều thông qua mua sắm thương mại.

Vũ Hoàng (Theo Star, Khmer Times, Nikkei Asia, Reuters, AFP)

WHO cảnh báo thảm kịch COVID-19 xảy ra ở Campuchia trong Tết té nước WHO cảnh báo thảm kịch COVID-19 xảy ra ở Campuchia trong Tết té nước

Theo đại diện của WHO, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 khác với chủng virus trước đây và đang làm dịch COVID-19 bùng phát tại ...

Gần 137 triệu ca toàn cầu, Campuchia nguy cơ vỡ trận Covid-19 Gần 137 triệu ca toàn cầu, Campuchia nguy cơ vỡ trận Covid-19

Thế giới ghi nhận gần 137 triệu người nhiễm, hơn 2,9 triệu người chết do nCoV, LHQ cảnh báo Campuchia đang "đứng bên bờ vực ...

Thủ tướng Campuchia dọa bỏ tù người vi phạm cách ly Thủ tướng Campuchia dọa bỏ tù người vi phạm cách ly

Thủ tướng Campuchia cảnh báo người vi phạm cách ly sẽ phải ngồi tù và công chức có thể mất việc nếu không tiêm vaccine ...

Ngày đăng: 22:50 | 12/04/2021

/ vnexpress.net