24 năm công tác trong ngành lao động - thương binh và xã hội cũng là 24 năm ông Vy Văn Vọng (SN 1961) làm “người thầy, người cha” của hàng trăm đứa trẻ kém may mắn, là “người con” của rất nhiều cụ già neo đơn được chăm sóc giúp đỡ tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lạng Sơn.
Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lạng Sơn là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, được biết đến không chỉ là “ngôi nhà chung” bảo trợ xã hội mà còn được biết đến là điểm tựa cho người già cô đơn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật, thiểu năng thần kinh, tâm thần... Do nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều đối tượng khác nhau, lại chênh lệch về độ tuổi, mắc nhiều bệnh tật, số đối tượng phải chăm sóc, phục vụ tại chỗ ngày càng nhiều nên công việc ở trung tâm vô cùng vất vả.
Những đứa trẻ kém may mắn đang nhận được sự quan tâm, bao bọc, dạy dỗ của những người cha, người mẹ, người thầy cô đặc biệt tại đây.
Hiện nay, đây đang là ngôi nhà chung của hơn 80 đứa trẻ kém may mắn và nhiều người già neo đơn. Những người chăm nuôi tại đây như những người thầy, người cô chăm sóc các em nhỏ, đồng thời vừa là những người con chăm sóc “các bố mẹ”, những cụ già neo đơn. Ở đây họ không chỉ là bố là mẹ của 1, 2, 3 đứa trẻ mà là của hàng chục em nhỏ khuyết tật kém may mắn. Ở nơi đây không còn là trách nhiệm mà là tình thầy trò, cô trò hóa thành tình cha con, mẹ con.
Là một trong 48 người vinh dự được tôn vinh trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy, cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức, thầy Vy Văn Vọng cảm thấy rất vinh dự và hạnh phúc khi có cơ hội được nói lên nỗi niềm và tình cảm của bản thân, sẻ chia những bài học quý giá trong quá trình làm việc.
Thầy Vọng vinh dự là 1 trong 48 thầy cô dạy trẻ em khuyết tật được vinh danh. Ảnh: IT
Thầy Vọng cho biết, ông được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Tràng Các, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Khi còn nhỏ, cha của ông tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược và hy sinh. Mẹ ông đã phải tần tảo sớm hôm, một mình nuôi ông và em gái ăn học thành người. Thấu hiểu trước sự hy sinh mất mát, đau thương lớn lao của gia đình nên chàng thanh niên tên Vọng luôn cố gắng học hành, phấn đấu, làm việc có trách nhiệm để xứng đáng với truyền thống của gia đình.
“Tôi cũng là một người đã từng trải qua những mất mát, những khó khăn nên tôi thương các con lắm. Chỉ mong sao các con sau này sống thật tốt, được ăn học đầy đủ, đàng hoàng để cuộc sống sau này tốt đẹp hơn”, thầy Vọng nói.
Thầy dành cho các con sự quan tâm, tình yêu thương thực sự.
Thầy kể, sau khi ra trường với tấm bằng đại học, chuyên ngành dược sĩ, năm 1994 ông về nhận công tác tại Trung tâm cai nghiện ma túy tỉnh Lạng Sơn. Từ năm 1998 đến nay, suốt 24 năm qua, hằng ngày, hằng đêm thầy Vọng vẫn cần mẫn chăm sóc, giúp đỡ, chỉ bảo các con, giúp đỡ các cụ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp (nay là Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lạng Sơn).
“Tại đại gia đình này, tôi đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh, số phận chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Thấu hiểu và cảm thông với họ nên tôi càng cố gắng quyết tâm hoàn thành tốt công việc và luôn mong muốn mang đến cho các con, các cụ tình thương để bù đắp lại những mất mát ấy. Mong sao với tình thương, sự chăm sóc tận tình của tôi và các đồng nghiệp, những đứa con kém may mắn, những cụ già neo đơn này sẽ cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ và tình thân trong một đại gia đình”.
Hằng ngày thầy dành thời gian chăm sóc, chỉ bảo và chơi cùng với các con.
Là một người có nhiều kinh nghiệm trong ngành công tác xã hôi, thầy Vọng cho biết, việc chăm sóc các đối tượng khuyết tật được coi là nhiệm vụ khó khăn vất vả, kiên trì, lâu dài. Nhưng với sự cảm thông, yêu thương, xem họ như người thân trong gia đình nên có khó khăn đến mấy thầy Vọng cũng vượt qua.
“Một ngày chúng tôi làm rất nhiều công việc từ dọn phòng, cho ăn, thay quần áo, tắm rửa đến chăm sóc, điều trị bệnh, phục hồi chức năng... Có những đối tượng bị liệt, cần tới 2 - 3 người nâng đỡ để vệ sinh cá nhân, đưa đón đi học, những cụ già vừa lẫn vừa khó tính thường “làm mình làm mẩy” vô cớ chửi bới, những trẻ nhỏ vài tháng tuổi bị bệnh nặng, khát sữa mẹ quấy khóc đêm ngày..., nhưng tôi và các đồng nghiệp của mình vẫn hết lòng chăm sóc, phục vụ đối tượng. Không có niềm vui nào bằng khi những đối tượng ở đây được quan tâm chăm sóc bằng tình thương yêu của những cán bộ đang công tác tại cơ sở như trong gia đình. Và đó là niềm vui của những người làm công tác xã hội nơi đây”.
Thầy dành thời gian quan tâm, hỏi han đến các con, động viên các con sống tốt.
Đêm đến, các các bộ ở đây như thầy cô, như bố mẹ chỉ bảo kèm cặp các em học bài. “Có câu “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” quả không sai. Do đặc thù của trung tâm là không có trường học nên các con có khả năng sẽ được đi học ở trường bên ngoài. Với các con không tự đi được, hằng ngày chúng tôi lại thay nhau đưa đón các con đi học. Các cán bộ ở đây không trực tiếp đứng lớp dạy các con từng con chữ, từng phép tính, nhưng chúng tôi dạy các con về mọi thứ”, thầy nói.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, cá nhân thầy và các đồng nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng vấn đề lớn nhất là thiếu cán bộ kỹ thuật phục hồi chức năng, thiếu chuyên gia tâm lý. Vì khi được tiếp nhận vào cơ sở, những đối tượng không được rèn luyện về kỹ năng sinh hoạt, giao tiếp do thiếu sự quan tâm chăm sóc từ nhỏ nên việc chăm sóc người khuyết tật là chăm sóc toàn diện và ở mức cao hơn, đòi hỏi nội dung chương trình, phương pháp giáo dục linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu riêng biệt của mỗi đối tượng thiệt thòi, bị khiếm khuyết một phần cơ thể. Mặc dù vậy thầy luôn tâm niệm mục đích công việc là nhằm mang lại cho đối tượng tự tin và tình yêu cuộc sống, mang lại sự tiếp cận bình đẳng về mặt xã hội. Công việc khó khăn, vất vả đến như vậy nhưng với sự quan tâm đặc biệt của Ban giám đốc, các cấp các ngành, các tổ chức, các nhà hảo tâm, các đồng nghiệp kết hợp với sự nỗ lực của bản thân, cái tâm với nghề nên đã giúp thầy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
“Tôi thấy tự hào về công việc mà mình đang làm. Một công việc dù âm thầm, lặng lẽ nhưng đầy tính nhân văn. Cùng lúc tôi may mắn được làm cha của những đứa con tại đây, là con của những người cha, người mẹ ở đại gia đình này”, thầy Vọng nói.
Không chỉ riêng thầy mà tất cả các cán bộ tại đây đều dành sự quan tâm, tình cảm đặc biệt các cho con, các bậc làm cha mẹ sống trong đại gia đình của cơ sở.
Anh Nguyễn Khuyến, cán bộ tại cơ sở cho biết: "Thầy Vọng là thế hệ công tác lâu năm nhất trong đại gia đình. Với chúng tôi, những người trẻ ở đây, ngoài là đồng nghiệp thì thầy là một người cha, người anh cả của chúng tôi. Còn với các con, thầy là người thầy, người cha ngày đêm chăm sóc, dạy dỗ chỉ bảo. Với các cụ thì thầy là người con quan tâm, chăm sóc. Những cán bộ làm việc tại đây, ngoài hai chữ trách nhiệm thì còn có hai chữ tình thân".
Những người thầy dưới chân núi Mẫu Sơn
Đoạn đường 4km cuối cùng để vào trường vẫn được các thầy cô gọi vui là “đường 2 chiều”. |
Người thầy giàu nghị lực nơi vùng cao Yên Bái
Dù không may bị liệt nhưng với nghị lực phi thường thầy giáo trẻ Phan Văn Thắng ở vùng cao Yên Bái vẫn đứng trên ... |
GS Trần Hồng Quân: \'Hàng chục năm rồi, người thầy vẫn còn quá khổ\'
Nguyên Bộ trưởng Giáo dục nhắc lại vấn đề cải thiện thu nhập cho nhà giáo là cấp thiết, bởi ngành giáo dục cần giữ ... |
Những người thầy ngày lên bục giảng, tối đi đánh cá nuôi học trò
Bữa cơm của thầy trò Trường Tân Dân hôm nay có món cá hấp thơm phức, cùng rau cải luộc. Chỉ ngần ấy cũng khiến ... |
Ngày đăng: 09:33 | 20/11/2018
/