Tôi được mời tham gia cuộc đối thoại cùng trưởng ban soạn thảo nghị định 117 về xử phạt người ép buộc, dụ dỗ người khác uống rượu bia.
Tôi được mời tham gia cuộc đối thoại cùng trưởng ban soạn thảo nghị định 117 về xử phạt người ép buộc, dụ dỗ người khác uống rượu bia.
Cuộc đối thoại được phát sóng trực tiếp sóng phát thanh quốc gia, nên cũng nhận được khá nhiều những phản hồi. Và ý kiến của người dân trước bất cứ một nghị định liên quan đến xử phạt nào cũng sẽ là tính khả thi của nó.
Câu hỏi mà mọi người luôn đặt ra: Làm sao để chứng minh được việc có người ép buộc hay dụ dỗ mình uống rượu bia? Cơ quan chức năng nào sẽ xử lý, xử phạt? Quy trình của việc phát hiện, xử lý và xử phạt thế nào? Thoạt tiên, khi nghe những phản hồi đó tôi thấy... cũng đúng. Bởi nhìn lại nghị định về phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng hay nghị định về phạt hành vi thả chó chạy rông đưa ra đã lâu nhưng việc xử phạt chỉ như muối bỏ bể. Mọi thứ cứ rộ lên lúc đầu rồi sau đó một thời gian là đâu lại vào đấy.
Hay kể cả nghị định 100 về xử phạt những tài xế có nồng độ cồn trong máu, ai cũng đồng thuận là đúng và cần thiết. Nhưng vẫn có những ý kiến trái chiều và mang tính bắt bẻ. Và việc triển khai nó thời gian đầu vô cùng rầm rộ nhưng sau chỉ theo chốt cảnh sát giao thông thay vì trong phố xá, nơi hàng ngàn quán bia vẫn nườm nượp mỗi ngày. Giờ thật không khó để thấy những người rời quán bia, quán nhậu vẫn leo lên xe máy, ô tô phóng đi.
Nhưng có một thực tế trên chính số liệu do các bệnh viện cung cấp thì con số tai nạn giao thông do uống rượu bia đã giảm ít nhiều so với trước khi có nghị định. Người dân đã nhận thức và "biết sợ" hơn khi tham gia giao thông mà lỡ có uống một chút. Trong thời gian đầu của nghị định 100, nhiều quán nhậu đã đưa ra giải pháp tích cực như nhận giữ xe qua đêm cho khách uống bia, uống rượu. Hoặc dịch vụ xe công nghệ "trúng mánh" khi được sử dụng nhiều hơn. Nó khiến tôi nghĩ đến tính khả thi của mỗi nghị định không nằm ở việc xử phạt được bao nhiêu người, mà là thay đổi nhận thức của bao nhiêu người.
Trở lại nghị định 117, tôi nghĩ về tính khả thi của nó: không phải để xử phạt được bao nhiêu người mà là nó sẽ trở thành phương án "giải cứu" được bao nhiêu người Việt trước vấn nạn ép uống hay lôi nhau ra quán nhậu. Rõ ràng, những người như tôi, rất hay cả nể trước những lời mời (rủ rê, dụ dỗ), rất hay không muốn làm người khác không vui nên uống cố (bị ép buộc) giờ đã có lý do chính đáng để tự giải cứu mình rồi.
Nếu như trước đây, tôi luôn phải giả dối rằng nhà có việc bận, không ai đón con nên không thể tham gia bữa nhậu. Thậm chí có lần trước mặt con phải nói dối rằng: "Con em đang ốm, để lần sau em ra mời bác uống bữa khác", làm con tôi giận bố mấy hôm vì bố nói dối. Tôi chẳng biết phải giải thích sao với con mình vì người gọi tôi ra quán nhậu là một đối tác quan trọng. Hay những lần gian xảo chuẩn bị sẵn vài viên thuốc C để trước khi vào tiệc nhậu mình giả bộ đang bệnh phải uống thuốc nên không được dùng rượu bia. Giờ có nghị định 117, tôi chắc không phải dùng hạ sách đó.
Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) có nói trên VnExpress: "Quy định pháp luật ban hành trước hết để định hướng, chứ không chỉ nhằm mục đích xử phạt. Tôi mong rằng những quy định này sẽ góp phần giảm bớt tác hại của rượu bia, bởi nó đảm bảo quyền từ chối của người không uống rượu bia và định hướng thói quen tiêu dùng rượu bia văn minh, tự nguyện. Dần dần tôi hi vọng sẽ tạo thành nếp sống mới trong xã hội là uống rượu, bia theo thói quen, nhu cầu, sở thích của mỗi người". Tôi hoàn toàn đồng tình và xin được bổ sung thêm rằng nghị định 117 ra đời cũng là cách để chúng ta chặn đứng một bất công trong xã hội. Đó là việc lạm dụng quyền lực.
Như chúng ta thấy, hầu hết trong những việc ép buộc người khác uống rượu bia hay lôi kéo, dụ dỗ, rủ rê người đi uống rượu bia đều là từ mối quan hệ mà người ép là sếp, là người lớn tuổi hơn, là người có quyền hành cao hơn. Thậm chí, ngay trong cùng một cấp bậc, ma mới vẫn phải nghe lời ma cũ. Đồng nghiệp lâu năm có quyền lực cao hơn đồng nghiệp mới vào.
Chẳng mấy nhân viên nào dám ép sếp. Chẳng mấy nhân viên sale nào dám ép khách hàng uống. Người bị ép uống phần đông đều là người thấp cổ bé họng hơn nên phải uống. Chứ như mời sếp, sếp không uống thì đố nhân viên nào dám ép. Nó cho thấy một mối quan hệ thiếu công bằng giữa người ép uống và người bị ép uống. Như các bậc cha chú luôn ép lũ trẻ phải uống. Nếu không uống là mày khinh thường anh. Thậm chí nhiều ông bố dùng quyền làm cha của mình chuốc rượu đứa trẻ vì ý nghĩ "đàn ông vô tửu như kỳ vô phong".
Hình ảnh người cha ngồi nhậu trong quán bia có cậu con trai chạy lăng xăng thi thoảng tợp vài ngụm bia của bố thật không hiếm trong nhiều quán bia hơi vỉa hè. Thế nên nghị định 117 ra đời theo tôi còn giúp "phá băng" định kiến. Sếp không thể ép nhân viên. Người lớn tuổi không thể ép người trẻ hơn. Việc tan sở không còn những độ nhậu mà sếp bắt đi nhân viên không đi là bị ghét, bị chê trách. Các bác tài cũng không còn bị đoàn khách ép uống một ly với đoàn gọi là cảm ơn bác tài đã lái xe vất vả.
Để một nghị định "sống lâu" thì nó không chỉ nằm ở tính khả thi mà nó còn phải nằm ở sự ủng hộ. Là nó có khiến người dân ủng hộ hay không? Người dân sẽ ủng hộ nếu nó giúp được người dân giải quyết những vấn đề mà đã từ lâu họ không tự giải quyết được. Nghị định 117 vì thế nên được hiểu như việc xoá bỏ sự lạm quyền. Nó giải cứu những người thấp cổ bé họng thoát khỏi những lần bị ép uổng. Nó khiến họ, những người quanh năm phải bán sức khoẻ của mình cho rượu bia, những bữa nhậu để có một chỗ làm, để có một công việc, để có một hợp đồng sẽ được giải cứu. Phụ nữ sẽ không còn bị nam giới chuốc rượu, ép uống chỉ vì đàn ông muốn biến phụ nữ thành mồi nhậu của họ trong các bữa tiệc. Có nghị định 117, phụ nữ nào cũng có thể tố cáo người ép mình hay ít nhất, họ có thể sử dụng nghị định 117 để từ chối.
Tôi những mong nghị định 117 không chỉ dừng lại ở việc khuyến khích người dân sử dụng mà hãy phải trở thành một giải pháp. Nó cần được tuyên truyền theo hình thức này chứ không phải ở mức phạt. Nó cần được hiểu như một giải pháp hơn là một cơ chế pháp lý, hành lang pháp lý. Nên đối tượng mà nghị định 117 nên được tuyên truyền tới không phải chỉ là cánh đàn ông mà còn phải là phụ nữ và trẻ nhỏ - những người được hưởng lợi từ nghị định 117.
Như hôm qua, tôi có nói với con trai tôi rằng: "Giờ bố mà dụ dỗ Bách uống bia là bố bị phạt đến 3 triệu đồng đấy". Cu cậu rất khoái trá và bảo: "Giờ ai ép buộc hay dụ dỗ con, họ sẽ bị phạt phải không bố?". Bao nhiêu đứa trẻ cần biết điều này? Nếu bạn đọc của tôi biết, Covid 19 vừa qua, lũ trẻ mới chính là "lực lượng nòng cốt" trong việc tuyên truyền cha mẹ phải đeo khẩu trang trước khi ra khỏi nhà, phải rửa tay khi bước vào nhà và không tụ tập nơi đông người vì chúng sợ virus Corona. Bao nhiêu người phụ nữ thắc thỏm lúc chiều muộn khi chồng họ đang bận nhậu? Có người vợ, người mẹ nào muốn chồng mình, con mình bị ép uống rượu mà say khướt khi về nhà?
Bởi tai nạn giao thông do rượu bia, nạn nhân lại chẳng phải là người bị tai nạn mà chính là các bà, các mẹ, các vợ, lũ con thơ ở nhà. Họ mới là những người đau đớn nhất, mất mát nhất và phải sống mãi với nỗi đau mất chồng, mất cha, mất con.
Hoàng Anh Tú
Nhân viên hộp đêm ở Nhật tử vong do tiếp rượu khách nữ |
Ăn hối lộ, thích gái đẹp rượu ngon: Cựu bí thư Trung Quốc nhận quả đắng |
Doanh nghiệp rượu, bia đề nghị đổi tên dự luật để tránh “đụng chạm” |
Ngày đăng: 08:48 | 06/10/2020
/ vnexpress.net