Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 92% doanh nghiệp (DN) tư nhân xác nhận bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, nhất là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong tình hình đó, Chính phủ, các bộ và cơ quan chức năng đã dồn sức, tập trung hỗ trợ DN vượt khó khăn.

Đến nay, có thể thấy, DN đang từng bước phục hồi, tuy nhiên những hệ lụy, thiệt hại và khó khăn sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 vẫn hiện hữu.

14
Các địa phương tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Môi trường kinh doanh trong nước đã cải thiện tốt hơn

Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mới đây cho biết, tình hình cải cách vẫn trên đà cải thiện rõ nét, có tác dụng thiết thực với DN. Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, với hiệu quả và hiệu lực thực thi. Phân tích của VCCI cho biết, có 74% DN cho rằng “khi quy định của trung ương chưa rõ ràng, UBND địa phương đã năng động và sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh” và 62% DN xác nhận chính quyền có thái độ tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN… Hoạt động cải cách ở các tỉnh, thành phố tiếp tục lan tỏa cho thấy sự chuyển biến tích cực, liên tục qua thời gian. Cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh thật sự là một phong trào rộng khắp, hướng tới hiệu quả trong hỗ trợ, phục vụ DN.

Ở góc độ địa phương, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc luôn xác định DN có vị trí cực kỳ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Họ không chỉ là người tạo ra những giá trị gia tăng, tạo ra tăng trưởng mà họ còn là nhân tố để tạo ra sự phát triển của một quốc gia cũng như sự phát triển của một địa phương. Do vậy, sự kiện Vĩnh Phúc đứng vị trí top 5 trong chỉ số PCI năm nay là sự trở lại khá ngoạn mục. Đây là một phần thưởng rất lớn mà cộng đồng DN, doanh nhân dành cho chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc.

“Điều quan trọng nhất phải là chất lượng điều hành cũng như chất lượng cải thiện các chỉ số cụ thể trong phục vụ cũng như tạo lập môi trường đầu tư cho các DN, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN. Theo đó, năm 2022, chỉ số mà Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm là chỉ số minh bạch. Là chính quyền địa phương cấp tỉnh, chúng ta không có quyền thay đổi thể chế, nhưng chúng ta minh bạch thể chế, hướng dẫn, tạo điều kiện, hỗ trợ các DN để tiếp cận, đồng hành cùng chính quyền trong chấp hành thể chế. Chúng tôi cho rằng, đây là chỉ tiêu quan trọng nhất và nó sẽ quyết định các chỉ số khác. Thứ hai là chỉ số sự năng động của chính quyền, thể hiện ở việc chính quyền hiểu DN, quan tâm đến DN và thật sự vào cuộc cùng DN, điều này sẽ tạo ra sự đồng hành để cùng nhau phát triển”, ông Thành nhấn mạnh.

Tại Hà Nội, trong quý I/2022, cơ quan chức năng đã tư vấn, giải đáp thắc mắc miễn phí cho DN về thủ tục pháp lý, những vướng mắc trong quá trình thành lập và hoạt động của DN cho khoảng 9.000 lượt DN. Hỗ trợ nộp hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử miễn phí cho 125 lượt DN. Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, tổng hợp khó khăn vướng mắc trong quá trình DN nhận kết quả thủ tục hành chính về đăng ký DN qua bưu điện…

Theo ông Trần Ngọc Giang, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Royal Palace, chất lượng môi trường kinh doanh có xu hướng cải thiện rõ trong mấy năm qua. Các DN cảm nhận và được thụ hưởng nhiều hơn, nhất là trong lĩnh vực thuế, đăng ký thành lập, hỗ trợ về thủ tục hành chính…

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, giai đoạn từ năm 2015 - 2019, việc cải thiện môi trường kinh doanh diễn ra mạnh mẽ và đạt được hiệu quả tích cực, nhiều nội dung kiến nghị của cộng đồng DN đã được các bộ, ngành tháo gỡ. Nhưng từ năm 2019 - 2021, tinh thần cải cách có dấu hiệu chững lại. Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP, thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với DN. Nghị quyết lựa chọn một số vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022 - 2025.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát của VCCI cũng cho thấy một số thủ tục hành chính còn gây phiền hà, khó khăn cho DN, thuộc lĩnh vực thuế, phí, đất đai, xây dựng. Cán bộ còn biểu hiện nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết thủ tục và chi phí không chính thức vẫn còn, dù đã giảm qua thời gian. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cần khắc phục những tồn tại đó. Mọi thực tế hoặc chuyển biến đều cần có sự đánh giá kịp thời, chính xác để mỗi cơ quan chức năng, cán bộ nhận thức rõ trách nhiệm, cầu thị mà phục vụ tốt hơn.

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức khi tốc độ và mức độ cải thiện đang chững lại do những tác động của dịch COVID-19. Do vậy, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần được Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện một cách thực chất hơn nữa. Các bộ, ngành và địa phương phải coi đó là nhiệm vụ xuyên suốt để tiến đến mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững trong giai đoạn phục hồi của nền kinh tế hiện nay.

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp một cách thực chất

Chính phủ xác định, cải cách chính là động lực, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và là mục tiêu theo đuổi trong các năm tới với tinh thần kiên trì, với sự vào cuộc đồng bộ. Do vậy, để những quyết tâm của Chính phủ đi vào thực tiễn, tạo sức lan tỏa cho môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng DN.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố, kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc do Tổng cục Thuế tổ chức. Theo đó, sẽ bao phủ hóa đơn điện tử trên toàn quốc đến trước ngày 1/7/2022, theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ.

Hiện, các địa phương cũng đang vào cuộc với tinh thần cầu thị, khẩn trương nhằm hỗ trợ DN thông qua cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tham vấn ý kiến DN trong xây dựng và thực thi chính sách… Như chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, chính quyền tiếp tục nghiên cứu để cải thiện chất lượng điều hành, môi trường đầu tư kinh doanh phục vụ DN tốt hơn.

Tại Quảng Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký xác định, cải cách hành chính là công việc thường xuyên, không có điểm bắt đầu, cũng không có điểm kết thúc. Tỉnh sẵn sàng đồng hành, chia sẻ khó khăn với DN một cách nhanh gọn, thực chất… Trong khi đó, ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, trong năm 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông khẳng định, trong bối cảnh DN gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững. Đây sẽ là những trợ lực hữu hiệu cho DN phục hồi và phát triển.

Ngày đăng: 10:05 | 08/05/2022

/