Sardjono Utomo, 67 tuổi, bác sĩ, nhập viện tại thành phố Surabaya vào đầu tháng 12, không phải để chữa cho bệnh nhân mà điều trị Covid-19 cho mình.
Tình trạng của Sardjono Utomo nguy kịch, suy hô hấp. Suốt 24 giờ, đồng nghiệp của ông đã gọi điện khắp các bệnh viện ở thành phố Surabaya để tìm kiếm máy thở. Tuy nhiên, cả bác sĩ Utomo và vợ ông, bà Sri Martini, đều không qua khỏi.
Cái chết của họ gióng lên hồi chuông cảnh báo ở quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, nơi đại dịch chuyển biến ngày càng trầm trọng, tạo áp lực lớn cho hệ thống y tế vốn thiếu trang thiết bị.
Trong 10 ngày qua, Indonesia 4 lần ghi nhận số người nhiễm nCoV cao kỷ lục, kỷ lục vào ngày 3/12 với 8.369 ca mắc mới. Truyền thông địa phương đưa tin các bệnh viện trong khu vực đã hoạt động hết công suất.
Halik Malik, phát ngôn viên của Hiệp hội Y tế Indonesia, nhận định: "Có vẻ tình trạng quá tải đã đạt đến ngưỡng tồi tệ nhất trong cả đại dịch".
Các chuyên gia y tế công cộng cho biết Indonesia đã phải vật lộn để kiểm soát sự lây lan của virus kể từ tháng 3. Hiện nước này ghi nhận hơn 570.000 ca nhiễm, ít nhất 17.000 người tử vong do Covid-19. 70.000 người khác được xếp vào diện nghi nhiễm. Đến nay, Indonesia là quốc gia có số người chết vì Covid-19 cao nhất Đông Nam Á.
Bác sĩ Sardjono Utomo (trái) và vợ (phải), khi còn sống. Ảnh: Reuters |
Bác sĩ Sardjono sinh sống tại Pamekasan, một quận nhỏ của đảo Madura giáp biển Java. Ông từng là giám đốc bệnh viện trong nhiều năm liền, song khi nhiễm virus vẫn không có máy thở để dùng.
"Mọi bệnh viện đều chật kín, và ở Pamekasan cũng vậy. Mọi thứ đang đạt cực hạn", tiến sĩ Syaiful Hidayat, bác sĩ chuyên khoa phổi điều trị cho ông Sardjono, nói.
Con rể của bác sĩ Sardjono, Arif Rahman, 41 tuổi, cho biết cái chết của ông và vợ chứng minh tình trạng thiếu thiết bị y tế trầm trọng của các bệnh viện quốc gia.
Trả lời phỏng vấn về lý do bác sĩ Sardjono không có máy thở, Febriadhitya Prajatara, phát ngôn viên Surabaya, cho biết bệnh viện đã quá chậm trễ và đây không phải lỗi của chính quyền thành phố. Theo ông, công suất các khu hồi sức tích cực đây đạt mức 66%.
Song những dấu hiệu đáng ngại khác đã bắt đầu xuất hiện tại khắp đảo Java. Thống đốc Tây Java Ridwan Kamil cho biết các phòng cách ly ở Bogor, Depok, Bekasi và Bandung đã đạt 80% công suất.
Tình hình ở Jakarta không sáng sủa hơn. LaporCOVID-19, sáng kiến hỗ trợ người mắc Covid-19, cảnh báo các khu cấp cứu đang đứng trước bờ vực sụp đổ. Để giúp bệnh nhân tìm giường bệnh từ ngày 27 đến 29/11, LaporCOVID-19 đã liên hệ với 69 bệnh viện, tuy nhiên 97% trong số đó đã kín chỗ.
Irma Hidayana, đồng sáng lập dự án, nhận định: "Tình trạng quá tải của ICU trong các bệnh viện chuyên biệt điều trị Covid-19 cho thấy chính phủ chưa nghiêm túc trong việc xử lý đại dịch".
Theo dữ liệu từ chính quyền Jakarta, 97% giường cách ly tại 98 bệnh viện chuyển tuyến đã kín chỗ, trong khi 74% giường ICU cũng gặp tình trạng này.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, Lực lượng đặc nhiệm Covid-19 của Indonesia, Hiệp hội Bệnh viện Quốc gia và Văn phòng Y tế Jakarta đã không cung cấp thêm bất cứ dữ liệu nào.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 3/12, phát ngôn viên của Lực lượng, ông Wiku Adisasmito, cho biết 57.97% số giường trên toàn quốc không còn chỗ trống, tính đến ngày 1/12.
Một phần trong số 1.315 máy thở đã được phân phối đến nhiều khu vực. Song đối với bác sĩ Sardjono, một trong số 180 nhân viên y tế Indonesia đã tử vong do virus, điều này không giúp ích được gì. Khi được hỏi vì sao một bác sĩ cao cấp như ông không được điều trị kịp thời, bác sĩ Syaiful cho biết bệnh viện khi ấy không còn đủ phòng trống.
"Bạn muốn mời ai ra ngoài? Chúng tôi không làm vậy được. Sự việc cho thấy Covid-19 ở ngay đây và nó có thật. Điều này có thể xảy ra đối với bất cứ ai và chúng tôi không có đủ giường trống", bác sĩ nói.
Thục Linh (Theo Reuters)
Tham ô tiền hỗ trợ COVID-19, Bộ trưởng Indonesia bị bắt cùng 7 vali tiền |
Số ca mắc Covid-19 ở Indonesia tăng kỷ lục sau các vụ tụ tập đông người |
Ngày đăng: 10:30 | 08/12/2020
/ vnexpress.net