Bộ Y tế ban hành các tiêu chí cụ thể mới trong việc phân loại, xác định các trường hợp F0, F1, F2.
Trước đây, quy định phân loại F0, F1 được Bộ Y tế nêu trong phác đồ điều trị, tuy nhiên trong hướng dẫn mới nhất này, Bộ Y tế phân rõ hơn, khoanh chặt hơn các điều kiện.
Theo đó, ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 là người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác hoặc người có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với SARS-CoV-2. So với quy định cũ, khái niệm này đã bỏ điều kiện về tiền sử dịch tễ, tiền sử tiếp xúc F0.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 ở Hà Nội. (Ảnh minh hoạ: SKĐS) |
Bên cạnh đó, các tiêu chí về người tiếp xúc gần (F1) cũng được điều chỉnh. Ngoài điều kiện là người tiếp xúc gần với F0 trong khoảng 2m thì còn có tiếp xúc gần trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí… hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
Bộ Y tế quy định rõ từng trường hợp nào tiếp xúc gần với F0 có triệu chứng và F0 không triệu chứng (không dùng khái niệm người lành mang trùng) được xác định là F1.
Với F0 có triệu chứng, một người được xác định là F1 nếu tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi F0 khởi phát và được cách ly y tế. Thời điểm khởi phát của ca bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường về sức khỏe đầu tiên mà bệnh nhân cảm nhận được.
Với F0 không có triệu chứng, một người được xác định là F1 nếu tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian từ khi tiếp xúc lần đầu với nguồn lây cho đến khi F0 được cách ly y tế.
Với trường hợp F0 chưa xác định được nguồn lây thì người được xác định là F1 nếu có tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi F0 được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính cho đến khi F0 được cách ly y tế.
Quyết định mới cũng bỏ toàn bộ phần nội dung hướng dẫn việc giám sát (khi chưa có ca bệnh, có ca bệnh và dịch lây lan rộng trong cộng đồng) để phù hợp với thực tế.
Trong trường hợp số lượng F1 quá nhiều, vượt quá khả năng cách ly tập trung hoặc các trường hợp đặc biệt khác (người già, người hạn chế vận động, trẻ nhỏ, người bị bệnh hoặc sức khỏe yếu cần phải có người chăm sóc…), xem xét áp dụng hình thức cách ly F1 tại nơi lưu trú 14 ngày theo hướng dẫn.
Đến tháng 7/2021, Việt Nam ghi nhận 7 biến chủng của virus SARS-CoV-2 gồm các chủng phổ biến tại châu Âu, châu Phi, Anh và Ấn Độ.
Riêng trong đợt dịch từ ngày 27/4 đến nay nước ta đã ghi nhận 2 biến chủng là Delta (B.1.617.2, lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ) và Alpha (B.1.1.7, lần đầu tiên phát hiện tại Anh).
Trong đó biến chủng Delta được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh được WHO xếp vào nhóm "biến chủng gây quan ngại" có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với biến chủng Alpha.
Hơn 60% người nhiễm virus SARS-CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng. Đến nay, bệnh đã có vaccine phòng nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Hà Cường
Thủ tướng: Bộ Y tế hỗ trợ địa phương, DN tiếp cận vaccine COVID-19 trên thế giới |
Hàng trăm thầy thuốc ‘Nam tiến’, nhiều Bệnh viện tư chuyển đổi công năng điều trị bệnh nhân COVID-19 |
Ngày đăng: 21:05 | 01/08/2021
/ vtc.vn