Các nhà khoa học hạt nhân, tên lửa Triều Tiên luôn được tôn vinh trước công chúng và hưởng nhiều đặc ân từ chính phủ.
Các nhà khoa học hạt nhân và tên lửa luôn được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un coi trọng. Ảnh minh họa: KCNA.
Khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tổ chức lễ ăn mừng thành công của vụ phóng tên lửa hồi tháng trước, vây quanh ông là một nhóm các quan chức và nhà khoa học hàng đầu. Truyền thông nhà nước Triều Tiên không nêu tên họ song họ đều được nhìn thấy xuất hiện bên cạnh ông Kim trong những sự kiện tương tự trước đây, theo New York Times.
Những người này, thường được biết đến với biệt danh "bộ đôi hạt nhân" hay "bộ tứ tên lửa", đã góp phần quan trọng vào quá trình chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Triều Tiên có khả năng vươn tới Mỹ. Giới quan sát đánh giá đây là một thành tựu khoa học vượt bậc của Triều Tiên, quốc gia bị cô lập nhất thế giới.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lâu nay luôn thể hiện sự coi trọng đối với các nhà khoa học hạt nhân và tên lửa. Ông đã biến họ trở thành những người hùng, biểu tượng cho sự phát triển của đất nước.
Giới phân tích vẫn nỗ lực tìm cách để lý giải bằng cách nào Triều Tiên có thể vượt qua những khó khăn trong hàng thập kỷ bị cô lập, trừng phạt để đạt được những bước tiến dài như vậy trên con đường phát triển hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, việc Triều Tiên dồn nhiều nguồn lực cho việc xây dựng các cơ sở nghiên cứu khoa học là một thực tế đã rõ ràng.
Tôn vinh khoa học
Các nhà khoa học hạt nhân và tên lửa Triều Tiên được người dân chào mừng.
Kể từ khi lên làm lãnh đạo Triều Tiên hồi năm 2011, ông Kim đã nâng tầm khoa học như một lý tưởng sống trong những hoạt động tuyên truyền. Ông đồng thời thể hiện nổi bật sự trọng vọng dành cho các nhà khoa học trên khắp đất nước. Đây là điểm khác biệt giữa ông Kim Jong-un và cha mình, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, người lấy phim ảnh và nghệ thuật làm công cụ tuyên truyền chính.
Trong vòng 4 năm, ông Kim Jong-un đã cho mở một đại lộ 6 làn ở thủ đô Bình Nhưỡng và đặt tên là Đường Nhà khoa học Tương lai. Tại đây, ông cho xây dựng nhiều tòa chung cư dành cho các nhà khoa học, kỹ sư cùng gia đình họ.
Ông Kim cũng mở một khu phức hợp bề thế với hình ảnh lấy cảm hứng từ mô hình nguyên tử nhằm tôn vinh những thành tựu của quốc gia trong lĩnh vực khoa học hạt nhân. Ông thường xuyên tổ chức các sự kiện quy mô để ăn mừng những tiến bộ khoa học.
Sau mỗi lần thử hạt nhân hay tên lửa thành công, các nhà khoa học, kỹ sư Triều Tiên luôn được tôn vinh bằng những cuộc tuần hành ngoài trời hoành tráng. Trên đường tới Bình Nhưỡng, những đám đông cuồng nhiệt chào đón họ.
"Họ có kỹ thuật khá tinh vi trong ngành luyện kim, cơ khí và ngành hóa học ở một mức độ nào đó. Tất cả các ngành đều liên kết chặt chẽ với nhu cầu quân sự và dân sự của Triều Tiên", ông Joshua Pollack, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Middlebury về Nghiên cứu Quốc tế tại Monterey, California, Mỹ, nhận xét.
Triều Tiên đã nhập các tài liệu và tạp chí khoa học từ Nhật Bản từ hàng chục năm nay. Khi gửi sinh viên ra nước ngoài học tập, Triều Tiên luôn yêu cầu những người này tìm cách sao chép các công nghệ khoa học để mang về phục vụ quốc gia, theo Michael Madden, người vận hành một trang web chuyên theo dõi hoạt động ở Triều Tiên, cho hay.
Khu phức hợp khoa học lấy cảm hứng từ mô hình nguyên tử của Triều Tiên. Ảnh: KCNA. |
Các biện pháp trừng phạt từ Liên Hợp Quốc cấm việc dạy những bộ môn khoa học ứng dụng quân sự cho sinh viên Triều Tiên. Nhưng Triều Tiên vẫn gửi sinh viên tới một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ hay thậm chí cả Đức, theo giới phân tích và những báo cáo của Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, Internet cũng là một mỏ vàng đối với Triều Tiên. Nhà nước cấm người dân truy cập Internet song lại cho phép các nhà khoa học hàng đầu tìm kiếm các dữ liệu nguồn mở trên mạng dưới sự giám sát của các nhân viên an ninh.
Triều Tiên thường chọn các sinh viên khoa học xuất sắc nhất tham gia vào những dự án quân sự. Theo những người đào tẩu và các nhà phân tích, những người tham gia chương trình hạt nhân, tên lửa phải rời quê nhà và chỉ có thể trở về thăm gia đình nếu đi cùng người quản lý từ chính phủ.
Dù bị kiểm soát chặt chẽ, những sinh viên tham gia chương trình hạt nhân, tên lửa lại được chính phủ nuôi ăn ở tốt hơn. Họ có cơ hội tiếp cận các bản thiết kế và những thiết bị vũ khí do các tin tặc hay điệp viên Triều Tiên lấy từ nước ngoài.
Đặc ân
Dưới thời cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, các nhà khoa học và kỹ sư Triều Tiên đã được hưởng nhiều đặc ân trong quá trình ông kiến thiết đất nước sau cuộc chiến tranh. Ông Kim Nhật Thành lúc bấy giờ thu nạp những người từng được đào tạo ở Nhật Bản khi Triều Tiên còn là thuộc địa của Nhật, sau đó gửi hàng trăm sinh viên tới Liên Xô, Đông Đức cùng các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như đã thay đổi đáng kể về thế hệ đội ngũ dẫn dắt chương trình vũ khí. Ông cất nhắc những nhà khoa học và quan chức chưa có nhiều tiếng tăm và có xu hướng bổ nhiệm các quan chức vào nhiều dự án khác nhau nhằm tạo sự cạnh tranh.
Theo ông Lee Yun-keol, người Triều Tiên đào tẩu hiện điều hành Trung tâm Dịch vụ Thông tin Chiến lược Triều Tiên ở Seoul, Hàn Quốc, và nghiên cứu về lịch sử chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, Triều Tiên trong quá khứ còn tuyển dụng các nhà khoa học từ thời Liên Xô và trả lương lên tới 10.000 USD mỗi tháng.
Năm 1992, một máy bay chở 64 nhà khoa học tên lửa khởi hành từ Moscow, Nga, đi Triều Tiên đã bị chặn lại. Không rõ có bao nhiêu nhà khoa học thời Liên Xô đã đặt chân tới Triều Tiên từ đó tới nay.
Theodore A. Postol, giáo sư danh dự về khoa học, công nghệ và an ninh quốc tế tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho rằng Triều Tiên "có dữ liệu tuyệt vời về những lần thử tên lửa đầu tiên và thành công".
Sự thành công này có thể bắt nguồn từ việc các động cơ và thiết kế tên lửa Triều Tiên về cơ bản giống với Nga và họ cũng học hỏi được kinh nghiệm từ các kỹ sư Nga để giải quyết những vấn đề gặp phải.
Chuyến thăm hàng năm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới lăng mộ cố chủ tịch Kim Nhật Thành là một trong những nghi thức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở Triều Tiên. Việc "bộ tứ tên lửa" hồi tháng 7 tháp tùng ông Kim trong sự kiện này cho thấy họ có vị thế cao như thế nào trong bộ máy chính quyền, theo New York Times.
Các chuyên gia tên lửa sau vụ phóng thử thành công hồi tháng trước còn được nhìn thấy hút thuốc cùng với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, một đặc ân tối cao ở Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un cõng cấp dưới sau một cuộc thử nghiệm động cơ tên lửa mới hồi tháng ba. Ảnh: KCNA. |
Sau những vụ thử hạt nhân hay tên lửa, ông Kim thỉnh thoảng ôm chầm lấy các nhà khoa học. Một số người đã rơi nước mắt. Đáng chú ý hơn cả, hồi tháng ba, trong một bức ảnh, ông Kim còn vui mừng cõng một quan chức không rõ danh tính sau khi thử nghiệm thành công động cơ tên lửa mới.
"Bằng cách phóng tên lửa và đối đãi với các nhà khoa học như những ngôi sao, ông Kim Jong-un đã mang đến cho người dân Triều Tiên cảm nhận về sự tiến bộ", ông Lee nhận xét. "Đó không chỉ là dự án quân sự mà còn là một chiến lược chính trị".
Ngày đăng: 17:00 | 18/12/2017
/ VnExpress